Sự giải thiêng văn học qua hình tượng nhà văn

Một phần của tài liệu Tính bất khả tín và hàm hồ trong văn xuôi đương đại (Trang 55 - 64)

6. Bố cục khóa luận

2.5 Sự giải thiêng văn học qua hình tượng nhà văn

Thế giới nghệ thuật trong nhiều tác phẩm văn xuôi gần đây đã cho thấy thái độ quyết liệt của nhà văn trong việc chống ảo tưởng về chân lí cuối cùng, giá trị tuyệt đối, chống ảo tưởng rằng sẽ có một sự thật nào đó nằm sau kí hiệu hay một “hiện thực như thực”. Một trong những biểu hiện của tính chất bất khả tín hàm hồ trong thế giới nghệ thuật là sự sáng tạo ra hình tượng nhà văn nhằm giải thiêng văn học, giải thiêng việc bản thân viết văn. Trong Thời của tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp từng công nhiên tuyên bố: “Tiểu thuyết không phải là tấm gương soi của thời đại gì hết: nó kể chuyện và nhầm lẫn lung tung” [21, tr. 236]. Điều đó khác hẳn với tuyên bố của Vũ Trọng Phụng: “Tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”.

Hình tượng nhà văn trong tác phẩm văn học đã xuất hiện trong các giai đoạn trước, tiêu biểu là trong các truyện ngắn của Nam Cao. Thông qua hình tượng nhân vật nhà văn (hình bóng của tác giả), tác giả thể hiện những quan niệm của mình về

nghề văn. Trong Đời thừa, Nam Cao đã xây dựng hình tượng văn sĩ Hộ, người có tài năng, có lí tưởng và có những quan niệm đúng đắn về nghề văn. Đối với anh, hay chính là Nam Cao văn chương cần sự tỉ mỉ, chu toàn: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi. Nhưng cẩu thả trong văn chương thật là đê tiện” [6, tr. 267]. Hộ quan niệm người sáng tác văn chương phải là những người phải biết sáng tạo, tự tìm lối đi riêng cho mình: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” [6, tr. 268]. Tác phẩm văn chương là sự sáng tạo của nhà văn, là đứa con tinh thần, tâm huyết của nhà văn sau những chiêm nghiệm, suy ngẫm về đời sống và con người. Đối với tác giả Nam Cao và các nhà văn lúc bấy giờ, tác phẩm có giá trị là tác phẩm phải ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn. Muốn sáng tác được văn chương, nhà văn phải bám sát hiện thực, cùng chung sống, gắn bó với nó như những gì mà văn sĩ Độ trong Đôi mắt đã phát biểu, hay “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ chỉ có thể phải là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những lầm than” [6, tr. 233] như Điền trong

Giăng sáng đã nói. Qua đây, có thể thấy văn chương trong giai đoạn trước được

quan niệm với những thiên chức cao đẹp của mình. Những hình tượng nhà văn này quan niệm về văn chương là Chân, Thiện, Mĩ.

Hình tượng nhà văn tiếp tục được xây dựng trong các sáng tác của thế hệ nhà văn sau thời kì đổi mới song nó lại có những sự khác biệt lớn đối với những hình tượng nhà văn trước đó. Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, người ta bắt gặp hàng loạt “nhân vật nhà văn” kiểu đó. Anh ta tự hạ thấp thiên chức của mình xuống. Nhân vật nhà văn Vũ trong Bài học tiếng Việt là một tiêu biểu. Xuyên suốt những trang truyện, có thể thấy nhà văn này đã dần hé lộ những suy nghĩ của mình về nghề văn. Văn sĩ Vũ đã nhiều lần tự hỏi chính mình: “Công việc của nhà văn là gì?”, và “Chàng không bao giờ có thì giờ nghĩ về điều đó cho thấu đáo” [30, tr. 426]. Ở điều bộc bạch này, chúng ta có thể thấy nhân vật nhà văn dường như chưa thật sự ý thức vai trò nhiệm vụ của về công việc mình đang làm. Vũ cảm thấy “Chàng là một “nhà

ngôn ngữ” hơn là một nhà văn. Chàng yêu tiếng Việt. Không! Không phải tình yêu. Chàng thích sự chính xác của từ ngữ: chính xác về tình cảm, về cấu trúc, về nghệ thuật” [30, tr. 427]. Với suy nghĩ như vậy, Vũ coi nhà văn như một nhà sắp xếp ngôn từ. Ngôn từ là cái biểu hiện của tác phẩm văn học. Nhưng văn học không giản đơn như thế mà ẩn sâu bên trong đó là cả một thế giới nghệ thuật và quan niệm của nhà văn. Cách suy nghĩ của nhân vật đã làm mất đi phần nào ý nghĩa của văn học. Sau đó, nhà văn Vũ lại cay đắng thừa nhận: “Cố đi tìm bản chất - Vũ lẩm bẩm - cũng không để làm gì? Để xác định một trạng thái ư? Một tình cảm ư? Một cách ứng xử ư? Quá ư tầm thường! Mà vô nghĩa…” [30, tr. 427]. Bản chất một văn học là gì? Đó chỉ là điều tầm thường vì giờ đây văn học chỉ là những ngôn từ được ghép với nhau, đi tìm bản chất ẩn sau lớp ngôn ngữ là một điều khó có thể làm. Tính bất khả nhận thức của nhà văn, của con người được Vũ thừa nhận: “Con người mãi mãi vướng vào các sợi dây của những mối quan hệ không cân bằng, tất yếu sẽ nhầm lẫn và rối bòng bong. Sự nhầm lẫn chồng chéo lên nhau, khiến con người ta mãi mãi bất khả tri, mãi mãi vô minh” [30, tr. 431]. Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp không thiếu các nhân vật nhà văn được đem ra giễu nhại. Giễu nhại ở đây không phải khẳng định cho cái gì, mà là một sự giễu nhại toàn diện, trong đó có sự giễu nhại chính hành vi viết, một lối tự nhại.

Về vai trò của văn học, Vũ trong Bài học tiếng Việt không ít lần công bố: “Văn học không phải là tất cả. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió…” [30, tr. 427]; “Văn học Việt Nam, ngay buổi sơ khai của nó, giống như một đứa trẻ nhỏ phải làm những việc quá sức, những việc không ra gì, thậm chí phải làm việc chính trị thứ việc cần nhiều phương pháp ứng đối khuynh hoạt. Người ta chú ý đến bộ mặt bề ngoài hơn là nội dung bên trong” [30, tr. 428]; người ta chú ý thái quá đến bộ mặt bên ngoài nó nói nhiều đến con người xã hội hơn là con người tự nhiên. Người ta đã “lịch sự”, đã “chính trị”, đã cố lờ đi những cái ấy: con người tự nhiên, kẻ thành thật nhất, trung hậu nhất, ngang bướng và ương ngạch” [30, tr. 428]. Những lời mà văn sĩ Vũ nói thể hiện rõ quan điểm của ông về một giai đoạn văn học. Giai đoạn ấy, văn học mặc đồng phục, chịu sự chế ức của

chính trị và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Suy nghĩ ấy cũng chính là những điều mà Nguyễn Huy Thiệp nghĩ suy bấy lâu về một thời kì văn học mà nó không được là chính mình. Có thể thấy, ở đây, một cái nhìn về văn học đã có độ lùi và nền văn học ấy đã được đánh giá về những gì thành tựu cũng như hạn chế của nó với cái nhìn công minh. Không chỉ có vậy, Vũ lại tiếp tục nói về vai trò của văn học như sau: “Chàng ích kỉ. Chàng cũng chỉ có một cuộc sống thôi, một dấu vết thôi. Chàng tìm cách nhân nó lên nhiều lần. Đấy là văn học. Một phép nhân ảo thuật. Văn học cũng là sự cùng quẫn, cũng đầy dối dá và ngụy tạo. Tóm lại, văn học chả ra gì” [30, tr. 429]. Để cho một nhà văn, nhà tiểu thuyết danh tiếng Vũ có những lời đánh giá như vậy về văn học là sáng tạo đầy dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp. Những lời đánh giá của Vũ đã “hạ bệ văn học”. Văn học không còn là những gì cao quý thiêng liêng, không còn là “vũ khí thanh lọc tâm hồn” (Thạch Lam), không hàm chứa sự lương thiện hay cái gì tao nhã, nó phàm tục và không còn khả năng nâng đỡ con người. Văn học giờ đây chỉ là thứ “tầm thường” với lớp vỏ ngôn ngữ bị cắt mảnh, bị thông tục hóa đến khó hiểu. Nguyễn Huy Thiệp đã giải thiêng văn học khi xây dựng một hình tượng Vũ Trọng Phụng - một nhà văn nổi tiếng, tài năng.

Chúng ta còn tìm thấy hình tượng nhân vật nhà văn trong tác phẩm Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp. Ở trong truyện, Tân Dân vừa là một nhà báo vừa là một nhà văn khá nổi tiếng, song cũng là một tay buôn bán. Kiểu văn chương mà lão Tân Dân đề xướng đó là: “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh” [30, tr. 256]. Với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương là cả một quá trình tìm tòi, sáng tạo đầy gian nan. Từ “bùn” chuyển thành “hoa” và “bướm” là một sự lột xác đầy phiêu lưu, mạo hiểm, vì nếu không khéo sẽ dễ dàng ngập sâu trong vũng bùn. Nếu không có sự “liều lĩnh đến tùy tiện kia” thì văn chương chỉ là thứ để người ta chiêm ngưỡng sự đạo mạo, thanh khiết của nó. Và chính con người cũng sẽ ngụp sâu xuống vũng bùn đen ấy.

Có phần tương đồng với Nguyễn Huy Thiệp, trong nhiều truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, chẳng những các nhân vật nhà văn trở thành đối tượng giễu nhại mà chính người viết tác giả cũng trở thành đối tượng giễu nhại. Nếu Nguyễn Huy

Thiệp kêu gọi “hạ thấp thiên chức xuống” thì Phạm Thị Hoài chủ động giải thiêng văn học, coi văn học như “một chuyện tầm phào”, “một trò chơi vô tăm tích”. Nhà văn công nhiên tuyên bố về tính chất trò diễn của văn học. Thế giới được thể hiện trong tác phẩm không còn nhằm làm cho bạn đọc tin là thật nữa, mà nhằm làm cho họ suy ngẫm. Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Thị Hoài sử dụng dày đặc các huyền thoại và thủ pháp liên văn bản. Mở đầu Thiên sứ, tác giả viết: “Cuốn sách bắt đầu từ một điển tích của nhà văn G.G và những chuyện khó tin của nhà thơ F” [13, tr. 88]. Trong tiểu thuyết, nhân vật được mô hình hóa, các chương được sắp xếp theo một hình thức trò chơi, vừa ngẫu nhiên vừa rời rạc.

Như vậy, hình tượng nhân vật nhà văn trong văn xuôi đương đại thể hiện sự thay đổi trong tư duy cũng như lối viết của các cây bút viết văn. Có thể khẳng định, xây dựng hình tượng nhà văn và sự giải thiêng văn học là phương diện cơ bản thể hiện tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi, đồng thời cũng là nhân tố thổ lộ những nét chuyển biến trong qua niệm về văn học của nhà văn đương đại.

Tóm lại, tính bất khả tín hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại được xác nhận như một đặc trưng nổi bật trong nhiều tác phẩm của nhà văn đương đại, đặc biệt là tác phẩm của các nhà văn theo khuynh hướng hậu hiện đại.

KẾT LUẬN

1.Tìm hiểu tính chất bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại là một hành trình nghiên cứu có ý nghĩa lí luận và thực tiễn quan trọng. Qua sự phân tích trên, chúng tôi muốn xác nhận tính chất bất khả tín, hàm hồ như một đặc tính nổi bật trong các thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại. Tính chất này không phải là đặc điểm chung của tất cả các sáng tác văn xuôi gần đây, mà là sản phẩm của tâm thức đặc thù - tâm thức giải thiêng văn học, xuất hiện chủ yếu trong tác phẩm của các nhà văn theo khuynh hướng hậu hiện đại. Có thể thấy, từ đây, các quan niệm truyền thống về hiện thực, văn bản, nhà văn, bạn đọc có sự thay đổi gốc rễ. Phân tích tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới văn xuôi Việt Nam đương đại, ta bắt gặp các “cái chết của hiện thực”, “cái chết của chủ thể”, “cái chết của văn học”,… như cách diễn đạt của lí luận hậu hiện đại phương Tây. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng đòi hỏi người nghiên cứu phải thay đổi tư duy của mình về các vấn đề khoa học văn học.

2.Nghiên cứu tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại, chúng tôi muốn tìm ra sự vận động, đổi mới cũng như những nét đặc sắc của văn xuôi đương đại. Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp, tác giả khóa luận chỉ tập trung tìm hiểu nghiên cứu ở một số biểu hiện cơ bản như: hình tượng người trần thuật không đáng tin; hình thức kết mở, đa kết; không gian và thời gian đậm chất huyền thoại; ngôn ngữ mơ hồ, bất định; sự giải thiêng văn học qua hình tượng nhà văn. Có thể khái quát các biểu hiện kể trên như sau:

Thứ nhất, về hình tượng người trần thuật không đáng tin. Xuất phát từ hình

tượng người trần thuật trong truyền thống là người “dẫn đường chỉ lối” tin cậy cho bạn đọc, hướng bạn đọc đến cái kết do mình định hướng đưa ra, hình tượng người trần thuật trong văn xuôi đương đại là sự thay đổi hoàn toàn. Họ là người đồng hành cùng bạn đọc đi suốt câu chuyện bởi sự bất trắc, không đáng tin của những tư liệu, sự kiện được kể. Ở đây, các nhà văn đương đại đã làm đảo lộn quan niệm về hiện

thực và chủ thể của truyền thống. Với hình tượng người trần thuật này, bạn đọc cần phải có một thái độ thật tỉnh táo để dõi theo và đánh giá tác phẩm một cách đúng hướng.

Thứ hai, về hình thức kết thúc mở, đa kết. Nếu văn học truyền thống với

những cái kết khép kín là chủ yếu, số phận nhân vật đã được định sẵn, biết sẵn thì văn học đương đại lại mở ra một cái kết mở, cái kết có nhiều sự lựa chọn, trái ngược với những câu chuyện lịch sử. Điều này thể hiện rõ ý thức sáng tạo, cách tân của các nhà văn trong lối viết, một lối viết mở. Với lối viết như vậy, đòi hỏi bạn đọc phải đón nhận với một tâm thế mở, điều đó phát huy cao độ được vai trò của bạn đọc trong quá trình tiếp nhận văn học.

Thứ ba, về không gian và thời gian đậm chất huyền thoại. Không gian trong

văn xuôi đương đại không chỉ là không gian và thời gian của cuộc sống thực tại mà còn là không gian và thời gian của những truyền thuyết dân gian, của quá khứ, thậm chí đó là của cõi vô thức, tâm linh,… Sự thay đổi này thể hiện sự cách tân và mở rộng phạm vi phản ánh của văn học, đồng thời thể hiện một cái nhìn mới của nhà văn đối với hiện thực cuộc sóng và con người của nhà văn.

Thứ tư, về ngôn ngữ bất định, mơ hồ. Ngôn ngữ là phương diện thể hiện rõ

nhất sự cách tân của văn học, bởi nó là lớp vỏ tư duy, là hình thức thể hiện tác phẩm. Ngôn ngữ giờ đây không còn là sự thống nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Ngôn ngữ thiếu sự xác tin, phân mảnh rời rạc đã tạo ra cái mơ hồ cho tác phẩm thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả khi nhìn nhận đời sống cũng như con người.

Thứ năm, về sư giải thiêng văn học qua hình tượng nhân vật nhà văn. Trong cảm quan của nhà văn đương đại, văn học không còn mang những chức năng cao cả. Vai trò, sứ mệnh của nó giờ đây đã thay đổi, thậm chí trong một số trường hợp văn học, nhà văn trở thành đối tượng để giải thiêng.

3. Tóm lại, nghiên cứu Tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật

văn xuôi Việt Nam đương đại là một đề tài mới lạ, hấp dẫn song không ít thử thách,

khó khăn. Khóa luận của chúng tôi bước đầu có sự khám phá, kiến giải về những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ được biểu hiện qua đặc tính này. Tuy nhiên, do những giới hạn về thời gian, tư liệu, kinh nghiệm của người nghiên cứu nên khóa luận chắc

chắn không tránh khỏi những thiếu sót cũng như những khoảng trống cần bổ sung. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều bài nghiên cứu về thế giới nghệ thuật văn xuôi hơn nữa để chúng ta có cơ sở trong việc đánh giá, giải thích toàn vẹn về sự vận động, đổi mới của văn học cũng thể hiện tài năng của các nghệ sĩ.

Một phần của tài liệu Tính bất khả tín và hàm hồ trong văn xuôi đương đại (Trang 55 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w