Trong giai đoạn 2001-2005, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô đều có mức tăng trưởng tương đối cao. Giai đoạn 2006- 2009, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khung gầm, thùng xe và lĩnh vực sản xuất trang thiết bị linh phụ kiện tuy suy giảm nhẹ so với giai đoạn trước nhưng vẫn ở mức cao, bình quân trên 27%/năm. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe vẫn có giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân cao hơn so với giai đoạn trước.
Giai đoạn từ sau năm 2010, một số lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng có sự phát triển nhanh chóng. Năm 2015, giá trị sản xuất của lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ước đạt 316 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó sản xuất linh kiện kim loại có giá trị sản xuất cao nhất, đạt 150 nghìn tỷ đồng, sản xuất linh kiện điện - điện tử đạt 117 nghìn tỷ đồng (SIDEC, 2016).
Đơn vị: Nghìn tỷ đồng
Hình 2.1. Giá trị sản xuất của lĩnh vực sản xuất xe có động cơ
Nguồn: Tổng cục thống kê 2016-2020
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất của lĩnh vực sản xuất xe có động cơ đạt mức 208 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, tăng khoảng 40 nghìn tỷ
đồng từ mức gần 168 nghìn tỷ đồng năm 2016. Giá trị sản xuất của lĩnh vực này chỉ chiếm 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt khoảng 5,5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp, và thậm chí còn có xu hướng giảm nhẹ trong suốt giai đoạn này. Tính đến hết cuối năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe có động cơ thu hút khoảng 200.000 lao động (SIDEC, 2020).