Một phân tích tác động môi trường (EIA) là nhận dạng và nghiên cứu tất cả những tác động đối với môi trường mà một chương trình hành động gây ra. Phần lớn nội dung của EIA sẽ tập trung vào những tác động được cho là sẽ xảy ra từ một quyết định, mặc dù EIA không có giá trị quá lớn, đặc biệt là khi thực hiện để xem xét những dự báo trước đó có chính xác hay không. EIA có thể được thực hiện cho bất kỳ một hoạt động xã hội nào – công cộng hay tư nhân, công nghiệp hay dân dụng, địa phương hay quốc gia. Nhiều nước đã có những quy định pháp lý yêu cầu phải tiến hành nghiên cứu tác động môi trường khi một chương trình/dự án công quan trọng được đưa ra xem xét, đôi khi cả những dự án tư nhân. Đôi khi đây là công việc của những nhà khoa học tự nhiên, những người tập trung tìm ra và mô tả những tác động về vật lý của các chương trình hay dự án, đặc biệt là những mối liên kết phức tạp mà những tác động này có thể gây ra đối với hệ sinh thái. Những EIA loại này không trực tiếp đưa ra các giá trị xã hội của những tác động môi trường. Các nhà kinh tế học cũng có một vai trò riêng trong quy trình EIA. Trong khi các nhà khoa học tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tác động môi trường, những tác động dây chuyền về mặt sinh thái chưa phải là đầy đủ. Ví dụ, giả sử có một dự án xây dựng đập nước, đập nước này làm ngập một phần lưu vực của con sông, đồng thời đem lại khả năng cung cấp dịch vụ giải trí. Một phần quan trọng trong tác động môi trường là chính sự ngập nước, dẫn tới việc mất đi một số động thực vật, giải trí trên sông và đất canh tác v.v. Nhưng hành vi của những người bị tác động bởi dự án cũng có ảnh hưởng lớn. Những người đến đây với mục đích giải trí có thể làm tắc nghẽn giao thông và gây ra ô nhiễm không khí. Những ngôi nhà mới, hay sự phát triển thương mại do dịch vụ giải trí đem lại cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường. Do vậy, để nghiên cứu đầy đủ tác động môi trường của đập nước, người ta không chỉ phải tính đến những tác động về vật lý của đập nước và sự trữ nước của nó mà còn phải tính đến phản ứng của con người đối với sự thay đổi này.
TÓM TẮT
Trong những chương trước chúng ta đã đề cập đến vấn đề cải thiện môi trường dưới dạng sự đánh đổi, một bên là giá sẵn lòng trả (lợi ích) và bên kia là chi phí xử lý. Trong chương này chúng ta bắt đầu tập trung vào vấn đề đo lường những lợi ích và chi phí này. Để làm điều đó, các nhà nghiên cứu đã dùng một khung phân tích để so sánh lợi ích và chi phí. Chúng ta tập trung vào cách tiếp cận cơ bản được dùng trong kinh tế tài nguyên thiên nhiên và môi trường: phân tích lợi ích - chi phí. Phần sau chương này đã thảo luận về những khái niệm cơ bản liên quan đến phân tích lợi ích - chi phí. Đó là:
• Các bước phân tích cơ bản
• Xác định quy mô thích hợp cho dự án/chương trình
• Tính hiện giá của lợi ích ròng
• Vấn đề chiết khấu giá trị tương lai
• Các vấn đề phân phối, và
• Sự không chắc chắn
Chúng ta đã thảo luận về phân tích hiệu quả về mặt chi phí – tìm ra phương án có chi phí thấp nhất để đạt được một lợi ích nhất định – và phân tích tác động môi trường. Với cấu trúc cơ bản của phân tích lợi ích - chi phí, bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang những vấn đề thực tế trong đo lường lợi ích và chi phí của các chương trình môi trường.