V b: Thể tích thùng trộn hỗn hợp bêtông b=750 lít m: Số mẻ trộn trong 1 giờ.
4. Phân xưởng tạo hình
Quản đốc và các nhân viên kỹ thuật kiểm tra kỹ thuật từ khi bắt đầu lắp khuôn đến khi hoàn thành sản phẩm. Ghi ký hiệu sản phẩm, đóng dấu nghiệm thu phân loại sản phẩm. Chịu trách nhiệm trước giám đốc về chất lượng sản phẩm của phân xưởng mình sản xuất.
5. Phòng KCS
Là phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu, sản phẩm. Nhiệm vụ của phòng KCS :
- Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu ra vào nhà máy.
- Thử tính chất cơ lý như : khối lượng thể tích, khối lượng riêng, độ ẩm, độ dẻo cấp phối cốt liệu…
- Thí nghiệm cấp phối bê tông
- Đúc mẫu kiểm tra cường độ bê tông tại nơi sản xuất và tại công trình.
- Hàng ngày kiểm tra sản phẩm cùng các quản đốc phân xưởng và phó giám đốc.
- Cấp chứng chỉ chất lượng cho khách hàng.
- Theo dõi mẫu thử, ký hiệu số lượng sản phẩm tại công trường và bảo dưỡng. II.5.2 Kiểm tra và nghiệm thu chất lượng sản phẩm
A- Kiểm tra chất lượng trong quá trình chế tạo sản phẩm
Công tác kiểm tra thường xuyên trong quá trình chế tạo các cấu kiện bê tông cốt thép gồm có:
1. Kiểm tra phẩm chất khi chế tạo hỗn hợp bê tông chính là:
Kiểm tra phẩm chất của vật liệu để chế tạo bê tông, kiểm tra độ ẩm của cốt liệu để bớt lượng nước khi cân nước cho mẻ trộn. Kiểm tra độ chính xác của cân đong vật liệu thành phần, cũng như kiểm tra độ lưu động, độ cứng, độ phân tầng của hỗn hợp bê tông.
2. Kiểm tra mác của cốt thép
Kiểm tra đường kính các thanh cốt thép, cường độ của mối hàn, kích thước của các linh kiện và khung cốt thép đã chế tạo xong, sự phù hợp về kích thước của chúng.
Kiểm tra sự đúng đắn của việc chế tạo và lắp đặt các chi tiết chờ trên khung cốt thép, kiểm tra lớp chống rỉ…
3. Kiểm tra chất lượng dầu lau khuôn, vị trí của các khung cốt thép và các linh kiện cốt thép riêng biệt trong khuôn.
Kiểm tra chất lượng đổ khuôn và lèn chặt bê tông trong khuôn, chất lượng hoàn thiện bề mặt hở của cấu kiện.
4. Kiểm tra chế độ gia công nhiệt (Nhiệt độ và thời gian)
Cường độ của bê tông sau khi gia công nhiệt, chất lượng các bề mặt của cấu kiện sau khi tháo khuôn cũng như chất lượng gia công và hoàn thiện bề mặt các cấu kiện.
Công tác kiểm tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở các biểu đồ công nghệ đã lập sẵn cho từng loại sản phẩm.
Yêu cầu kỹ thuật đối với vật liệu ban đầu để chế tạo bê tông cốt thép được tiêu chuẩn hoá trong các qui phạm Nhà nước hay các tiêu chuẩn kỹ thuật. Còn các chỉ tiêu thực tế về tính chất của vật liệu được ghi trong các chứng minh kỹ thuật kèm theo khi vật liệu được đưa về nhà máy. Nhưng phẩm chất của chúng vẫn phải được kiểm tra lại. Việc thí nghiệm phải tiến hành theo các phương pháp
tiêu chuẩn hiện hành. Nhưng cũng có thể tiến hành theo các phương pháp thí nghiệm nhanh đã sử dụng nhiều trong thực tế.
B. Kiểm tra cường độ của sản phẩm, cấu kiện bê tông
Việc xác định cường độ chịu nén và trong một số trường hợp riêng cường độ chịu kéo khi uốn hay kéo đúng tâm chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ công tác kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Phải xác định cường độ xuất xưởng hay cường mác để lập chứng minh kỹ thuật và xuất sản phẩm.
Chất lượng sản phẩm được đánh giá và kiểm tra bằng phương pháp cơ học. Trong phương pháp này tải trọng thí nghiệm được đặt lên các mẫu bê tông tăng hơn tải trọng phá hoại, nghĩa là xác định cường độ giới hạn chịu nén (kéo). Trong nhiều trường hợp để kiểm tra cường độ chịu nén của sản phẩm thì dùng phương pháp không phá hoại như phương pháp đo độ cứng.
1. Phương pháp phá hoại:
Chia các sản phẩm được sản xuất thành các lô. Mỗi lô 100 sản phẩm. Trong mỗi lô lấu một mẫu sản phẩm đại diện để kiểm tra.
+ Kiểm tra chất lượng ống.
Đưa ống lên thiết bị kiểm tra và đặt tải trọng lên dọc theo chiều dài ống. Tăng tải trọng q cho đến khi xuất hiện vết nứt có chiều rộng b=0,3(mm). Kiểm tra tải trọng q với tải trọng thiết kế. Nếu q có giá trị lớn hơn hoặc bằng giá trị của tải trọng thiết kế thì đạt yêu cầu.
Tăng tiếp tải trọng q đến khi sản phẩm bị phá hoại. Kiểm tra tải trọng phá hoại của ống dẫn nước.
+ Với hỗn hợp bê tông:
Xác định cường độ chịu nén bằng cách nén các mẫu hình lập phương và mẫu hình trụ với các kích thước quy định. Việc chế tạo mẫu để thí nghiệm kiểm tra cường độ thực của bê tông được tiến hành bằng chính các phương tiện và thao tác được dùng để chế tạo các sản phẩm. Để kiểm tra cấp phối đã lựa chọn của hỗn hợp bê tông theo cường độ và sự phù hợp với mác đã định của nó, các mẫu kiểm tra thường được chế tạo theo quy phạm Nhà nước.
Trong các phân xưởng sản xuất, ở mỗi một ca trên mỗi tuyến công nghệ sản xuất ta lấy ít nhất hai lượng thử của hỗn hợp bê tông trong cùng một cấp phối. Thể tích của lượng thử này được tính toán đủ để chế tạo một xêri mẫu kiểm tra để xác định cường độ xuất xưởng của bê tông trong cấu kiện. Ngoài ra mỗi ngày một lần từ lượng thử đã lấy của hỗn hợp bê tông của mỗi cấp phối người ta chế tạo một xêri mẫu kiểm tra khác để kiểm ra sự phù hợp cường độ thực tế của bê tông với mác thiết kế của nó ở tuổi 28 ngày cứng rắn trong điều kiện tiêu chuẩn. Trong nhà máy còn lấy các lượng thử phụ để chế tạo các mẫu kiểm tra với mục đích xác định cường độ công nghệ của bê tông trong các thời hạn trung gian.
2. Phương pháp không phá hoại:
Sử dụng phương pháp bắn bê tông để xác định độ cứng của bê tông. Từ đó gián tiếp xác định được cường độ của bê tông. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ dàng, sản phẩm không bị phá hoại. Nhưng có nhược điểm là không đánh giá hết và đúng đắn sự làm việc thực tế của sản phẩm.
Ngoài ra còn có thể kiểm tra cường độ sản phẩm bằn xung lực siêu âm, dùng máy đo âm điện tử đo được tốc độ lan truyền của sóng siêu âm từ đó xác định được cường độ bê tông, có thể phát âm từ đó xác định được cường độ bê tông, có thể phát hiện được các khuyết tật và sự không đồng nhất trong cấu trúc bê tông, sự xuất hiện các vết nứt. Hoặc dùng máy thử áp lực thuỷ lực để kiểm tra một số sản phẩm đại diện cho một lô sản phẩm…
C. Kiểm tra chất lượng sản phẩm đã chế tạo xong.
Trước khi xuất xưởng các sản phẩm bê tông ra khỏi nhà máy. Ta tiến hành kiểm tra theo các bước sau:
- Kiểm tra hình dáng và kích thước của cấu kiện. - Chất lượng bề mặt và mức độ hoàn thiện. - Chất lượng cốt thép, chi tiết chờ, móc cẩu lắp. - Chất lượng bê tông theo cường độ chịu nén.
Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm do nhân viên kỹ thuật thuộc bộ phận kiểm tra kỹ thuật tiến hành trong quá trình nghiệm thu các sản phẩm.
Các cấu kiện thường được chia thành lô khi nghiệm thu. Số lượng cấu kiện mỗi lô được qui định trong các quy phạm Nhà nước tương ứng. Lô gồm các cấu kiện cùng một cỡ loại được chế tạo trong một thời gian không quá 10 ngày trước khi nghiệm thu theo cùng một công nghệ và cùng một loại vật liệu. Số lượng cấu kiện trong một lô không được vượt quá: khi thể tích một cấu kiện từ 0,2 ÷0,3m3 là 700 cái. Khi thể tích cấu kiện từ 0,3÷1 m3 là 300 cái. Khi thể tích cấu kiện từ 1÷2m3 là 150 cái .
1. Kiểm tra bằng cách xem xét bên ngoài và đo:
Cấu kiện phải có hình dáng hình học đúng với độ chính xác của kích thước trong các giới hạn cho phép qui định.
Độ chính xác về kích thước và hình dạng hình học của cấu kiện (phẩm chất bề mặt của góc vuông, độ thẳng của các mép, cạnh…) được kiểm tra bằng các dụng cụ đo với độ chính xác đến 1mm. Nếu chỉ một trong số các cấu kiện đã chọn trước để kiểm tra không thoả mãn những yêu cầu về hình dạng, kích thước nói trên thì phải tăng số lượng cấu kiện cần kiểm tra lên gấp đôi hay cả lô, trị số các dung sai cho phép so với các kích thước kế của cấu kiện được quy định trong quy phạm và tiêu chuẩn hiện hành.
2. Kiểm tra chất lượng của cốt thép
Tiến hành kiểm tra vị trí của cốt thép ngay trên cấu kiện đã được chọn để kiểm tra hình dáng và kích thước. Số lượng cấu kiện dùng để kiểm tra có thể được quy định trong các quy phạm Nhà nước hay điều kiện kỹ thuật đối với loại cấu kiện ấy. Hoặc có thể lấy không dưới 1% khi số lượng cấu kiện trong 1 lô là 500 cái hoặc nhiều hơn nữa và trên 5 cái khi khối lượng cấu kiện trong một lô dưới 500 cái. Để kiểm tra vị trí đặt cốt thép trongcấu kiện có thể dùng ngay các cấu kiện đã bị phá hoại khi thí nghiệm kiểm tra khả năng chịu tải trọng và độ cứng của chúng.
Kiểm tra vị trí cốt thép trong cấu kiện bằng cách đục lớp bê tông bảo vệ hai đầu và giữa của cấu kiện để lộ cốt thép ra và kiểm tra theo bản vẽ thi công. Dùng các dụng cụ nam châm, điện từ để kiểm tra chiều dày lớp vữa bảo vệ cũng như hướng phân bố và đường kính thanh cốt thép.
3. Đánh giá cường độ và độ đồng đều của bê tông trong các cấu kiện:
Kiểm tra đánh giá cường độ và độ đồng nhất của bê tông được tiêu chuẩn hoá bởi 2 chỉ tiêu: cường độ trung bình thực tế đối với các khối lượng kiểm tra và cường độ cho phép tối thiểu của bê tông trong các xêri mẫu kiểm tra riêng biệt trong cùng một khối lượng ấy. Nếu thoả mãn các tiêu chuẩn qui định thì cường độ bê tông coi là thoả mãn.
Trong nhà máy bằng cách sử dụng các chỉ tiêu đã được tiêu chuẩn hoá để đánh giá cường độ và độ đồng nhất của bê tông.
4. Kiểm tra khả năng chịu lực của sản phẩm.
Thí nghiệm trực tiếp cấu kiện với tải trọng giống như tải trọng sử dụng để đánh giá khả năng chịu lực của sản phẩm theo cường độ về độ cứng và khả năng chống nứt, khi các chỉ tiêu phẩm chất của sản phẩm đã kiểm tra ở trên không đạt yêu cầu. Trình tự số lượng cấu kiện được lựa chọn để tiến hành thí nghiệm, trị số của tải trọng, sơ đồ thí nghiệm, phương pháp xử lý kết quả thí nghiệm được tiến hành theo quy phạm Nhà nước. Sau khi kiểm tra phải lập biên bản và ghi lại kết quả thí nghiệm. Trong biên bản ghi rõ các kết luận về đánh giá cường độ, độ cứng, độ chống nứt của cấu kiện và của cả lô kiểm tra. D. Đề mác và lập chứng minh kỹ thuật của sản phẩm.
Các sản phẩm khi đã kiểm tra thoả mãn yêu cầu của quy phạm tương ứng hay điều kiện kỹ thuật được đề mác bằng sơn không rửa được. Trong mác ghi rõ số chứng minh kỹ thuật của sản phẩm, ký hiệu và tem của nhà máy chế tạo. Số của nhân viên kỹ thuật thuộc bộ phận kiểm tra.
Tem của nhà máy là dấu kiểm tra quy ước (con dấu của bộ phận kỹ thuật). Chỉ đóng dấu lên sản phẩm khi có số chứng minh kỹ thuật bên cạnh ký hiệu của sản phẩm. Điều này có nghĩa là sản phẩm đã được bộ phận kiểm tra kỹ thuật
nghiệm thu và có thể xuất kho cho người tiêu dùng. Chứng minh kỹ thuật được làm thành 2 bản, một giao cho khách hàng, còn một giữ lại nhà máy.
II.6. An toàn lao động
Đối với nhà nước ta công tác an toàn lao động được đặc biệt chú trọng, con người là vốn quý, con người tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp an toàn lao động sẽ dẫn đến những hậu quả không lường, không những thiệt hại về mặt kinh tế mà còn gây thiệt hại đến tính mạng của con người. An toàn lao động trước hết là người lao động phải được bảo vệ an toàn trong quá trình sản xuất, là được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn lao động. Trong từng ngành khác nhau thì việc trang bị các thiết bị bảo hộ là khác nhau, sao cho phù hợp với từng công việc trong từng ngành. Trước khi nhận cán bộ công nhân viên vào nhà máy thì phải trang bị cho họ một số kiến thức nhất định với công tác an toàn lao động.
Trong sản xuất để đạt được năng suất, chất lượng cao công tác đầu tiên là phải chất hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy chế của xí nghiệp, mặt khác còn đòi hỏi mỗi người phải có một trình độ tay nghề vững vàng, sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc trong dây chuyền công nghệ mà mình đảm nhiệm. Song song với các yếu tố trên thì vấn đề sức khoẻ cũng là rất quan trọng, bất kỳ một công việc gì dù nhỏ hay lớn thì yếu tố sức khoẻ quyết định sự thành công rất lớn. Có sức khoẻ trong lao động ngoài việc đạt được năng suất chất lượng còn đảm bảo máy móc thiết bị hoạt động đều tránh được tai nạn rủi ro trong sản xuất. Trong nhà máy để đảm bảo tuyệt đối an toàn, ngoài việc trang bị kiến thức cũng như trang thiết bị cho từng người còn phải có cán bộ làm công tác an toàn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tham quan hiện trường để theo rõi kịp thời phát hiện những công việc, hiện tượng nguy hiểm có thể gây ra tai nạn lao động. Trong nhà máy hàng năm có lập quỹ bảo hiểm xã hội để cung cấp đầy đủ các phương tiện cũng như trang thiết bị bảo hộ cho công nhân, sao cho phù hợp với từng vị trí sản suất. Khi có công nhân mới vào xí nghiệp hoặc học sinh, sinh viên được
cử đến thực tập hoặc công tác nhà máy trước khi vào nhà máy nhận nhiệm vụ phải được học các nội quy, quy chế của nhà máy, cũng như an toàn lao động. Sau khoá học phải kiểm tra kiến thức của học viên tiếp thu được trên giấy, nếu đạt được yêu cầu thì phân công công tác, không đạt được thì dứt khoát phải học lại.
Đây là nhà máy bê tông và bê tông đúc sẵn nên mặc dù có gắng hạn chế đến mức tối đa cũng không tránh khỏi một lượng bụi cũng như tiếng ồn, nên để đảm bảo sức khoẻ cho công nhân lao động, giảm sự căng thẳng, mệt mỏi trong sản xuất do bụi, do tiếng ồn ngoài biện pháp cơ bản là cải tiến thiết bị máy móc còn phải tạo vành đai cây xanh xung quanh nhà máy để cải thiện điều kiện môi trường.
Chính vì vậy ban lãnh đạo của nhà máy là giám đốc, các phó giám đốc và quản đốc… phải đôn đốc công nhân viên chức, cán bộ quản lý của nhà máy thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động như sau:
Chỉ cho phép công nhân làm việc khi những công nhân này đã qua học tập về sử dụng thiết bị và học tập quy phạm sử dụng và kiểm tra đạt yêu cầu về an toàn lao động. Tại chỗ làm việc cần phải có các bản nội quy vận hành và bảo quản máy móc thiết bị.
Chỗ làm việc phải rộng rãi không có vật chướng ngại, thuận tiện trong công tác, đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng hoả và phải được chiếu sáng tốt. Các đường dây điện phải an toàn nối đất. Hệ thống điện cần phải có sở bộ mạng điện, có cầu giao chung và cầu giao phân đoạn. điện động lực và điện chiếu sáng phải làm hai hệ thống riêng. Chỉ được sửa chữa và lắp các bộ phận