Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu Sự lãnh đạo của đảng cộng sản việt nam đối với quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp pptx (Trang 67 - 71)

pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng

Phần trên đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp. Cả ba nguyên nhân đó đều làm toát lên một vấn đề có tính nền tảng để khắc phục những hạn chế của Quốc hội. Đó là vấn đề nhận thức của đảng viên và cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của Quốc hội, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Vậy, cần phải nhận thức thế nào về vị trí, vai trò của Quốc hội?

Chúng ta biết rằng ngay sau khi giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945, công việc đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo trong xây dựng Nhà nước là tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sau thời gian tích cực, khẩn trương chuẩn bị, cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín vào ngày 6 tháng 01 năm 1946 thành công rực rỡ bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Quốc hội của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam .

Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam .

Tính đại diện cao nhất của Quốc hội thể hiện ở chỗ: 1- Quốc hội có cơ cấu thành phần đại biểu đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; 2- Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trên cơ sở sự tín nhiệm của nhân dân, do nhân dân uỷ quyền; 3- Quốc hội do toàn dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đại biểu Quốc hội có cơ cấu, thành phần phản ánh sự đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân và các dân tộc. Vì vậy Quốc hội là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. ”Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắc đá không gì lay chuyển nổi” [29, tr. 497].

Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân, thông qua việc bảo đảm cho nhân dân theo dõi quá trình làm việc của mình như tham dự các

phiên họp, nghe chất vấn, trả lời chất vấn, và thông qua việc đại biểu Quốc hội phải báo cáo hoạt động tại đơn vị đã bầu cử mình.

Tính quyền lực nhà nước của Quốc hội thể hiện ở thẩm quyền của Quốc hội đã được cụ thể hoá thành ba chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Đó là làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Về chức năng làm luật, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền thông qua, sửa đổi Hiến pháp và luật. Pháp luật có vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, nó thể hiện những đường lối cơ bản, những chủ trương của Đảng đã được Nhà nước thể chế hoá và có hiệu lực thi hành trên toàn lãnh thổ nước ta. Các quy phạm pháp luật khác do các cơ quan nhà nước ban hành phải không trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Về chức năng quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; quy định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Về chức năng giám sát tối cao, Quốc hội giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhằm bảo đảm cho hoạt động của Nhà nước đúng pháp luật. Quốc hội giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, của các cơ quan nhà nước ở trung ương, của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Những cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước Quốc hội. Những cá nhân do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu phạm sai lầm sẽ bị Quốc hội xem xét để miễn hoặc bãi nhiệm.

Trong cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước, Quốc hội có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm những người đứng đầu các cơ quan nhà nước khác. Nhiệm kỳ hoạt động của các cơ quan nhà nước do Quốc hội quy định theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Các cơ quan nhà nước ở trung ương do được Quốc hội bầu, hoặc có thể bị bãi miễn, nên rất phụ thuộc vào sự tín nhiệm của Quốc hội.

Quốc hội hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Các vấn đề được Quốc hội quyết định phải được tập thể các đại biểu Quốc hội xem xét và chỉ được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Riêng trường hợp sửa đổi Hiến pháp phải có hai phần ba tổng số đại biểu tán thành.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đòi hỏi càng phải phát huy vai trò, vị trí của Quốc hội, nhất là trong việc thực hiện chức năng lập pháp. Có như vậy mới có thể nhanh chóng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Trong thời gian tới, yêu cầu chung đặt ra đối với Quốc hội là phấn đấu thực thi đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Yêu cầu cụ thể là: 1- Khắc phục những khuyết điểm, hạn chế hiện nay trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội; 2- Phát huy vai trò Quốc hội trong việc tạo lập môi trường thể chế và điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; 3- Góp phần mở rộng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN; 4- Định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; 5- Phát triển đất nước phù hợp với xu hướng vận động của thời đại; 6- Thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động làm luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng tập trung quyền làm luật vào Quốc hội, giảm dần và tiến tới không ban hành pháp lệnh; luật hoá tối đa các quyết định của Quốc hội, để luật của Quốc hội giữ vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh các quan hệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; phân biệt rõ ràng bản chất giám sát của Quốc hội là giám sát mang tính quyền lực nhà nước, khác với các hình thức giám sát khác; phát huy có hiệu quả và đồng bộ

các hình thức giám sát của Quốc hội: giám của tập thể Quốc hội, giám sát của Hội đồng dân tộc, của các uỷ ban và của đoàn đại biểu Quốc hội; nâng cao vai trò giám sát thi hành pháp luật tại địa phương của các đại biểu Quốc hội.

Nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội; tăng cường hợp lý số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở các đoàn đại biểu Quốc hội; tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri thông qua cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Phát huy tính chủ động, tự lập, trách nhiệm cá nhân của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm trước cử tri.

Đổi mới cách thức làm việc của Quốc hội, phát huy dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm cho Quốc hội có thể ban hành được nhiều quyết định có chất lượng tốt.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức về vai trò, vị trí của Quốc hội, cần phải xây dựng ý thức, thói quen tôn trọng và chấp hành pháp luật của công dân. Mọi công dân, trước hết là đảng viên, cán bộ, công chức, phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là xử lý nghiêm minh trách nhiêm của người đứng đầu trực tiếp để xảy ra vi phạm pháp luật và tội phạm trong cơ quan, tổ chức của

mình. ”Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là phương châm hành động của mọi người trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Luật pháp là tối thượng, pháp luật ”bất vị thân”. Ai vi phạm, dù người đó ở bất kỳ cương vị nào cũng đều phải có hình thức xử lý nghiêm minh. Khi còn tình trạng ”nhẹ trên, nặng dưới”, ”chín bỏ làm mười”, ”dĩ hoà di quý”, ”dễ người dễ ta”, nể nang, né tránh, thậm chí cơ hội, thì luật dù tốt đến mấy cũng chỉ là những điều luật khô khan, không hồn nằm trên giấy, lạc lõng trong cuộc sống, không có nghĩa lý gì cả. Tất cả những điều đó đang đặt hệ thống chính trị nước ta nói chung, Quốc hội nói riêng trước đòi hỏi phải khẩn trương nâng cao năng lực giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước để bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh trong cuộc sống, tăng cường pháp chế XHCN, quản lý nhà nước bằng pháp luật, đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Sự lãnh đạo của đảng cộng sản việt nam đối với quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập pháp pptx (Trang 67 - 71)