Tỷ lệ nhiễm sán lá gan Fasciola sp ở trâu bò tại các xã Bình Lãnh, Bình Định, Bình Trị, Bình Phú của huyện Thăng Bình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bệnh sán lá gan trâu bò trên địa bàn huyện thăng bình, tỉnh quảng nam và hiệu quả thử nghiệm một số thuốc tẩy trừ (Trang 27 - 29)

Bình Định, Bình Trị, Bình Phú của huyện Thăng Bình

Sau khi tiến hành thu thập 300 mẫu phân trâu, bò tại 4 xã Bình Lãnh, Bình Định, Bình Trị, Bình Phú của huyện Thăng Bình. Bằng phương pháp lắng cặn để kiểm tra chúng tôi thu được kết quả ở bảng 4.1

Bảng 4.1. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan trâu, bò ở một số xã thuộc huyện Thăng Bình Địa điểm (xã) Số mẫu xét nghiệm (n) Số mẫu dương tính (+) Tỷ lệ nhiễm (%) Bình Lãnh 89 18 20,22 Bình Định 58 6 10,34 Bình Trị 72 10 13,39 Bình Phú 81 14 17,29 Tổng 300 48 16,00

Qua bảng 4.1 cho thấy tỷ lệ trâu bò nhiễm sán lá gan phân bố ở cả 4 xã tiến hành nghiên cứu là 16% (48 mẫu dương tính trên 300 mẫu xét nghiệm). Tỷ lệ nhiễm không đều nhau giữa các xã nghiên cứu, cao nhất ở xã Bình Lãnh 20,22% (18 mẫu dương tính trên 89 mẫu kiểm tra), tỷ lệ nhiễm thấp nhất ở xã Bình Định 10,34% (6 mẫu dương tính trên 58 mẫu kiểm tra), trâu bò nuôi ở xã Bình Phú nhiễm 17,29% (14 mẫu dương tính trên 81 mẫu kiểm tra), trâu bò xã Bình Trị 13,39% (10 mẫu dương tính trên 72 mẫu kiễm tra). Qua điều tra cơ bản trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy hầu hết trâu bò ở 4 xã đều nuôi theo hình thức chăn dắt, tận dụng phế phụ phẩm từ sản xuất nông

nghiệp nhưng tỷ lệ trâu bò nhiễm sán lá gan ở các xã có khác nhau do một số nguyên nhân

Ở xã Bình Lãnh, tỷ lệ trâu bò nhiễm sán lá gan lớn cao nhất 20,22% (18 mẫu dương tính trên 89 mẫu kiểm tra) có thể do trên địa bàn xã có hồ chứa nước Cao Ngạn, hệ thống kênh mương, sông, suối cung cấp nước cho toàn xã, diện tích đất sản xuất hoa màu rộng lớn, bằng phẳng. Ở xã Bình Phú tỷ lệ nhiễm sán lá gan ở trâu bò cao thứ hai 17,29% (14 mẫu dương tính trên 81 mẫu kiểm tra). Trên địa bàn xã này có hệ thống kênh dẫn nước từ hồ chứa nước Phú Ninh về để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi trên cùng với sự tồn tại và phân bố rộng của ốc vật chủ trung gian làm cho mầm bệnh sán lá gan có điều kiện tồn tại, phát triển. Hầu hết diện tích đất nông nghiệp ở hai xã được sử dụng để sản xuất lúa nước và một phần sản xuất rau. Đến mùa trồng lúa, trâu bò được chăn dắt dọc các bờ sông, bờ suối, ven kênh, mương. Sau thu hoạch trâu, bò được thả tự do vào những thửa ruộng nước, do vậy mầm bệnh có điều kiện phát tán ra môi trường, xâm nhập vào vật chủ.

Bên cạnh với trồng lúa nước thì Bình Lãnh có diện tích đất sử dụng để trồng rau (rau muống, rau diếp cá, rau đắng…) đây là những loại rau có sử dụng một lượng lớn phân chuồng. Rau muống, rau khoai lang ngoài việc sử dụng cho lợn ăn, bán ra chợ, thì còn được sử dụng cho trâu, bò ăn. Người dân thường thái rau sống trộn với cám để bổ sung thêm vào khẩu phần cho gia súc của mình.

Hai xã Bình Trị, Bình Định có tỷ lệ nhiễm sán lá gan thấp hơn (13,39% và 10,34%) do hệ thống tưới tiêu ở đây chưa được xây dựng hoàn chỉnh, chỉ một phần diện tích của xã Bình Trị có nước tưới từ hồ chứa nước Cao Ngạn. Ở xã Bình Định, có xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước nhưng chưa được sử dụng để dẫn nước về cung cấp cho sản xuất. Vì thế đất ở đây chủ yếu chỉ sản xuất được một vụ lúa/năm, thời gian còn lại đất không được sử dụng sau đó được cày lên phơi khô, một số ít thì sử dụng để trồng rau cạn. Thiếu nước làm cho vật chủ trung gian và mầm bệnh ít có điều kiện thuận lợi tồn tại, hoàn thành vòng đời và phát triển.

Ngoài ra, hai xã Bình Trị và Bình Định có những vùng đồi thấp, vào mùa mưa trâu bò được chăn thả vào đồi để ăn cỏ, dây rừng do đó ít tiếp xúc với môi trường ẩm thấp. Với việc sản xuất 1vụ/năm, phân trâu bò được ủ kỹ trước khi đưa ra đồng làm hạn chế mầm bệnh phát tán ra môi trường.

Kết quả trên cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm chung sán lá gan lớn ở trâu, bò của 4 xã thuộc huyện Thăng Bình là 16%. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan trên địa bàn 4 xã của huyện Thăng Bình là không cao, xã cao nhất cũng chỉ 20,22% có được điều này là do hầu hết trâu bò ở đây được nuôi nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 3 con, nhà nhiều nhất cũng chỉ 6 con. Phần lớn diện tích đất được sử dụng để sản xuất hoa màu nên nguồn thức ăn cho trâu bò được tăng lên, trâu bò được chăm sóc tốt hơn. Bên cạnh đó, những năm gần đây dịch vụ thú y cũng phát triển, sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh cũng được nâng cao. Do dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên đàn gia cầm và lợn đã gây cho họ rất nhiều tổn thất, trong khi đó con trâu, con bò là tài sản lớn của người nông dân. Trong chăn nuôi một số người luôn học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới, những hiểu biết và kinh nghiệm của cán bộ thú y, vì thế hầu hết trâu bò được tiêm phòng, tẩy giun sán, chăm sóc nuôi dưỡng tốt để tăng khả năng đề kháng với bệnh tật. Người dân đã biết dự trữ rơm khô trong nhà làm thức ăn cho trâu bò lúc khan hiếm, nhiều hộ nông dân còn nấu cháo gạo cho trâu bò để cung cấp thêm chất dinh dưỡng. Từ những yếu tố trên đã góp phần hạn chế được bệnh sán lá gan ở trâu, bò trên địa bàn huyện Thăng Bình.

Qua thời gian nghiên cứu chúng tôi nhận thấy ở những vùng có hệ thống kênh, mương ít phát triển, mật độ ốc vật chủ trung gian thấp, phân trâu bò được ủ kỹ trước khi đem bón ruộng… thì có tỷ lệ nhiễm sán lá gan thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm giữa các xã là khác nhau có thể do mẫu được lấy ngẫu nhiên và số lượng mẫu không đồng đều giữa các xã.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bệnh sán lá gan trâu bò trên địa bàn huyện thăng bình, tỉnh quảng nam và hiệu quả thử nghiệm một số thuốc tẩy trừ (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w