4.1. Nguyên tắc điều trị
- Chọn thuốc có hoạt phổ rộng nghĩa là tác dụng với nhiều loại giun cùng một lúc vì đa số nhân dân thường nhiễm từ 02 loại giun trở lên:
+ Thuốc đạt hiệu quả cao.
+ Ít tác dụng phụ: Độc với giun, không độc với người. + Sử dụng dễ dàng qua đường uống.
+ Dạng thuốc sử dụng sử dụng đơn giản, tiện lợi rẻ tiền.
- Việc điều trị cho cá nhân người bệnh phải lựa chọn từng loại thuốc thích hợp đối với mỗi bệnh nhân, đạt hiệu quả cao và theo dõi tác dụng phụ của thuốc một cách chặt chẽ.
- Đối với cộng đồng cần có phác đồ phù hợp, dễ sử dụng, có thể điều trị hàng loạt tại cộng đồng và cũng đạt hiệu quả cao.
4.2. Các thuốc điều trị giun đũa, tóc, móc
Hiện nay theo khuyến cáo của WHO: chương trình phòng chống giun truyền qua đất, trên phạm vi rộng, gồm 4 loại thuốc sau đây: Albendazol, Mebendazol, Pyrantel pamoat và Levamisol. Nhưng Levamisol hiện gặp một số tác dụng trên thần kinh trung ương, gây lú lẫn, hôn mê có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, nhiều nước và cả Việt Nam đã không còn sử dụng nữa. Trong phạm vi học phần này, nghiên cứu sinh xin trình bày 3 loại thuốc được sử dụng rộng rãi là: Albendazol, Mebendazol, Pyrantel pamoat.
4.2.1. Albendazole (Alben, Zentel, Zenbel, Zantol, Alzental…)
* Lịch sử và cấu trúc: Albendazol cũng như Mebendazol là một trong những dẫn xuất của benzimidazol. Năm 1979, thuốc được giới thiệu với một hoạt phổ rộng đối với điều trị các loại giun sán [64]. Thuốc được sử dụng qua đường uống và qua thử nghiệm lâm sàng để điều trị các loại giun như: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun lươn ngoài ra còn có tác dụng trên cả kén và nang sán. Gần đây được khuyến cáo để điều trị giun chỉ.
* Cơ chế tác dụng: Albendazol ức chế hấp thu glucose làm giảm dự trữ glycogen và làm giảm ATP cần thiết cho hoạt động của giun, giun thiếu năng lượng và chết. Cơ chế tác dụng này giống như mebendazol.
* Dược động học: Sau khi uống, thuốc hấp thu rất ít ở ruột. Albendazol hấp thu nhanh và được chuyển hóa thành dạng albendazol sulfoxid, dạng ít hơn thành các chất chuyển hóa khác. Các chất chuyển hóa này được thải trử
chủ yếu qua nước tiểu, chỉ một lượng nhỏ thải trừ qua phân. Thời gian bán hủy của sulfoxid từ 8-9 giờ [63], [88], [91].
* Chỉ định:
- Điều trị các loại giun đũa, tóc, móc, kim, lươn và Capilariasis.
- Điều trị sán lá gan nhỏ và sán dây trưởng thành liều 400 mg/ngày x 3 ngày. - Điều trị với kén sán và các tổ chức như ở dưới da, thần kinh…, nang sán; dự phòng trước khi phẫu thuật cắt bỏ kén.
* Chống chỉ định: Phụ nữ có thai; Trẻ em dưới 2 tuổi; Dị ứng với thuốc; Bệnh nhân xơ gan [64].
* Kết quả điều trị của một số tác giả:
Theo Cao Bá Lợi (2010), hiệu quả điều trị nhiễm giun móc/mỏ bằng Albendazol 400mg/ngày x 3 ngày là 98%. TL tái nhiễm tăng dần sau 6, 12, 18 tháng điều trị đặc hiệu với các giá trị tương ứng là 11,6%; 24,0%; 39,3%; hiệu quả điều trị đặc hiệu nhiễm giun móc/mỏ giảm rõ rệt (từ 88,4% xuống còn 76,0% và 60,0% với p<0,01). Hiệu quả điều trị thiếu máu do thiếu Ferritin sau 6, 12, 18 tháng giảm rõ rệt có ý nghĩa thống kê là (86,0% so với 67,4% và 40,1% với p<0,01) [27].
4.2.2. Mebendazol (Fugarca, Vermox, Nemasole, Noverme, Paltelmin,
Toloxin, Anelmin…)
* Lịch sử nghiên cứu: Mebendazol là dẫn xuất của Benzimidazol được phát hiện vào năm 1971 để điều trị giun kim và giun móc. Sau đó được điều trị giun đũa, tóc vào năm 1973 bởi Chavarria A, Wolfe M.S và Wershing J.M [89].
* Cơ chế tác dụng: Thuốc ức chế hấp thu glucose theo cơ chế làm mất đi những vi ống của bào tương ở tế bào ruột và da của giun, nhiều chất tích lũy ở bộ máy golgi, ngừng tiết acetylcholinesterase, ống dẫn glucose bị tổn thương nên giảm hấp thu glucose làm cạn dự trữ glycogen và các adenosintriphosphat (là yếu tố thiết yếu cung cấp năng lượng cho sự sinh tồn của giun), đồng thời làm giảm hoạt tính của succinatdehydragenase gây thiếu succinat và thiếu
năng lượng cho giun hoạt động…Do tác động ức chế dây chuyền chuyển hóa glucose và ATP nên làm giun chết chậm và từ từ [74], [78]. Các tác dụng này không xảy ra ở vật chủ. Thuốc có hoạt phổ rộng đối với các loại giun truyền qua đất.
* Chỉ định: Điều trị giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc và
Capilariasis.
* Chống chỉ định: Phụ nữ có thai 3 tháng đầu, trẻ em dưới 2 tuổi.
* Kết quả điều trị của một số tác giả:
Theo Nguyễn Sơn (2011), sau điều trị hàng loạt 12 tháng bằng Membendazol 500mg liều duy nhất đã giảm tỷ lệ nhiễm giun chung từ 61,1% xuống 11,4%, trong đó tỷ lệ nhiễm giun đũa giảm 97,3%, giun tóc giảm 42,35% và giun móc giảm 94,94%. Tỷ lệ giảm trứng sau 12 tháng điều trị giảm mạnh đặc biệt với trứng giun đũa và giun móc (giảm từ 97,5-99,5%) [37].
4.2.3. Pyrantel pamoat (Combantrin, Embovin, Pyrantel, Anthel, Antiminth, Ascantrin, Bantel, Cobantrin, Helmintox, Helmex, Nemocid, Pantrin, Pyrapam, Proca…)
* Lịch sử nghiên cứu: Pyrantel pamoat được phát hiện vào năm 1966 bởi Austin và cs, thuốc có hiệu quả với giun và nhiều động vật. Sau đó rất nhiều tác giả khác đã sử dụng để điều trị các bệnh giun đường ruột ở các nước khác nhau. Đến năm 1973 thuốc có mặt trên thị trường [59].
* Cơ chế tác dụng: Pyrantel có tác dụng như acetylcholin làm cơ giun khử cực bền, cơ giun co mạnh cấp tính, ngừng co bóp tự phát (tác dụng nicotinic). Đồng thời pyrantel ức chế cholinesterase làm cho cơ giun liệt cứng và bị tống ra khỏi cơ thể. Tác dụng của pyrantel ngược với piperazin giống curare làm liệt cơ giun dần dần trong vài giờ, không gây co cứng, piperazin ức chế những phản ứng với acetylcholin và với những chất tương tự pyrantel. Vì vậy cùng tốnggiun nhưng 2 thuốc đối kháng nhau, do đó không dùng phối hợp 2 thuốc này vì chúng sẽ làm triệt tiêu tác dụng của nhau.
* Chỉ định: Điều trị giun đũa, giun kim và giun móc, cũng dùng để điều trị giun tóc nhưng kém hiệu quả hơn 3 giun trên.