Sự cần thiết mở rộng tín dụng đối với DNN&V:

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp mở rộng hoạt động tín dụng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng Quân đội trong giai đoạn 2005 - 2007 (Trang 26 - 27)

Theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy hiện nay các DNN&V đang chiếm tỉ trọng tới 95% số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước, chiếm 25% tổng đầu tư xã hội và thu hút khoảng 77% lực lượng lao động phi nông nghiệp. Ngoài ra các DNN&V còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách quốc gia và chi phối hầu hết các hoạt động phân phối (bán lẻ) của cả nước. Trong bối cảnh mới, với việc trở thành thành viên của WTO, Việt Nam được hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường (MNF) và đối xử quốc gia (NT) giữa các nước thành viên WTO. Quy chế này tạo điều kiện thuận lợi cho các DNN&V ngày càng đa dạng được sản phẩm, thị trường và sản phẩm xuất khẩu.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, DNN&V ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, DNN&V có quy mô nhỏ, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh luôn gặp phải không ít những khó khăn do thiếu vốn, do đó nhu cầu về vốn của DNN&V là rất lớn. Nhưng việc tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động tín dụng là một trong những hoạt động kinh doanh cơ bản, có khả năng sinh lời lớn nhất cho ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng xác định thay đổi lại cơ cấu doanh thu, tăng tỷ lệ thu từ dịch vụ, tuy nhiên hoạt động tín dụng vẫn tiếp tục được mở rộng trên cơ sở kiểm soát rủi ro tín dụng.

Các ngân hàng thương mại với những ưu thế và khả năng tài chính, tính chuyên môn hoá nghề nghiệp, phạm vi hoạt động rộng… là trung gian tài chính quan trọng trên thị trường tài chính. Trong khi các DNN&V đang ngày càng phát triển, đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Trong quá trình hoạt động, để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, các DNN&V có nhu cầu lớn về vốn. Thực tế nguồn vốn chủ sở hữu của DNN&V không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu này nên phần lớn các DNN&V cần phải dựa vào nguồn vốn nợ để hoạt động trong đó có vốn tín dụng ngân hàng. Số lượng DNN&V ngày càng nhiều và hoạt động ngày càng có hiệu quả, chính vì vậy các DNN&V có nhiều tiềm năng để các ngân hàng thương mại khai thác.

Ngoài nguồn vốn đi vay từ ngân hàng các DNN&V còn sử dụng nhiều dịch vụ khác của các ngân hàng thương mại như: trả lương qua tài khoản, thanh toán hộ… Thông qua các dịch vụ này các ngân hàng cũng có khả năng tăng được doanh thu và lợi nhuận đồng thời còn có thể quảng bá rộng rãi hình ảnh của ngân hàng với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng.

Tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, có tác động tích cực đến sự phát triển của toàn nền kinh tế nói chung và của ngân hàng nói riêng. Doanh nghiệp nhận sự tài trợ của ngân hàng sẽ chịu sự kiểm soát của ngân hàng do đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng tổ chức sản xuất. Nhờ đó các doanh nghiệp có thêm điều kiện mở rộng thị trường, tiếp thu kinh nghiệm và công nghệ, máy móc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra tín dụng ngân hàng còn tác động điều tiết sự chuyển vốn đầu tư vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, hạn chế đầu tư vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp từ đó làm thay đổi quan hệ cung cầu hàng hoá và cơ cấu nền kinh tế. DNN&V với sự năng động, nhạy bén có khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, DNN&V sẽ nhanh chóng chuyển đổi đầu tư đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp mở rộng hoạt động tín dụng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng Quân đội trong giai đoạn 2005 - 2007 (Trang 26 - 27)