1.3.2 .Cái hài và cái cảm thương
1.3.3. Sắc thái thẩm mĩ của cái hài trong hệ thống giá trị thẩm mĩ của Nam Cao
Khi nghiên cứu sáng tác của nhà văn Nam Cao, mọi người thường ít chú ý đến
cái hài, bởi vì theo họ cái hài không phải là âm điệu chủ đạo trong sáng tác của nhà
văn. Nhưng đọc truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta không thể phủ nhận một yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo của Nam Cao là cái hài. Khảo sát hơn bốn mươi truyện ngắn của ông có thể nhận thấy, tần số xuất hiện yếu tố hài không phải là ít. Trừ một số truyện như Lão Hạc, Điếu văn, Nghèo thì các truyện ngắn khác đều mang chất hài. Nếu Nguyễn Công Hoan dùng tiếng cười để đả kích, châm biếm sâu cay những thói hư tật xấu của đủ hạng người trong xã hội thì tiếng cười trong văn Nam Cao tồn tại tự nhiên bên cạnh tiếng khóc và nước mắt. Vì vậy trong truyện ngắn Nam Cao có sự tương tác giữa các phẩm chất thẩm mĩ: bi – hài, cảm thương – hài. Trong bài viết, Vài suy ngẫm về tiếng cười trong sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám, tác giả Lê Nam Linh
cho rằng: “Không phải là nhà văn trào phúng, nhưng một trong những con đường đi vào hiện thực của Nam Cao là con đường hài hước... Dùng tiếng cười, lấy tiếng cười để phơi trần những gì mọi người chưa nhìn thấy, chưa nhận thấy là một kiểu viết văn kiệm lời, sắc sảo và tài tình của Nam Cao”[22]. Nói như nhà văn Kim Lân trong Hội thảo 40 năm ngày mất Nam Cao thì: “Nói đến Nam Cao mà không nói
đến chất hài thì không còn là Nam Cao”[45;7]. Nhất là trong xã hội thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng tháng Tám, không thiếu gì những cái xấu xa, giả dối, kệch cỡm, đáng khôi hài. Đọc truyện ngắn Nam Cao “dễ dàng bắt gặp chỗ này chỗ khác những dáng dấp, cung bậc khác nhau của cái hài”[27;104]. Tác giả Bùi Công Thuấn trong bài Phong cách truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng cho rằng:
“Chất hài có nhiều trong hình ảnh méo mó của nhân vật. Chất hài còn toát ra từ bản thân câu chuyện mà tác giả kể. Có những cái cười gượng, nói toạc những cái xấu ra để cười (Nhỏ nhen), có cái cười hết sức khôi hài, tuy Nam Cao tỏ ra rất trang nghiêm khi kể (Cái mặt không chơi được), có cái cười để lại bài học thú vị (Truyện
tình), có cái cười châm biếm sâu cay, có cái cười đểu (Điếu văn), cười tàn nhẫn
(Đón khách), có cái cười sảng khoái vỡ ra như khi đọc truyện tiếu lâm (Đôi mòng
giò) và có cả cái cười “chữa bệnh” nữa”[7;370]. Trong sáng tác của mình, ít nhất
một lần Nam Cao đã nêu lên tuyên ngôn về cái hài. Trong truyện ngắn Nụ cười nhà văn đã để Hoạt phát biểu: “Lặng lẽ mà đau đớn khi nỗi đau không tránh được, lấy nụ cười mà che đậy cái buồn riêng của mình để người chung quanh khỏi buồn lây... thì cũng là can đảm, mà là thứ can đảm ít người có được”. Có thể thấy, nhà văn Nam Cao đã ý thức rất rõ vai trò, ý nghĩa của tiếng cười trong cuộc sống, biết cười trước nỗi đau khổ của mình để vượt lên. Cái hài đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc mở ra một thế giới hiện thực độc đáo.
Ở Nam Cao, có tiếng cười hài hước hóm hỉnh thoải mái. Như truyện Con mèo, nhà văn kể câu chuyện hai vợ chồng nông dân nào đó giận nhau chiều tối, nửa đêm đã làm lành. Chỉ tại con mèo trèo lên mâm cơm chiều mà “họa hoằm mới có” mà hai vợ chồng cãi nhau. Anh tức nhưng “càng tức càng ăn khỏe” “không ăn lấy sức đâu mà tức được”. Hành động và cách suy nghĩ của anh thật hồn nhiên và ngộ nghĩnh làm sao. Hay trong truyện Rình trộm nhà văn kể câu chuyện nực cười của
anh Tẻ vác gậy đi rình trộm ở ngoài đường cái vì thằng trộm xẻo của anh ba buồng chuối tiên. Nhưng vì có uống chút rượu nên anh ngủ quên mất đến nỗi kẻ trộm đào ngạch chui vào buồng khuân hết đồ đạc mà không biết. Cảnh anh Tẻ “nghẹn lời”, “đỏ bừng mặt mũi. Mồ hôi trán toát ra” nhìn “lỗ ngạch to đến một con bò chui lọt” làm ta buồn cười. “Anh chui qua lỗ ngạch vào buồng”, “rồi anh lại chui ra”, “Mặt mũi mình mẩy lấm lem, anh lại đứng ngoẹo đầu nhìn. Rồi anh lại chui vào. Rồi anh lại chui ra. Rồi anh lại chui vào. Chị vợ đang điếng người đi cũng phải bật cười”[6;419]. Tiếng cười trong những trường hợp này có tính chất cảnh tỉnh nhưng hồn hậu, thoải mái. Giọng điệu hài hước cho ta cái cười nhẹ nhàng qua suy nghĩ của
nhân vật “hắn” về đứa con trong truyện Cười: “Quả như lời hắn đoán, thằng bé
khóc chán rồi lặng thật. Có lẽ bây giờ thì nó nhọc quá, đã ngủ say như chết...Thằng này khá lắm đấy! Nó mới sinh ra đã có cốt cách của một dân nhà báo: thích kêu gào lắm. Hắn nghĩ về đứa con như vậy. Bởi vì hắn vốn là một người vui tính. Hắn ưa hài hước.”[6;283]. Nhân vật “hắn” tìm ra một biện pháp ngộ nghĩnh để giải khuây trước cuộc sống đói nghèo và vợ chồng suốt ngày cãi cọ: đó là tiếng cười. Nụ cười chính là “Tiên dược... Chỉ cần nhếch môi một cái. Dễ dàng hết sức. Vậy thì tội gì mà không cười. Cứ cười đi, cười nhiều đi...”[6;283].
Cái hài có thể được khai thác từ sự vô lý, nhỏ nhen của con người. Người ta buồn cười vì căn bệnh kỳ quái của bà lão trong truyện Nhìn người ta sung sướng. Sự nhỏ nhen của bà lão khi ghen tị với sự sung sướng của con, của cháu làm ta bật cười. Có lẽ cuộc đời bà khổ quá “khổ từ trong trứng khổ ra” nên khi nhìn thấy cảnh đứa con gái ngoài bốn mươi tuổi rồi chiều chồng: “Nó mua rượu cho chồng uống, chồng uống rượu vào rồi vuốt má vợ. Chúng nó nhăn nhở cười với nhau y như là con trẻ”[6;365] bà thấy gai mắt không thể chấp nhận được. Cười đấy nhưng cũng xót xa, đồng cảm cho sự nhỏ nhen, tàn nhẫn đến vô lí của bà cụ. Ta còn cười vào sự nhỏ nhen của bốn anh tri thức:Tá, Giang, Du, Hồ trong truyện ngắn Nhỏ nhen. Họ
là những kẻ “đợi thời” nên nhàn hạ. Cả bốn đều “mặc chểnh mảng như những kẻ không quan tâm đến cái đời vật chất. Họ khinh cái số đông loài người”[6;64]. Họ còn là các chàng trai trẻ thích làm ngang. Cả ngày chủ nhật họ nằm ở nhà, đến thứ hai mới rủ nhau đi phè phỡn. Điều đó thật ngược đời nhưng với họ thì thích lắm. Mỗi người đều có thể kể câu chuyện khôi hài về sự nhỏ nhen nhưng trong lòng họ luôn có những toan tính nhỏ nhen. Họ luôn cười vào sự nhỏ nhen của người khác nhưng chính họ lại nhỏ nhen hơn. Vì nghèo họ chấp nhận ăn ở một quán ăn không lấy gì là sang trọng nhưng họ vẫn tự lừa dối mình. Họ lí luận với nhau một cách hài hước rằng: “Không phải chỉ những món ăn đắt tiền mới có thể ngon. Thật thế. Ngon hay không là tại miệng. Mà cái miệng người đói thì ăn cái gì cũng ngon. À, thế thì cần gì phải ăn sang. Này chỉ dăm ba hào chỉ, cùng lắm là đồng bạc, họ cũng có thể đãi nhau một bữa ăn ngon bằng một bữa đáng hàng chục bạc trong một hàng cơm
tây. Đã ăn, chỉ cốt ngon là được có cần gì sang”[6;64]. Và tiếng cười còn bật ra khi sau bữa ăn: “– Thượng đế ôi! Thượng đế ôi! Sao ngài sinh ra lắm kẻ nhỏ nhen đến thế? – Nhỏ nhen lắm, nhỏ nhen đến nỗi nói ra không ai tin là có. Nhưng có rành rành ra đấy, vẫn tự phụ là những kẻ khinh đồng tiền, thế mà có những lúc này...Tôi có thể đoán, mà không sợ là sai lắm, bây giờ đây, trong bụng anh nào chẳng hơi lo rằng mình sẽ phải bỏ tiền ra mà trả bữa ăn, và thầm mong cho người khác đứng lên trả trước. Để mình có thể hỏi vờ vịt: “Đã trả tiền rồi đấy à? Vội thế?... Ừ, thế thì trả đi!”[6;71,72]. Chúng ta cười vào sự nhỏ nhen của những tri thức tiểu tư sản. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy là dư vị xót xa, chua xót.
Có cái cười vào sự mê tín dị đoan. Nhân vật “hắn” trong truyện Xem bói nhịn ăn để lấy tiền đi xem bói. Mặc dù, hắn nhịn ăn từ tối hôm trước, sáng nay chỉ ăn một dánh khoai lang bằng ngón chân cái, thế mà khi nhìn thấy biển xem bói “hắn quyết nhịn đói để xem một quẻ” liệu đời hắn có mở mày mở mặt được không hay cứ long đong mãi thế. Hắn nghĩ đến “nỗi khổ của hắn từ ngày ốm một trận, nghỉ lâu quá mất việc để bây giờ thất nghiệp... Những đồ đạc bán đi... những ngày ăn cháo loãng cầm hơi”[6;160]. Hắn móc túi đặt một quẻ năm hào xem cả đời người. Hắn hỏi về hậu vận. Lão thầy bói quả quyết “đến năm bốn mươi mốt thì hắn giàu bạc vạn”. Hắn sung sướng quá! Hắn không thấy mệt, không thấy đói nữa. Mặt hắn “sáng ngời”, đôi mắt “long lanh”, chân “thoăn thoắt” trước tương lai tươi sáng. Nhưng bỗng, “hắn giật nảy mình, há hốc mồm ra, rồi hắn thấy mình vừa lăn từ trên một đỉnh núi xuống tung lên, vật xuống”[6;165]. Hắn bị ô tô cán chết. Cười đấy mà xót xa!
Ta còn bật cười trước những lí sự cùn của người nông dân. Đây là lí sự của một “thằng người” trong Trẻ con không được ăn thịt chó mà trước mắt lập loè hai sắc: “sắc vàng bóng” của một cái mông chó nhầy nhẫy mỡ và “sắc xanh nhạt” của một chai Văn Điển đầy ăm ắp trong khi vợ đói, con đói, túi không có tiền, thằng người vẫn nghĩ: “Việc gì mà do dự nữa? Thịt chó của mụ Tam để bán, chứ không phải để cho ôi thối. Còn hắn muốn ăn thì phải mua. Không có tiền thì mua chịu”[6;184]. Hay cách lí sự của tự Lãng trong tác phẩm Chí Phèo khi lão đã rất say: “Nhịn uống để làm gì? Có giàu có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là
“cụ lớn mả”!... Chỉ có cái mả, cái mả đất”[6;30]. Thật là hài hước trước lí sự của tự Lãng.
Tiếng cười mỉa mai, hài hước của Nam Cao thể hiện ở sự phủ nhận tính giả dối của văn học lãng mạn đương thời. Trong tác phẩm Một chuyện xuvơnia, khi chứng kiến cảnh Tơ bán đi vật kỉ niệm của mình để mua bánh đúc, tình yêu lãng mạn trong Hàn sụp đổ. Trước cảnh tượng ấy, Hàn nghĩ: “trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã”[6;396]. Ý nghĩ hài hước của Hàn chính là cách nhà văn phê phán cái nhìn thoát ly hiện thực của các nhà văn lãng mạn đương thời.
Cái hài của nhà văn Nam Cao còn được thể hiện khi miêu tả ngoại hình xấu xí, dị dạng của nhân vật: Thị Nở, mụ Lợi, Nhi, Trương Rự, lang Rận... ; ở sự xệch xạc, méo mó của nhân cách, tâm hồn: Chí Phèo, Trương Rự, Đức...Và một số nhân vật trong đề tài viết về người trí thức. Theo tác giả Lê Thị Đức Hạnh trong bài Chất hài
trong truyện ngắn Nam Cao thì: “Cách miêu tả một số nhân vật xấu xí đến trở nên
quái dị, bất thành nhân dạng, tuy có gây cười, nhưng tạo nên ấn tượng không được thú vị”[27;110]. Từ đó, giúp ta liên tưởng tới ý kiến của Gôgôn “Nghệ thuật chân chính không dạy người ta cười cái mũi bị vẹo mà dạy người ta cười một tâm hồn lệch lạc”?
Tự trào là một hình thức châm biếm, hài hước thú vị. Hà Minh Đức trong cuốn
Nam Cao – tác phẩm, tập 1 đã nhận định: “Nam Cao luôn tỉnh táo để có thể phân
biệt một cách mẫn cảm rõ rệt ranh giới giữa cái nghiêm túc và khôi hài, hay và dở, đúng và sai trong bản thân mình... ở tác phẩm nào cũng thấm sâu vị hài hước”[5;37]. Hầu hết các nhân vật trong sáng tác viết về người trí thức của Nam Cao ít nhiều mang bóng dáng của nhà văn. Nam Cao tự trào về cái bên ngoài của mình, một khuôn mặt lạnh lùng nhưng luôn ẩn kín ý nghĩ bên trong. Một khuôn mặt “lạnh như nước đá và ngượng nghịu và vô duyên, và lố bịch”[6;74]. Nhà văn đã dũng cảm phanh phui những toan tính tầm thường trong tư tưởng và đời sống của tầng lớp ông để bắt người ta “cười cái đáng ra phải khóc”(A. Muystse). Ta cười cái lí lẽ của Điền trong Nước mắt khi vợ nheo nhéo giục đi mua thuốc cho con trong
khi anh không có tiền: “nếu thuốc quả có công hiệu như người ta khoe khoang thì những người giàu là sống mãi thôi còn những người nghèo khổ sẽ chết hết không còn một mống”. Hay cái lập luận hài hước của Hài trong Quên điều độ khi viên y sĩ nói không thể chứng nhận anh còn khỏe và khuyên anh đừng dạy học: “Nếu tôi không dạy học thì chết ngay, bởi không ai có thể sống mà không ăn”. Trong Những
chuyện không muốn viết, tiếng cười hài hước của Nam Cao vừa mỉa mai xen lẫn với
buồn tủi, hờn dỗi với đời. Người trí thức nghèo trong tác phẩm có chút mộng văn chương và “cái mộng ấy cũng hơi... khỉ khỉ”. Lúc đầu, anh cũng muốn viết một số truyện, nhưng với cách kể hài hước ta hiểu đời viết văn cũng thật khó khăn và bạc bẽo. Đầu tiên, anh viết về người đàn ông đã có vợ nhưng bạn anh vơ chằng ngay lấy: “Ông hục hặc với tôi. Ông khuyên tôi chớ in. Đem in thì vỡ mặt”. Sau anh viết về con chó mực, chuyện vừa in ra thì bị một thằng say chửi cho một mẻ “vuốt mặt không kịp” vì hắn nghĩ, anh bảo hắn là con chó. Anh viết chuyện về thằng say thì những người tỉnh “kêu bù lu bù loa lên rằng: tôi mượn rượu để chửi cả làng nhà họ”. Và cuối cùng anh không dám viết cái gì nữa bởi viết chuyện gì cũng bị đụng chạm, kể cả chuyện buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn hay con lợn. Và Nam Cao cho rằng cái tôi của mình thật “bỉ ổi” “đổ đốn” vì vừa muốn phụng sự nghệ thuật vừa muốn có tiền nuôi vợ con. Tiếng cười ở đây bật ra rồi tắc lại bởi chua chát , bất lực.
Viết về đề tài người trí thức nghèo, giọng điệu của Nam Cao có khi mỉa mai, giễu cợt, có khi cay đắng, uất ức tủi nhục. Và nếu giọng điệu ấy tạo ra tiếng cười thì đó là tiếng cười đầy chua chát, cười ra nước mắt. Tiếng cười của nhà văn Nam Cao “không nhằm triệt tiêu đối tượng, không giết chết người trí thức tiểu tư sản mà giết chết cái phần nhỏ nhen, tầm thường trong con người anh ta. Đó là “tiếng cười nước đôi”(M.Bakhtin), vừa phủ định lại vừa tái sinh. Trong tiếng cười Nam Cao, thấy lẫn vào ít nhiều mặn chát, đắng cay của nước mắt, những giọt nước mắt của xấu hổ như là sự phản khích hướng vào nội tâm, cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi, tầm thường.”[44;262]. Trong cuốn Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, Trần
cười của văn hào Nga Tsêkhốp: “Tsêkhốp cười không to tiếng mấy khi, khi cười đôi mắt rất đẹp rất dịu hiền. Gorki bảo rằng chưa thấy người thứ hai nào mà lại có thể cười như thế, cười một cách “cũng đầy tuệ giác” như thế. Đấy là tiếng cười đúng như Bernard Shaw định nghĩa về khoa hoạt kê “u- mua”: là tất cả những cái gì làm bật lên được tiếng cười. Nhưng bên cạnh tiếng cười tạo nên do môn hoạt kê khá nhất, vẫn chen lẫn vào một giọt nước mắt nữa”[44;262,263]. Tiếng cười trong tác phẩm của Nam Cao không phải là tiếng cười sảng khoái hả hê mà là tiếng cười cay đắng, xót xa tủi nhục khi nhà văn phanh phui bản thân mình và mổ xẻ cái méo mó