- Đối với bộ câu hỏi SDQ dành cho giáo viên:
1. Thực trạng SKTT của học sinh trường THPT Việt Đức – Hà Nội.
Với truyền thống và văn hóa của đất nước, trẻ em Việt Nam luôn được quan tâm chăm sóc của cha mẹ và của xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhìn chung trẻ em Việt Nam hiện nay đang được hưởng một cuộc sống với các điều kiện vật chất tốt hơn trước nhưng đồng thời các em cũng đang phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu này góp phần cung cấp một số thông tin chung về tình hình SKTT và một số yếu tố liên quan đến vấn đề SKTT của trẻ vị thành niên ở Hà Nội hiện nay. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng thang đo SDQ – một thang đo SKTT đã được đánh giá tính giá trị và độ tin cậy. Đây là một trong những yếu tố đảm bảo được chất lượng của nghiên cứu và tạo điều kiện cho việc so sánh kết quả với các nghiên cứu khác trong lĩnh vực này.
Như vậy, tỷ lệ học sinh được điều tra có biểu hiện có vấn đề SKTT là 14,7%. Kết quả này khá khác so với kết quả của các nghiên cứu trước đấy. Các nghiên cứu ở Anh năm 2000 chỉ ra tỉ lệ chung trẻ em và vị thành niên từ 4 đến 18 tuổi trong cộng đồng có rối loạn tâm thần (mental disorders) vào khoảng 15% [27], trong khi đó, tỉ lệ trẻ từ 9 đến 17 tuổi ở Mỹ năm 2005 là 20,9% [32], ở Puerto Rico năm 2004 là 19.8 % [21]. Một nghiên cứu tổng quan 52 nghiên cứu khác nhau về tỉ lệ trẻ có vấn đề về SKTT ở 20 nước khác nhau cho thấy tỉ lệ này giao động từ 1 đến 51%, bởi có sự khác nhau về cở mẫu, độ tuổi, tiêu chí chẩn đoán, sử dụng thang đo, phân tích số liệu [28]. Ở Việt Nam, Mc.Kelvay và cs (1999) sử dụng thang đo đánh giá hành vi của Achenbach (CBCL) điều tra 1500 trẻ tuổi từ 4-18 tại cộng đồng 2 phường Đống Đa và Trung tự ở Hà nội năm 1997 cho tỷ lệ trẻ có biểu hiện có vấn đề về SKTT ở các dạng khác nhau là 18,56% đến 24,29%. Tương tự, Nguyễn Văn Thọ và cs (2000) báo cáo tỉ lệ học sinh từ 6-
14 tuổi có vấn đề về SKTT ở các dạng khác nhau là từ 10,38% đến 24,29%[17]. Nghiên cứu gần đây nhất của Ngô Thanh Hồi trên 1203 học sinh từ 10 đến 16 tuổi cho thấy tỉ lệ chung là 19,46 %; có 15,94% em có rối nhiễu về tâm lý trong tổng số học sinh các cấp học. Một nghiên cứu khác của Đặng Hoàng Minh và cộng sự về vấn đề này của học sinh THCS ở Hà Nội cho kết quả 25,76% học sinh có vấn đề tâm lý khó khăn, trong đó có 10,94% là ở mức độ có rối nhiễu, bệnh lý lâm sàng [6]. Nghiên cứu của Vũ Thị Hoàng Lan và cộng sự cũng chỉ ra rằng tỷ lệ học sinh được xác định có rối loạn SKTT chung là 22,9% trong đó có 16,5% học sinh có rồi loạn nặng và 6,4% học sinh có rối loạn nhẹ. Nghiên cứu của Nguyễn Cao Minh về “Tỷ lệ trẻ em và VTN miền Bắc có các vấn đề SKTT năm 2012” cho thấy có 18% trẻ trong nghiên cứu có vấn đề SKTT, trong đó vấn đề trầm cảm chiếm tỷ lệ lớn nhất với 6,6% còn vấn đề về chú ý chiếm tỷ lẹ ít nhất với 2,7%. Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự: Tại trường THPT Xuân Đỉnh Hà Nội (niên khóa 2004-2005) có 17-19% số học sinh mắc stress và rối loạn lo âu; có 22-25% số học sinh trường THPT Chuyên Quảng Bình (niên khóa 2007-2008) có rối loạn lo âu[18]. So với các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ học sinh có vấn đề SKTT ở nghiên cứu của chúng tôi nhỏ hơn. Việc dùng thang đo khác nhau có thể là 1 trong các nguyên nhân đưa ra tỉ lệ khác nhau. Nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh và cộng sự sử dụng thang đo YSR còn nghiên cứu của chúng tôi sử dụng thang đo SDQ là thang đo sàng lọc nhanh ban đầu về hành vi cho trẻ 3-16 tuổi. Thang đo SDQ có 25 item về các biểu hiện thuộc 5 nhóm vấn đề, trong khi đó YSR là 120 item với 8 nhóm triệu chứng. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như việc lấy mẫu ở những khu vực dân cư khác nhau trong các nghiên cứu (không lấy mẫu đại diện), cỡ mẫu khác nhau và
đối tượng điều tra khác nhau cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến kết quả nghiên cứu khác nhau.
Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ học sinh nam tham gia nghiên cứu có vấn đề SKTT cao hơn nữ (nam là 17,5%, nữ là 12,8%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi giống với kết quả nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh và cộng sự. Theo nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh thì các vấn đề liên quan hành vi hướng ngoại chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt giảm chú ý và tăng động , các biểu hiện hành vi công kích, hung bạo và sai phạm. Các biểu hiện này ở con trai lứa tuổi nhỏ, cao hơn hẳn ở con gái (p<0,001) [6]. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hương và cộng sự về “Một số yếu tố nguy cơ và bảo vệ đối với vấn đề trầm cảm và lo âu của học sinh 2 trường Trung học cơ sở, thành phố Hà Nội “ cho thấy tỷ lệ học sinh nữ có vấn đề về trầm cảm cao hơn nam (nữ 14,92%; nam 14,85%), tỷ lệ này cũng tương tự đối với vấn đề lo âu (nữ 21,13% còn nam là 19,21%) [15]. Sự khác nhau về kết quả này có thể do tỷ lệ nam nữ ở các nghiên cứu khác nhau, lứa tuổi nghiên cứu cũng khác nhau cũng như các đặc điểm về địa lý, gia đình, bạn bè và thầy cô ảnh hưởng đến đối tượng nghiên cứu.
Có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ mắc các vấn đề SKTT ở các khối lớp. Cụ thể khối lớp 10 có tỷ lệ mắc cao nhất (47,8%) và cao gấp10,6 lần so với khối lớp 11 có tỷ lệ mắc thấp nhất (4,5%), trong khi đó khối lớp 12 là 9,3%. Chúng tôi cũng chưa giải thích được kết quả này của nghiên cứu nhưng dựa vào đặc điểm của lứa tuổi thì sự khác nhau này có thể là do đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Trẻ em khi mới bước vào lớp 10 làm quen với môi trường học tập mới, bạn bè mới, các mối quan hệ mới nên có thể chúng dễ bị sa vào các tệ nạn xã hội, bị bạn bè xấu lôi kéo. Còn tỷ lệ học sinh lớp 12 mắc các vấn đề SKTT lớn hơn lớp 11 có thể do áp lực học tập của các em lớn hơn, các em sắp phải bước vào kỳ thi đại hoc – một bước ngoặt lớn trong quãng thời gian đi học của mình.
Nghiên cứu cũng cho thấy trong 5 nhóm vấn đề SKTT thì trẻ hay mắc các vấn đề về hành vi và quan hệ bạn bè hơn so với các nhóm khác, vấn đề về biểu hiện cảm xúc và sự hiếu động của trẻ có tỷ lệ thấp nhất (5%) Kết quả này giống với kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Hoàng Lan và cộng sự về “Thực trạng sức khỏe tâm thần và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường Phổ thông Trung học quận Cầu Giấy, Hà Nội”, rối loạn về quan hệ nhóm bạn có tỷ lệ cao nhất (25,4%) và rối loại cảm xúc chiếm tỷ lệ thấp nhất (14,7%) [19]. Một nghiên cứu khác của Đặng Hoàng Minh và cộng sự thì cho thấy: Những khó khăn tâm lý thường biểu hiện dưới những dấu hiệu của tổn thương cảm xúc hoặc hành vi lệch chuẩn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các vấn đề liên quan hành vi hướng ngoại chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt giảm chú ý và tăng động , các biểu hiện hành vi công kích, hung bạo và sai phạm. Các biểu hiện này ở con trai lứa tuổi nhỏ, cao hơn hẳn ở con gái (p<0,001). Các biểu hiện hướng nội là những biểu hiện về cảm xúc như lo âu, trầm cảm, né tránh và dạng cơ thể có tỷ lệ thấp hơn hướng ngoại. Sự khác nhau giữa các nghiên cứu này có thể do cỡ mẫu khác nhau, lứa tuổi cũng như các đặc điểm về địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi nghiên cứu khác nhau. Điều đáng chú ý là hai nhóm rối loạn SKTT thường gặp nhất trong nghiên cứu này là rối loạn về hành vi và quan hệ bạn bè. Các thang điểm dùng để đánh giá quan hệ nhóm bạn và hành vi xã hội nhằm đánh giá thái độ, hành vi tự nguyện của trẻ trong mối quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ và cử xử tốt với bạn bè. Tỷ lệ cao của hai loại rối loạn này có thể được giải thích bởi thực trạng hiện tại gia đình cha mẹ quá tập trung vào việc dạy văn hóa cho trẻ, làm tăng áp lực học hành, cũng như quản lý quá chặt chẽ của gia đình dẫn đến thiếu sự đầu tư vào việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ, mở rộng các quan hệ xã hội cho học sinh.