CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN
4.2.2. Hiệu quả điều trị trên mô bệnh học
4.2.2.1. Hiệu quả tiệt trừ H.pylori
Trên mô bệnh học, theo bảng 3.12, trước điều trị 100% bệnh nhân dương tính với Hp, sau điều trị có 41,9% bệnh nhân chuyển sang Hp(-). Sự khác biệt trước và sau điều trị có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Kết quả này cũng tương tự kết quả của một số nghiên cứu trước đây, hiệu quả tiệt trừ H.pylori của KHVK từ 33,59% đến 48,1% [39], [41], [42]. Tỷ lệ chuyển sang âm tính từ Hp(+) là 75%, từ Hp(++) là 27,3%, từ Hp(+++) là 0%. Như vậy, hiệu quả diệt H.pylori tùy theo mức độ nhiễm. Mức độ nhiễm H.pylori càng nhẹ thì hiệu quả càng cao.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy rằng khi kết hợp KHVK với phác đồ bộ ba để điều trị H.pylori thì hiệu quả ở nhóm kết hợp cao hơn so với nhóm dùng bộ ba đơn thuần. Trong nghiên cứu của Trương Tú Cương và cs (2005), kết hợp KHVK với liệu pháp bộ ba Omeprazole Enteric (omeprazole + amoxicillin + metronidazole) trong điều trị VDDMT có H.pylori, tỷ lệ diệt khuẩn H.pylori cao hơn hẳn so với nhóm chỉ dùng Liệu pháp bộ ba Omeprazole Enteric (91.30% so với 69.76%) [38]. Còn trong nghiên cứu gần đây của Triệu Ngạn Phương và cs (2011), kết hợp KHVK với bộ ba lansoprazole+clarithromycin+tinidazole, hiệu quả diệt trừ
H.pylori là 90%, trong khi hiệu quả của nhóm chỉ sử dụng bộ ba là 73% [54].
Như vậy, thuốc KHVK cũng có tác dụng nhất định trong diệt trừ H.pylori.
Khả năng diệt trừ H.pylori này cũng đã được chứng minh trên thực nghiệm rằng KHVK có tác dụng ức chế mạnh mẽ H.pylori với MIC từ 0,024mg/ml đến 0,048mg/ml [43].
Trong nhiều nghiên cứu trước đây cũng nhận xét H.pylori là nguyên nhân chủ yếu của VDDMT và loét dạ dày tá tràng. Trong VDDMT, tỷ lệ H.pylori dương
viêm teo niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày tá tràng [2], [14], [15], [16]. Chính vì vậy mà khi H.pylori bị tiệt trừ thì những tổn thương mô bệnh học niêm mạc dạ dày được sửa chữa. Trong nghiên cứu của BinLu và cs (2005) cho kết quả là mức độ viêm mạn tính, mức độ hoạt động và mức độ teo giảm có ý nghĩa trong nhóm điều trị tiệt trừ H.pylori [49].
Mặt khác, trong thời gian gần đây, sự sử dụng rộng rãi một số kháng sinh (ví dụ như clarithromycin trong nhiễm khuẩn hô hấp hoặc levofloxacin trong nhiễm khuẩn tiết niệu), đã làm tăng sự xuất hiện của H.pylori kháng kháng sinh. Tỷ lệ kháng của H.pylori đối với mỗi kháng sinh khác nhau tùy khu vực. Theo nhiên cứu của Vincenzo De Francesco [50] tỷ lệ kháng kháng sinh là 17,2% với clarithromycin, 26,7% với metronidazole, 11,2% với amoxycillin, 16,2% với levofloxacin, 5,9% với tetracylin, 1,4% với rifabutin và 9,6% với ≥ 2 kháng sinh. Sự kháng kháng sinh của H.pylori ảnh hưởng tới hiệu quả của các phác đồ điều trị. Nếu như trước đây các phác đồ bộ ba kinh điển sử dụng thuốc PPI và hoặc là nhóm kháng thụ thể H2 phối hợp với 2 kháng sinh điều trị diệt H.pylori đã có những thành công, tỷ lệ tiệt căn với phác đồ ba thuốc là khoảng 90% vào những năm 1990, thì hiện nay tỷ lệ này còn khoảng 70% [2], [51], [52], [53].
Tỷ lệ kháng kháng sinh của H.pylori ngày càng gia tăng làm cho các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu để tìm ra một phác đồ mới có hiệu quả cao hơn các phác đồ hiện nay. Trong thực vật có nhiều loài có tính kháng sinh. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy KHVK có khả năng diệt H.pylori tương tự như khi sử dụng một kháng sinh đơn thuần. Vì vậy, để tiệt trừ H.pylori thì nên kết hợp KHVK với kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị và giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.
Hơn nữa, ở một số bệnh nhân khi mà H.pylori đã trở nên âm tính nhưng bệnh nhân vẫn còn triệu chứng lâm sàng của viêm dạ dày. Điều này chứng tỏ, bệnh còn do nhiều nguyên nhân phức tạp khác gây ra. Trong lúc này thì sử dụng KHVK rất có hiệu quả.
4.2.2.2. Hiệu quả đối với mức độ viêm
Trên mô bệnh học, theo bảng 3.13, thuốc KHVK có khả năng cải thiện tình trạng viêm trên mô bệnh học, trước điều trị viêm nhẹ là 18,6% sau điều trị tăng lên 48,8%; trước điều trị viêm mức độ vừa và viêm mức độ nặng lần lượt là 60,5% và 20,9%, sau điều trị giảm xuống còn lần lượt là 39,5% và 7,0%. Chỉ có 2 bệnh nhân chiếm 4,7% trở về trạng thái bình thường (không viêm). Như vậy, KHVK có tác dụng cải thiện tình trạng viêm mạn tính trên mô bệnh học nhưng kết quả không cao. Kết quả như vậy có thể do VDDMT là một bệnh mạn tính, diễn ra trong một thời gian dài, nên sự chuyển biến giữa các mức độ viêm chậm; hơn nữa thời gian điều trị trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ kéo dài 30 ngày, do đó chưa đủ để cải thiện hoàn toàn tình trạng viêm mạn tính trên mô bệnh học.
So với một số nghiên cứu về hiệu quả của thuốc YHCT đối với VDDMT thì kết quả cũng tương tự đối với mức độ viêm trên mô bệnh học: hiệu quả điều trị viêm trên mô bệnh học không cao. Trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Toàn đối với thuốc BNC để điều trị VDDMT có H.pylori, tỷ lệ niêm mạc trở về bình thường là 16,5% bệnh nhân [15]. Trong nghiên cứu của Lại Thanh Hiền đối với thuốc Weitai999, tỷ lệ này là 16,7% [47]. Trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Toại đối với nhóm Sucrategel+Betelvine, tỷ lệ này là 14,3%.
Do vậy, để hết hẳn tình trạng viêm mạn là một vấn đề khó và cần có thời gian dài hơn để điều trị.
4.2.2.3. Hiệu quả đối với mức độ viêm hoạt động
Theo bảng 3.14, KHVK có khả năng cải thiện khá tốt tình trạng viêm hoạt động trên mô bệnh học. Trước điều trị tỷ lệ không hoạt động là 46,5%, sau điều trị tăng lên 74,4%. Trước điều trị tỷ lệ hoạt động vừa và mạnh lần lượt là 20,9% và 14%, sau điều trị tỷ lệ này giảm lần lượt còn 9,3% và 2,3%. Tỷ lệ chuyển từ viêm hoạt động sang không hoạt động là 27,9%. Sự khác biệt trước và sau điều trị có ý nghĩa thống kê với p<0,05.
Viêm hoạt động là một tiêu chí chủ yếu để đánh giá hiệu quả điều trị đối với VDDMT. VDDMT hoạt động là cơ sở cho sự tiến triển cũng như tái phát về sau. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng loét dạ dày tá tràng. Do đó, trong điều trị VDDMT, việc làm giảm mức độ hoạt động của viêm, đặc biệt là chuyển từ viêm hoạt động sang viêm không hoạt động là rất có ý nghĩa.
Theo nhiều nghiên cứu thì viêm hoạt động trên mô bệnh học liên quan chặt chẽ với tình trạng nhiễm H.pylori. Sau khi diệt trừ H.pylori thì sẽ làm cải thiện tình trạng viêm hoạt động trên mô bệnh học. KHVK có tác dụng diệt trừ
H.pylori ở mức độ nhất định nên đã làm cải thiện được tình trạng viêm hoạt động
trên mô bệnh học.
4.2.2.4. Hiệu quả đối với viêm teo
Đối với tình trạng viêm teo, theo bảng 3.15, sau 30 ngày điều trị, KHVK có cải thiện được tình trạng viêm teo trên mô bệnh học. Trước điều trị, tỷ lệ viêm không teo (viêm nông) là 37,2%, sau điều trị tỷ lệ này tăng lên 60,5%. Tỷ lệ teo vừa và nặng trước điều trị lần lượt là 27,9% và 2,3%, sau điều trị giảm lần lượt còn 6,9% và 0%. Tỷ lệ chuyển từ viêm teo sang viêm nông là 23,3%. Tỷ lệ về mức độ viêm teo thay đổi trước và sau điều trị không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.
VDDMT lâu ngày dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột. Đây được coi là yếu tố tiền ung thư. Những bệnh nhân có viêm teo niêm mạc cần được theo dõi định kỳ và lâu dài bằng nội soi và sinh thiết niêm mạc dạ dày [2]. Viêm teo niêm mạc dạ dày cũng liên quan chặt chẽ với tình trạng nhiễm H.pylori. Diệt trừ H.pylori sẽ làm cải thiện tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày.
Thuốc KHVK có tác dụng diệt trừ H.pylori nên cải thiện được tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày, có thể đảo ngược quá trình viêm teo. Do đó, có thể giảm tỷ lệ ung thư dạ dày do VDDMT.
Mặt khác, trong nghiên cứu của Chu Quốc Cầm và cs (2007) đã chỉ ra rằng KHVK có tác dụng làm tăng nồng độ của PGE2 và EGF tại niêm mạc dạ dày. Nhờ đó, thuốc gây ức chế tiết acid dạ dày, tăng lưu lượng máu niêm mạc dạ
dày, kích thích bài tiết bicarbonate và chất nhầy nên góp phần bảo vệ và khôi phục biểu mô dạ dày [44].