Tỉ lệ xuất hiện các yếu tố nguy cơ trong nhóm ĐTNC

Một phần của tài liệu nghiên cứu một số yểu tố nguy cơ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ tại bệnh viện nội tiết trung ương (Trang 65 - 68)

- Tuổi

Trong nghiên cứu, tuổi bệnh nhân < 25 chỉ có 3,3%, còn lại một tỉ lệ rất lớn bệnh nhân có tuổi ≥ 25. Nghiên cứu của Tô Thị Minh Nguyệt, các tỉ lệ tương ứng như sau: 5,19% vs 94,81%. Tỉ lệ ĐTĐTK tăng theo nhóm tuổi, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nhận định này được thống nhất ở hầu hết các nghiên cứu khác [61]. Theo khuyến cáo của viện sức khỏe Australia thì > 30 tuổi được coi là yếu tố nguy cơ của ĐTĐTK [62], ADA khuyến cáo mức tuổi ≥ 25 [], ACOG khuyến cáo tuổi ≥ 30. E. De Franchis cho rằng, tuổi ≥ 35 là yếu tố nguy cơ cho ĐTĐTK [79], đối với Hamid Reza khi tuổi thai phụ ≥ 35 tăng 10 lần nguy cơ ĐTĐTK [10]. Theo Doctor tipster, khi phụ nữ mang thai ≥ 25 tuổi thì nguy cơ ĐTĐTK tăng lên 4% mỗi năm. Jose J Jimenez cho rằng, thai phụ ≥ 30 tuổi có nguy cơ bị ĐTĐTK tăng lên 6 lần. Katarzyna Cypryk cho rằng, phụ nữ mang thai có tuổi > 25 tăng gấp 2 lần nguy cơ bị ĐTĐTK (mối tương quan này chặt với r = 2,05) [95]. Tuổi thai phụ > 30, có mối tương quan chặt với nguy cơ bị ĐTĐTK (r = 1,08; p = 0,004) [97].

- Tiền sử ĐTĐTK và tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ

Trong nghiên cứu của chúng tôi: tỉ lệ bệnh nhân có tiền sử ĐTĐTK ở những lần mang thai trước là 2,2%, tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ là 24,2 %. Tương đương với nghiên cứu của Tô Thị Minh Nguyệt các tỉ lệ trên lần lượt là 2,8% và 29,8%. Nghiên cứu của Vũ Bích Nga, tỉ lệ có tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ là 37,8%. Đây được coi là những yếu tố nguy cơ của

ĐTĐTK và nhiều tác giả quan tâm. Nghiên cứu của Kaiser Permanente ông so sánh 2 nhóm phụ nữ: không có ĐTĐTK ở lần mang thai thứ nhất và thứ 2 với nhóm phụ nữ có ĐTĐTK ở lần mang thai 1 nhưng không ĐTĐTK ở lần mang thai 2 thấy: tỉ lệ ĐTĐTK ở lần mang thai thứ 3 tăng 630%. Nguy cơ này thậm chí cao hơn 25,9 lần ở lần mang thai thứ 3 nếu thai phụ bị ĐTĐTK ở cả 2 lần sinh trước [57]. Theo Hamid Reza, yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ĐTĐTK là tiền sử ĐTĐTK. Phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK thì tăng nguy cơ ĐTĐTK ở lần mang thai sau lên 21 lần [80]. Phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK ở lần mang thai trước thì có đến 30 – 60% sẽ bị ĐTĐTK ở lần mang thai tiếp theo [84]. Theo Denise Mann, phụ nữ bị ĐTĐTK ở lần mang thai đầu tiên nhưng không bị ở lần mang thai thứ 2 sẽ tăng 6,3 lần nguy cơ bị ĐTĐTK ở lần mang thai thứ 3 và nguy cơ này tăng hơn nữa ở những lần mang thai tiếp theo. Phụ nữ bị ĐTĐTK ở lần mang thai đầu tiên, nguy cơ tiến triển thành ĐTĐTK ở lần mang thai thứ 2 tăng 13,2 lần [91]. Nghiên cứu thuần tập của E. D Franchis, nhóm phụ nữ mang thai có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ: tuổi ≥ 35, tiền sử gia đình có người ĐTĐ, thai to ở những lần sinh trước thì tỉ lệ ĐTĐTK là 26,23%. Những yếu tố này có mối tương quan chặt với ĐTĐTK [83]. Theo David C. Serin, tiền sử rối loạn dung nạp glucose bao gồm cả ĐTĐTK ở lần mang thai trước cũng được coi là yếu tố nguy cơ cao đối với ĐTĐTK [72]. Clive J Petry cũng đưa tiền sử ĐTĐTK hoặc tiền sử suy giảm dung nạp glucose là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với ĐTĐTK. Quan hệ họ hàng bậc một với người ĐTĐ typ2 cũng được coi là yếu tố nguy cơ của ĐTĐTK [85]. Nghiên cứu của Katarzyna Cypryk thấy mối tương quan chặt giữa tiền sử gia đình thai phụ có người ĐTĐ và nguy cơ bị ĐTĐTK (với r = 1,93; p < 0,01) [95]. Jose J Jimenez cũng nhận thấy, tiền sử gia đình ĐTĐ là một trong số yếu tố nguy cơ thường gặp nhất của ĐTĐTK [81]. Tiền sử gia đình có người ĐTĐ có mối tương quan chặt với nguy cơ bị ĐTĐTK (với r = 6,12; p < 0,0001) [97].

- BMI trước khi mang thai của ĐTNC

Trong nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân thừa cân và béo phì chiếm tỉ lệ rất cao (84,7%), trong đó bệnh nhân thừa cân chiếm tỉ lệ cao nhất 49,5%, béo phì với BMI >25 có tỉ lệ 35,2%. Theo nghiên cứu của Tô Thị Minh Nguyệt, tỉ lệ bệnh nhân ĐTĐTK có BMI > 25% có tỉ lệ 9,1%. BMI hiện tại > 25 hoặc BMI ở thời điểm thụ thai là > 30 được coi là yếu tố nguy cơ của ĐTĐTK. Theo Vũ Bích Nga, tỉ lệ ĐTĐTK ở các thai phụ có BMI > 23 là 25,8%. Dựa trên phân độ béo phì dành cho người châu Á, phụ nữ béo phì trước khi mang thai nhưng không có vấn đề chuyển hóa không làm tăng nguy cơ tiến triển thành ĐTĐTK, tiền sản giật hay thai to. Tuy nhiên, nó làm tăng nguy cơ tiến triển thành tăng huyết áp thai kỳ [92]. Một nghiên cứu khác trên những thai phụ béo phì, sự tăng cân vừa phải trong quá trình mang thai cũng có ảnh hưởng rõ rệt đối với nguy cơ bị ĐTĐTK [93]. Katarzyna Cypryk thấy mối tương quan chặt giữa BMI ≥ 25 trước khi mang thai với nguy cơ bị ĐTĐTK (r = 4,02; p < 0,01) [95]. Nghiên cứu của Sittiwate Bunthalarath MD, trong số các yếu tố nguy cơ của ĐTĐTK (tuổi >30, tiền sử sinh con to, gia đình có người ĐTĐ…) thì chỉ có béo phì (BMI ≥ 27) có mối tương quan với tăng nguy cơ bị ĐTĐTK (với p < 0,05) [96]. Thể trạng béo phì trước khi mang thai (BMI > 27) có mối tương quan chặt với ĐTĐTK (r = 1,07; p = 0,001) [97].

- Glucose niệu dương tính

Trong nghiên cứu 18,7% bệnh nhân ĐTĐTK có glucose niệu dương tính. Glucose niệu dương tính được coi là yếu tố nguy cơ của ĐTĐTK theo cả ADA và Viện sức khỏe Australia [62]. Theo nghiên cứu của Vũ Bích Nga [7], tỉ lệ ĐTĐTK trong các thai phụ có glucose niệu dương tính là 55,6%.

Ngoài những yếu tố nguy cơ trên, chế độ ăn có hàm lượng sắt cao cũng làm tăng nguy cơ đối với ĐTĐTK đặc biệt ở những phụ nữ không thiếu máu trong giai đoạn sớm thai kỳ [90].

Một phần của tài liệu nghiên cứu một số yểu tố nguy cơ, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ tại bệnh viện nội tiết trung ương (Trang 65 - 68)