ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ QUY NHƠN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng và các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ 3 5 tuổi ở các trường mầm non công lập tại thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 41 - 43)

Chương 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.4.ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ QUY NHƠN

1.4.1. Điều kiện tự nhiên Thành phố Quy nhơn

Thành phố Quy Nhơn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, với diện tích trên 285 km2, dân số trên 300.000 người; được chia thành 21 đơn vị hành chính (16 phường và 5 xã) trong đó có 04 xã đảo, bán đảo và 1 xã miền núi. Hai mặt tây và bắc thành phố giáp và phân cách với huyện Tuy Phước bởi sông Hà Thanh, phía nam giáp và phân cách với tỉnh Phú Yên bởi dãy núi Cù Mông ăn lan ra biển, phía đông là biển Đông. Là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định; là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa.

Thành phố hội đủ các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển thành một đô thị vùng với nhiều đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1D từ thành phố chạy dọc bờ biển đến tỉnh Phú Yên; Quốc lộ 19 nối Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Thái Lan ra biển Đông; có đường sắt Bắc – Nam; sân bay Phù Cát cách 30 km; cảng Quy Nhơn – một trong 10 cảng biển lớn của cả nước có thể đón tàu trọng tải gần 50.000 tấn.

1.4.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố Quy nhơn

Những năm gần đây, nét nổi bật nhất trong quá trình phát triển thành phố Quy Nhơn là tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Kinh tế – xã hội của thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Những năm qua, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng và phát triển, tổng giá trị sản phẩm địa phương (GDP) theo giá thực tế năm 2009 đạt 7.571,865 tỷ đồng, tăng 6.453 tỷ đồng so với năm 1998, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trong 5 năm qua là 13,18%; GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 26,9 triệu đồng, tăng 22,516 triệu đồng so với năm 1998. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp và xây dựng 50,16% - dịch vụ 44,02% - nông, lâm, thủy sản 5,82%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 đạt 4.205,25 tỷ đồng, tăng 3.789,439 tỷ đồng so với năm 1998, tốc độ phát triển bình quân hằng năm trong 5 năm qua là 14,29%.

Năm 2013 GDP đạt 10,4 %; kim ngạch xuất khẩu đạt 524,8 triệu USD; tổng thu ngân sách hơn 1.210 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 2%.

Trong 5 năm từ 2010- 2015, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân hàng năm tăng 11%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt 66 triệu đồng (3.052 USD) tăng gấp 2 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp và xây dựng (47,6%), dịch vụ (46,9%), nông - lâm - thủy sản (5,5%). Thu ngân sách theo phân cấp quản lý năm 2014 đạt 1.166,8 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2010.

Sự nghiệp văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%.

Năm 2016 tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 25,9%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28,3% và dịch vụ chiếm 45,8% [43].

Chương 2. - ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng và các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ 3 5 tuổi ở các trường mầm non công lập tại thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 41 - 43)