Chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ của WHO/UNICEF đã đưa ra bằng chứng khoa học về tính ưu việt của thực hành NCBSM và khuyến nghị trẻ cần được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu của cuộc đời, thay vì 4 tháng như trước đây [55].
Trong nghiên cứu này, khi được hỏi về cho bú hoàn toàn có tới 82,4% bà mẹ cho rằng nên cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhưng việc thực hành của họ lại không tốt như vậy. Chỉ có 25,7% số trẻ được bú hoàn toàn đến 6 tháng (biểu đồ 3.5). Nguyên nhân chính là do các bà mẹ sợ con khát (62,9%), sữa mẹ không đủ (23,6%), mẹ phải đi làm (15,7%) (biểu đồ 3.6).
Một trong những cản trở việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ ở đồng bào các dân tộc thiểu số là gánh nặng lao động của người mẹ sau khi sinh con. Điều này có thể lý giải là do nghề nghiệp của các bà mẹ chủ yếu là làm ruộng hoặc làm rẫy (83,4%) tập tục phải đi làm sớm sau khi sinh, không có thời gian nghỉ để nuôi con nhỏ. Tình trạng này cũng tương tự các nghiên cứu ở khu vực Tây Nguyên hay miền núi phía bắc [5], [25].
Tác giả Dương Văn Đạt và cộng sự trong năm 2005 cho thấy tỷ lệ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn là rất cao tại tuần thứ nhất (83,6%) nhưng cũng giảm nhanh chóng vào tuần 16 với 43,6% trường hợp và đến tuần thứ 24 thì chỉ còn lại 2 bà mẹ [34], [35], [36].
Tác giả Lê Thị Hợp và cộng sự tiến hành nghiên cứu về liệu cho ăn bổ sung sớm có liên quan đến sự kém phát triển của trẻ em Việt Nam không? Kết quả cho thấy mặc dù 87,1% bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất một năm nhưng chỉ có 4,3% trẻ được nuôi sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu. Tác giả cũng nhận thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ không hoàn toàn và trẻ cai sữa sớm sẽ lớn chậm hơn những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Từ 1-3 tháng, trẻ nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn sẽ phát triển tốt cả về cân nặng và chiều cao. Từ 3-6 tháng, trẻ nuôi sữa mẹ hoàn toàn cũng sẽ có sự phát triển về cân nặng nhanh hơn và từ 6-12 tháng có sự phát triển về chiều cao nhanh hơn so với nhóm bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc cai sữa sớm [40].