6. Bố cục khóa luận
2.4 Ngôn ngữ mơ hồ, bất định
Gorki đã viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và - cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống - nó là chất liệu của văn học”. Nhưng trong thực tiễn văn học thế giới cũng như ở Việt Nam, có thể nhận thấy ngôn ngữ không chỉ là chất liệu nghệ thuật mà ngôn ngữ còn là “sự phát ngôn thể hiện nhãn quan giá trị của những nhóm xã hội khác nhau với tư cách là những chủ thể giao tiếp thẩm mĩ” (Lã Nguyên). Trong những năm đổi mới, sự thay đổi hệ hình tư duy nghệ thuật trong văn học dẫn tới sự thay đổi trong cách diễn ngôn của văn học thời kỳ này, nổi bật ở thể loại văn xuôi.
Tính bất khả tín trong thế giới nghệ thuật văn xuôi đương đại còn được thể hiện ở ngôn ngữ bất định, mơ hồ. Có thể tìm thấy điều này trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh...
Trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, bạn đọc dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện dày đặc các từ ngữ “mơ hồ” kiểu như: người ta đồn rằng, nghe đồn, có người kể rằng, phong thanh, hình như, nghe nói,… Các cụm từ này làm cho những thông tin đi sau nó thiếu đi tính xác tín hay làm cho nó trở thành huyền thoại.
Trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát, ngôn ngữ hàm hồ xuất hiện với tần số cao. Trái tim hổ trở thành một huyền thoại lưu truyền bởi công dụng của nó: “Người ta đồn con hổ có trái tim khác thường, trái tim nó chỉ bằng hòn sỏi và trong suốt. Trái tim ấy là bùa hộ mệnh, cũng là vị thuốc thần. Ai có được trái tim ấy sẽ được may mắn, giàu sang suốt cả cuộc đời. Trái tim ấy nếu mang ngâm rượu sẽ chữa được mọi thứ bệnh hiểm nghèo. Liệt chân như Pùa, uống thứ thuốc ấy cũng sẽ khỏi được” [30, tr. 198] (Trái tim hổ). Trong Chiếc tù và bị bỏ quên, ngôn ngữ không minh xác đã làm cho câu chuyện được kể ngập tràn trong không khí cổ tích: “Có lời nguyền rằng nếu thù ghét nhau kẻ địch chỉ cần tìm được xương ấy mang tán trộn vào thuốc súng bắn đi là cả họ bị tiêu duyệt. Họ Hà không ít kẻ thù. Bây giờ nếu mang ra rửa, làm lộ nơi cất giấu, khác nào tạo cho kẻ thù cơ hội tốt” [30, tr. 215]. Lời nguyền trở nên linh thiêng hơn bởi nó có một độ lùi về thời gian. Hay trong Con gái thủy thần, thân phận của Mẹ Cả là cả một huyền thoại đầy bí chuyện mang một
không khí bí hiềm ẩn, trở thành khát vọng theo đuổi của Chương: “Trận bão ấy, ở bãi Nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ. Không biết ai nói trông thấy đôi giao long cuốn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gốc cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Đứa bé ấy là con thủy thần để lại. Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả. Việc nuôi Mẹ Cả, tôi không biết, nghe phong thanh người ông từ đền Tía đón về nuôi. Lại đồn thím Mòng trên phố chợ đón về nuôi. Lại đồn các xơ trong nhà tu kín đón về, đặt tên thánh cho Mẹ Cả là Gianna Đoàn Thị Phượng” [30, tr. 68]. Những cụm từ “không biết ai nói”, “nghe phong thanh”, “lại đồn” thể hiện tính minh xác của câu chuyện con gái thủy thần cần phải cân nhắc. Chính ngôn ngữ bất định càng làm cho câu chuyện li kỳ và trở thành truyền thuyết. Trong Giọt máu, ngôn ngữ bất định đậm đặc thể hiện những thông tin còn hồ nghi về Phạm Ngọc Chiểu: “Dân làng kháo nhau Chiểu có chân trong nhóm văn thân chống Pháp. Tri huyện Tiên Du là tướng của ông Đề Nắm, Đề Thám trên Yên Thế. Lại đồn Chiểu làm quan thanh liêm không ăn cánh với triều đình lúc bấy giờ đang vọng ngoại tộc, do dó mới bị bãi chức” [30, tr. 249]. Sau khi bị bãi chức vì sự “ngông cuồng”, những tin đồn này đã rất có lợi cho Chiểu. Điều này đã tạo nên
hai bức tranh trái ngược nhau hoàn toàn giữa sự thật và lời đồn. Đây là một dụng ý của tác giả khẳng định sự hàm hồ về nhân vật. Tiếp đến là số phận của những người còn lại trong gia đình họ Phạm cũng chỉ được biết đến qua sự “nghe nói”. Số phận nhân vật liệu có phải như vậy?
Chúng ta có thể tìm thấy ngôn ngữ bất định này trong nhiều truyện ngắn khác như Chảy đi sông ơi, Truyện tình kể trong đêm mưa, chùm truyện Những ngọn
gió Hua Tát với Truyện Sạ, Đất quên, Nàng Bua,…
Trong Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, ngôn ngữ bất định, mơ hồ đậm đặc không chỉ trong việc tái hiện nhân vật mà còn là trong những sự kiện, biến cố của câu chuyện. Trước tiên là các nhân vật. Những đặc điểm về quá khứ, tính cách của nhân vật được gợi ra từ những lời đồn làm cho nhân vật hiện lên đầy đủ, sinh động như Định, Phụng, mụ Hường béo, ả cave, nhân vật xưng tao. Với nhân vật Định Mắm, biệt danh, tính cách được lí giải như sau: “Người thì bảo do lão hở van dạ dày, lúc nào cũng bốc mùi như hũ mắm di động. Kẻ khác lại cho rằng tính lão bẩn gắt như mắm tôm. Những tin đồn về lão còn nhiều nữa, cả theo hướng tâm lý lẫn sinh lý nhưng tựu trung lại đều rất ác cảm. (…). Chả nhẽ nghiệp của lão đã nặng đến mức không thể tự mang được nữa? Hay hắn có bàn tay của quỷ” [2, tr. 22 - 23]. Hay nhân vật ả cave là một quá khứ và cuộc đời nổi trôi bất hạnh: “Người ta kể lại rằng, cha tôi đã không đến bệnh viện đón tôi. Thay vào đó ông đi uống rượu (…). Trong gia đình của chính mình” [2, tr. 223 - 224]. Trong truyện còn có rất nhiều chi tiết gắn với ngôn ngữ hàm hồ. Đó là lời nguyền trong cuốn sách, là con chuột thành tinh, là chuyện thằng bé sinh ra một cách bất thường, chuyện về những cái chết hay còn là sự “mất tích” của cái miếu Thành hoàng ở cuối truyện. Tất cả những chi tiết ấy được dựng lên với ngôn ngữ hàm hồ làm cho các sự kiện này bí hiểm, kỳ ảo làm cho bạn đọc như lạc vào một thế giới mà bóng tối đang ngự trị.
Ngôn ngữ mơ hồ, bất định còn được thể hiện trong Thoạt ky thủy của Nguyễn Bình Phương nhưng ở một góc cạnh khác. Đó là sự rạc rời của ngôn ngữ giấc mơ vô thức dưới của Tính, một người điên. Những giấc mơ của Tính thực ra là những những dòng suy tư của một người điên vậy nên, nó rối rắm, phi lôgic, mơ hồ
khó hiểu. Với 15 xuất hiện trong 167 trang giấy, những giấc mơ của Tính diễn ra trong trạng thái, những ám ảnh phức tạp trong tâm hồn Tính. Những dấu ấn của quá khứ, những ám ảnh của thực tại đều được tái hiện qua giấc mơ. Tìm hiểu và phân tích những giấc mơ ấy, ta thấy được đời sống của những cư dân xóm Soi. Giấc mơ đầu tiên của Tính: “Nó đấy. Lạnh. Mắt chó vàng như trăng. Nó giội lên bao nhiêu nước. Gội lên cả những người xóm Soi đang đi trên mép sông. (…). Khoặp! Đứt cả lũ. Lạnh lắm, mẹ ơi…” [24, tr. 27]. Giấc mơ diễn tả những ám ảnh đầu tiên của cuộc đời Tính. Chuyện ánh trăng lạnh lẽo, chuyện ông Điện, chuyện ông Phùng kể cho Tính nghe chuyện ông phước gặm chén,… Những giấc mơ tiếp theo tiếp tục viết về những biến động của xóm Soi khúc xạ qua tâm hồn Tính. Điều đáng chú ý trong ngôn từ của Tính là sự bất định, lộn xộn, phi lôgic tạo nên sự khó hiểu làm cho độc giả như lạc vào lớp vỏ ngôn từ vô nghĩa, rời rạc.
Ngôn ngữ bất định, mơ hồ là một trong những đặc điểm thổ lộ cách tân của tư duy nghệ thuật thể hiện rõ nét đặc tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi đương đại. Ngôn ngữ mơ hồ ẩn chứa những dụng ý nghệ thuật của mỗi nhà văn đã tạo ra sự hấp dẫn cho tác phẩm với bạn đọc.