1. Hotel.
*Khái niệm.
"Khách sạn (Hotel) là công trình kiến trúc được xây dựng độc lập, có quy mô từ 10 buồng ngủ trở lên, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị , dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch". (Theo Thông tư số 01/2002/TT-TCDL ngày 27/04/2001 của Tổng cục Du lịch về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2000/NĐ-CP của Chính phủ về cơ sở lưu trú du lịch).
Theo sách "Giải thích thuật ngữ du lịch và khách sạn" (Khoa Du lịch - ĐH Kinh tế quốc dân) có đưa ra một định nghĩa có tầm khái quát cao và có thể được sử dụng trong học thuật và nhận biết về khách sạn ở Việt Nam như sau:
"Khách sạn là cơ sở cung cấp các dịch vụ lưu trú (với đầy đủ tiện nghi), dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ cần thiết khác cho khách lưu lại qua đêm và thường được xây dựng tại các điểm du lịch".
*Đối tượng khách.
Khách của khách sạn là tất cả những ai có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của khách sạn không giới hạn bởi mục đích, thời gian và không gian tiêu dùng.
* Những nét đặc trưng.
Là loại hình cơ sở lưu trú phổ biến nhất, đặc trưng nhất trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở mọi quốc gia trên thế giới. Khách sạn luôn đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động theo những tiêu chuẩn nhất định. Các sản phẩm phải đạt được số lượng, chủng loại và chất lượng nhất định.
*Ưu thế, hạn chế
+Ưu thế: Khách sạn là loại hình cơ sở lưu trú tiêu biểu nhất, phát triển nhất
về dịch vụ, chất lượng, đa dạng về thể loại, có số lượng lớn có mặt ở hầu hết các đô thị, các điểm du lịch trên Thế giới. Hầu hết các khách sạn có chất lượng phục vụ cao, sản phẩm đa dạng, trọn gói, đồng bộ.
- Đối với khách sạn cao cấp: Giá cao (hàng hoá, dịch vụ...), chỉ thu hút một bộ phận khách có thu nhập cao; Đầu tư ban đầu lớn và chi phí nhân công cao (do số lượng lao động nhiều...)
- Đối với khách sạn nhỏ, khách sạn mini: Tính chuyên môn hoá chưa cao; thường bị cạnh tranh bởi các loại hình lưu trú khác.
Hình 1.9 Khách sạn Daewoo Hà Nội
Hình 1.10 Khách sạn Victoria SaPa
2. Motel
* Khái niệm.
Motel là một loại hình cơ sở lưu trú du lịch, thường được xây dựng ven đường quốc lộ, những đầu mối giao thông quan trọng, ngoại ô thành phố, hoặc ở những khu du lịch với kiến trúc đơn giản, thấp tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị chủ yếu để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách đi bằng xe cơ giới, chủng loại dịch vụ ít và thường có các dịch vụ liên quan đến xe cơ giới, ngoài ra khách phải tự phục vụ lấy một số nhu cầu của mình.
* Đối tượng khách.
Đa số là khách đi du lịch bằng xe cơ giới, khách có thu nhập trung bình, khả năng thanh toán không quá cao, yêu cầu chất lượng dịch vụ ở mức trung bình. Đối tượng khách thường là giới trẻ, đi theo từng cặp, nhóm bạn hoặc gia đình.
* Những nét đặc trưng.
Motel thường có vị trí thường ở những trục đường giao thông chính, những đường cao tốc hoặc đầu mối giao thông quan trọng (motel ven đường), những địa điểm có phong cảnh đẹp (motel nghỉ dưỡng), ở ngọai ô những thành phố lớn, gần những cánh đồng, dòng sông, bãi biển...(motel ngoại ô).
Kiến trúc motel thường đơn giản, thấp tầng. Được xây dựng bằng những vật liệu đơn giản. Cơ sở vật chất kỹ thuật chủ yếu là công trình nhà ở, sân vườn, gara, đường giao thông nội bộ, các hệ thống điện, nước... có chất lượng và giá trị không cao. Chủng loại sản phẩm trong các Motel thường đơn giản, số lượng ít, chất lượng không cao. Có nhiều dịch vụ liên quan đến ôtô (rửa xe, thay dầu xe, sửa chữa, bảo dưỡng...).
* Ưu thế, hạn chế. +Ưu thế.
Motel có giá rẻ hơn so với nhiều loại hình lưu trú khác. Thuận tiện cho thị trường khách đi du lịch bằng ôtô. Tiết kiệm được chi phí kinh doanh (do chi phí đầu tư không quá cao, dịch vụ ít, tổ chức lao động đơn giản...).
+Hạn chế.
Dịch vụ ít, chất lượng không cao. Tính chuyên môn hoá thấp. Chủ yếu thu hút đối tượng khách có thu nhập trung bình, mức chi tiêu thấp. Sử dụng loại hình lưu trú này khách phải tự phục vụ một số dịch vụ.
3.Làng du lịch.
* Khái niệm.
Làng du lịch (Tourism village) là loại hình cơ sở lưu trú du lịch tổng hợp thường được xây dựng theo quần thể trên một diện tích rộng được quy hoạch gần các tài nguyên du lịch. Loại hình cơ sở lưu trú này có kết cấu hạ tầng mang tính chất quần thể với những ngôi nhà riêng biệt cho khách lưu trú cùng với nhiều loại dịch vụ khác đáp ứng các nhu cầu của khách.
*Đối tượng khách.
Làng du lịch thích hợp với những khách nghỉ dưỡng, thích sự yên bình, yêu thích văn hoá, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của địa phương. Thường là khách ở độ tuổi trung niên, đi theo nhóm nhỏ hoặc theo cặp đôi. Đa số khách là người có khả năng thanh toán cao.và có thời gian lưu trú thường dài ngày.
*Những nét đặc trưng.
- Làng du lịch có vị trí gần những nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên, khí hậu thuận lợi.
* Kiến trúc
- Làng du lịch cao cấp: Kiến trúc theo lối quần thể nhưng mang tính hiện đại, tính thẩm mỹ và đồng bộ cao.
- Làng du lịch địa phương: Kiến trúc địa phương mang những yếu tố riêng về mặt văn hoá phù hợp với môi trường xung quanh.
* Cơ sở vật chất kỹ thuật
- Làng du lịch cao cấp: Cơ sở vật chất kỹ thuật có mức độ cao, trang thiết bị hiện đại tiện nghi, cao cấp.
- Làng du lịch địa phương: Cơ sở vật chất kỹ thuật có mức độ trung bình và khá.
* Sản phẩm.
- Làng du lịch cao cấp: Sản phẩm có chất lượng cao hầu hết được bán với hình thức trọn gói (ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, tư vấn, hướng dẫn...).
- Làng du lịch địa phương: Sản phẩm có chất lượng trung bình, giá thấp.
* Lao động.
- Làng du lịch cao cấp: Đội ngũ lao động có tính chuyên môn hoá cao, được tổ chức liên kết chặt chẽ, đồng bộ trong suốt quá trình phục vụ.
- Làng du lịch địa phương: Đội ngũ lao động có tính chuyên môn hoá không cao, nhiều khi mang tính tự phát, chưa qua đào tạo,...
*Ưu thế, hạn chế. + Ưu thế.
- Làng du lịch cao cấp: chất lượng cao, sản phẩm trọn gói, tận thu được khả năng tiêu dùng của khách, lao động được đào tạo bài bản, tính chuyên môn hoá cao.
- Làng du lịch địa phương: giá cả hợp lý, đối tượng khách đa dạng, chi phí thấp, khai thác được cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có của địa phương.
+ Hạn chế
- Làng du lịch cao cấp: giá cao, chi phí đầu tư ban đầu lớn, thị trường khách hạn chế vì chỉ tập trung vào khách có khả năng thanh toán cao.
- Làng du lịch địa phương: chất lượng chưa cao, lực lượng lao động hạn chế về trình độ chuyên môn.
Hình 1.12 Làng du lịch địa phương (Mai Châu - Hòa Bình)
4. Camping.
* Khái niệm.
Camping (bãi cắm trại) là loại hình cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng trên một khu đất rộng gần nơi có nguồn tài nguyên du lịch phục vụ khách cắm trại hoặc đỗ các caravan. Nơi đây có thể có một số các dịch vụ cơ bản nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách.
*Đối tượng khách
Thường là khách ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Khách là những người thích cảm giác gần gũi thiên nhiên, thích những sinh hoạt tập thể vui vẻ, tiết kiệm chi phí và thường đi du lịch theo đoàn, nhóm, hoặc gia đình.
*Những nét đặc trưng.
Camping thường được quy hoạch ở những khu đất có cảnh quan đẹp, độc đáo, gần gũi với thiên nhiên. Đây là hình thức lưu trú mang tính chất tạm thời phụ thuộc nhiều vào thời tiết; Cơ sở vật chất kỹ thuật đơn giản; Dịch vụ ít, chất lượng thấp; Lao động ít, không đòi nhiều hỏi về chuyên môn.
* Ưu thế, hạn chế.
+Ưu thế: giá rẻ, gần gũi thiên nhiên, dễ tạo ra các sinh hoạt tập thể vui vẻ,... + Hạn chế: dịch vụ ít, chất lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khách
phải tự phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt, nấu nướng nên rất mất thời gian.
Hình 1.15 Các hoạt động thường đi kèm Camping
5. Tàu du lịch (Tourist Cruise/Floating Hotel)
*Khái niệm.
Tàu du lịch là một loại hình cơ sở lưu trú du lịch di động, đó là những chiếc tàu thuỷ khá lớn có các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí...đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
*Đối tượng khách.
Khách là những người có khả năng thanh toán cao; thường ở độ tuổi trung niên, có thời gian rỗi dài; yêu khung cảnh thiên nhiên, thích khám phá nhiều nền văn hoá, thích đuợc đi nhiều điểm du lịch trong hành trình của mình.
* Những nét đặc trưng.
Tàu du lịch không có vị trí cố định. Nó chỉ có những bến cảng gốc rồi từ đó thực hiện chuyến đi của mình theo những lịch trình nhất định.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của tàu du lịch rất hiện đại do được áp dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học - công nghệ; Có khu vực kỹ thuật riêng và khu lưu trú của khách riêng;
Tàu du lịch được coi là khách sạn nổi trên biển do đó nó có hệ thống sản phẩm phong phú, chất lượng, trọn gói.
* Ưu thế, hạn chế.
+ Ưu thế.
Dịch vụ phong phú, đa dạng, chất lượng cao, tham quan được nhiều nơi, nhiều nước trong một chuyến đi, gần gũi thiên nhiên, tạo được ấn tượng đặc biệt, tạo cảm giác mới cho du khách.
+Hạn chế.
Giá cao nên chỉ thu hút được đối tượng khách có khả năng thanh toán cao. Chỉ thích hợp với khách có thời gian rảnh rỗi dài ngày. Khách chỉ có thể tiêu dùng những dịch vụ nhất định trên tàu, khó thay đổi lịch trình. Không tham quan được những điểm du lịch ở sâu trong đất liền.
Hình 1.16 Tàu du lịch của Việt Nam
6. Caravan.
*Khái niệm.
Caravan là một loại hình cơ sở lưu trú, đó là những cabin (khoang nhỏ) có bánh xe được người đi du lịch bằng ôtô kéo theo, hoặc được vận chuyển đến một nơi nào đó bằng các thiết bị chuyên dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống tạm thời của khách trong chuyến du lịch.
* Đối tượng khách.
Khách thường đi du lịch bằng ôtô. Khách đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ (nhóm bạn bè). Thường là đi vào các ngày nghỉ cuối tuần. Họ thường chọn những nơi có phong cảnh đẹp để dùng caravan. Hiện nay ở các nước phát triển người ta thường quy hoạch những khu vực cho khách du lịch có thể thuê để đỗ caravan, ở đó có thể có thêm các dịch vụ bổ sung khác đi kèm (thường kết hợp với loại hình camping).
* Những nét đặc trưng.
Là loại hình cơ sở lưu trú lưu động. Trang thiết bị, tiện nghi được thiết kế khoa học mang tính tiết kiệm diện tích. Mặc dù chỉ là những khoang xe nhỏ nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, các caravan thường được trang bị khá đầy đủ. Trong khoang xe có giường ngủ, thiết bị tắm giặt, vệ sinh, bếp đun nấu, tủ đựng đồ, bàn ghế. Một số caravan còn trang bị cả máy điều hoà nhiệt độ, tivi, tủ lạnh,...
* Ưu thế, hạn chế. + Ưu thế.
Ưu thế nổi bật của loại hình này đó là tính cơ động, tiện lợi, tiết kiệm chi phí trong chuyến đi du lịch vì khách không mất nhiều chi phí cho việc lưu trú. Trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt trong caravan tương đối đầy đủ nên khách không mất quá nhiều thời gian cho việc chuẩn bị sinh hoạt như camping.
+Hạn chế.
Hạn chế của loại hình caravan là tiện nghi, chất lượng dịch vụ thấp, không có tính chuyên môn hoá. Khách phải tự phục vụ hầu hết các dịch vụ, sinh hoạt của mình.
Hình 1.17 Caravan
7. Bungalow.
* Khái niệm.
Bungalow là một loại hình cơ sở lưu trú du lịch thường có kiến trúc theo kiểu một căn nhà riêng biệt, khép kín mang tính giải trí, tính thẩm mỹ cao, có thể được bố trí tách biệt hoặc quy tụ theo những quần thể nhất định.
* Đối tượng khách.
Khách chọn loại hình Bungalow thường là những người thích cảm giác lạ, mới mẻ thay cho việc thường xuyên lưu trú trong những căn buồng khách sạn được xây dựng kiên cố. Đa số họ là thanh niên, đi theo cặp hoặc gia đình. Khách đi du lịch thuần tuý, thời gian lưu trú không dài, chỉ khoảng hai đến bốn ngày.
* Những nét đặc trưng.
Bungalow thường có kiến trúc độc đáo, vật liệu đơn giản, đa dạng đặc biệt là các Bungalow địa phương. Tiện nghi tương đối đầy đủ nhưng không quá cao. Những Bungalow nằm độc lập thường chủ yếu đáp ứng cho khách về dịch vụ lưu trú, các dịch vụ khác thường rất ít. Đối với những Bungalow được bố trí theo kiểu quần thể đây là loại hình có nhiều đặc điểm tương tự như làng du lịch. Chúng có thể có những khu vực sinh hoạt chung, ở đó thường có nhiều dịch vụ bổ sung khác nhau: dịch vụ vui chơi giải trí, bán đồ lưu niệm,…
+ Ưu thế, hạn chế. +Ưu thế.
Là loại hình cơ sở lư trú độc đáo, có sức hấp dẫn du khách lớn. Giá rẻ hơn so với nhiều loại hình khác. Tổ chức lao động đơn giản, dịch vụ ít, tiết kiệm chi phí kinh doanh.
+Hạn chế.
Dịch vụ ít, chất lượng không cao. Tính chuyên môn hoá không cao
Hình 1.20 Bungalow hoang dã
Hình 1.21 Bungalow cao cấp
8. Resort.
*Khái niệm.
Resort là một loại hình cơ sở lưu trú du lịch, đó là những cơ sở nghỉ dưỡng tổng hợp thường được xây dựng trên diện tích tương đối rộng gắn liền với các tài nguyên du lịch tự nhiên, bao gồm một quần thể các khu riêng biệt: khu vực lễ tân, khu vực lưu trú của khách, các nhà hàng ăn uống, khu thể thao, vui chơi giải trí, khu thương mại, hội nghị, bãi đỗ xe,...đảm bảo cung cấp một cách đồng bộ các dịch vụ trọn gói hoặc các dịch vụ đơn lẻ cho khách du lịch.
* Đối tượng khách.
Khách thường là những người có thu nhập cao, khả năng thanh toán cao; Thích dịch vụ chất lượng cao, trọn gói, đồng bộ.
*Những nét đặc trưng.
Resort thường được xây dựng tại các khu du lịch, những nơi giàu tài nguyên du lịch tự nhiên, khí hậu trong lành... Được xây dựng theo dạng quần thể trải ra trên diện tích mặt bằng rộng.
Các khu Resor thường được chia thành ba khu vực: + Khu vực lưu trú của khách.
+ Khu vực vui chơi giải trí. + Khu vực phục vụ.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của Resort rất đa dạng, phong phú, chất lượng tốt, mang tính đồng bộ. Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có đầy đủ các sản phẩm phổ biến như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, dịch vụ bổ sung các loại…
* Ưu thế, hạn chế + Ưu thế.
Chất lượng cao, sản phẩm đa dạng, trọn gói, đồng bộ; Có vị trí ở những nơi có phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành; Khách vừa có điều kiện thoả mãn nhu cầu nghỉ dưỡng riêng tư, vừa có thể tham gia các sinh hoạt tập thể.
+ Hạn chế.
Giá cao nên chỉ thu hút được đối tượng khách là những người có thu nhập cao, khả năng thanh toán cao; Vốn đầu tư ban đầu lớn; Rất khó khăn trong việc tìm vị trí xây dựng thuận lợi.
Đặc biệt là chi phí lao động rất cao (do nhân lực nhiều, diện tích dàn trải và còn thêm chi phí cho trách nhiệm bảo vệ tài nguyên cảnh quan môi trường).
Hình 1.22 Dịch vụ tại Resort