Xung đột mục đích – kết quả

Một phần của tài liệu Hài hước nghịch dị trong truyện ngắn nam cao (Trang 46 - 49)

1.3.2 .Cái hài và cái cảm thương

2.3. Các kiểu xung đột – tình huống hài hước

2.3.1. Xung đột mục đích – kết quả

Ở truyện ngắn Nam Cao có cái hài hước xuất phát từ xung đột giữa mục đích và kết quả đạt được. Các nhân vật trong truyện đều vạch ra cho mình một mục đích nhưng kết quả thu được chỉ là một trận cười khoái trá có khi đau xót. Trong Mua

danh, anh Bịch vốn nghèo, làm nghề xúc dậm, lao động quần quật quanh năm vẫn

không đủ ăn. May mắn, năm ấy anh được một sào trầu tốt, trầu lại đắt nên anh cũng có ít tiền. Tin ấy đồn đi đến tai ông Cựu. Nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt của ông Cựu, anh dại dột vay mượn thêm tiền mua chức hương trưởng. Anh mừng rỡ ra mặt. Nhưng danh đâu chẳng thấy, chỉ thấy sự tủi nhục. Nhất là khi làng vào đám anh chỉ được cái chân đi dẹp lũ trẻ mà còn bị nhiếc là “Bịch đi xúc dậm”, bị mắng chửi, dọa cách chức. Trong khi đó, ông Cựu đúc túi bốn mươi đồng mà luôn miệng nói họ hàng, tình nghĩa. Tiếng cười bật ra bởi hoàn cảnh túng thiếu mà lại sa vào chuyện ham danh vọng hão. Hoặc trong Đón khách, nhà văn kể chuyện đón khách hụt của ông bà đồ và cô con gái. Khách ở đây là một anh chàng được gọi là “cậu phán” tên Sinh đang ngấp nghé con gái một ông Hàn. Mỗi lần vào nhà ông Hàn chơi thì Sinh phải đi qua quán nước nhà ông bà Cảnh và cô Na, rồi thành quen với gia đình. Chỉ vì những câu trêu đùa vô tình của Sinh mà ông bà đồ nghĩ Sinh thích con gái mình thật. Sinh lại hứa hẹn tết đến mừng tuổi khiến gia đình chuẩn bị một cái tết tốn kém – mua hẳn một bát họ để đón khách quý. Nhưng đùng một cái, Sinh lại đem bánh pháo dài đến nhà ông Hàn đốt làm cho bà đồ và cô con gái buồn tủi, thất vọng. Ông

đồ thì thở dài, nghẹn lại, mắt ầng ậng nước. Bao nhiêu sốt sắng, lo lắng của ông bà đồ chỉ đủ mua một trận cười.

Đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Nam Cao là ông xây dựng tài tình xung đột mục đích – kết quả nhưng lại đặt xung đột đó trong tình huống dị thường. Nhà văn có hẳn một truyện ngắn có tên Quái dị. Truyện mở ra một tình huống có phần ma

quái. Nhóm người đi gặt thuê cho một nhà bên làng Mai để kiếm miếng ăn với công xá khá hời. Đường vào làng Mai được nhà văn miêu tả trong một không gian có phần ghê rợn: đường “vắng ngắt” “lạnh lẽo, giờn giợn”, “văng vẳng tiếng khóc ti tỉ bay theo gió chiều”. Bóng một người con gái từ bụi tre đen ngòm đi ra làm đám thợ gặt bủn rủn. Cô thuê gặt với giá tám hào, nhưng khi vào ngôi nhà ngói rộng như cái đình vắng vẻ với một lá màn buông sẵn, một mùi gì là lạ đã mang lại cảm giác ghê rợn. Cơm rượu xong, đám thợ gặt mới vỡ lẽ cô thuê đóng quan tài và mai táng những người thân. Tình huống có phần bất ngờ không bật ra tiếng cười hài hước nhưng cái nghịch dị thì đã rõ. Sự việc diễn ra mang lại sự đột ngột cho người cảm nhận.

Nam Cao có giọng cười cợt, hả hê, cười sảng khoái nhằm vào đối tượng đáng bị chế giễu. Trong truyện Rửa hờn, nhà văn đã khai thác từ xung đột, mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện thực hiện để tạo ra tiếng cười. Lý Nhưng là một tên cường hào ác bá, ăn bẩn và ngu xuẩn, lố bịch. Hắn và khóa Mẫn kiện nhau chỉ vì cái trần ngôn ai đã làm mà lý Nhưng cứ đổi cho ông khóa Mẫn. Vụ kiện kéo dài, kết cục lý Nhưng thua một cách sâu cay. Hắn bị cách chức nên tức run lên “mắt ông nảy lửa”, “mép ông xùi bọt”, “người ông run lên vì tức giận”, “đôi mắt ông ầng ậng nước”. “Ông nghĩ đến một con dao”, “một cái búa đinh”, “một cái chai”, và “nghĩ đến cả một mâm rượu hắt vào mặt ông khóa Mẫn”, rồi ông hầm hầm bước. Ông đi ra ruộng, ông tới bãi tha ma “Ông nhìn trước nhìn sau. Không một bóng người...”. Ông thấy mộ bố ông khóa Mẫn. Rồi quả quyết, “ông vén một ống quần lên. Rồi rất sung sướng, rất hả hê, cũng hồi hộp nữa, ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng...Xong đâu đấy, ông mỉm cười đắc ý. Ông đi về.”[6;411,412]. Cách trả thù của

lý Nhưng là có một không hai. Đoạn văn được viết với giọng điệu thật hài hước và kết thúc bất ngờ đại hài hước khiến cho người đọc không kiềm chế được tiếng cười. Trước Cách mạng tháng Tám, “Không cảnh ngộ, nhân vật nào gây cười lại không làm cho chúng ta xót xa, đau đớn”[5;39]. Sau Cách mạng tháng Tám, chất hài hước nghịch dị chỉ được Nam Cao sử dụng một đôi lần, tiêu biểu trong truyện

Đôi mắt. Tác phẩm không được xếp vào hàng kiệt tác nhưng đã để lại cho thế hệ

bạn đọc những ý nghĩa lớn lao về nghệ thuật. Truyện xoay quanh tình huống gặp gỡ của hai nhà văn vốn là bạn viết của nhau: đó là Hoàng và Độ nhưng bây giờ đã khác xa về lối sống, chỗ đứng và cách nghĩ. Mục đích Độ đến thăm Hoàng để kêu gọi bạn tham gia kháng chiến nhưng trong buổi nói chuyện với vợ chồng Hoàng, Độ bỏ ngay ý định của mình. Nếu Hoàng chỉ nhìn thấy cái bề ngoài lố bịch, ngu dốt và đáng cười của người nông dân thì Độ biết vượt lên cái hình thức bên ngoài để nhìn thấy “cái nguyên cớ đẹp đẽ bên trong” của những người nông dân ấy. Trong mắt Độ, người nông dân đi theo kháng chiến tuy còn ít nhiều nét gây cười nhưng ở họ có sự vươn tới thật đáng yêu. Trong buổi tối tiếp chuyện Độ, hai vợ chồng Hoàng thi nhau kể chuyện người nhà quê. Trong mắt họ, hình ảnh người nông dân hiện lên thật méo mó. Đó chỉ là một đám đông “ngu dốt”, “vừa ngố vừa nhặng xị”, lại hay tò mò, thóc mách rình rập người xung quanh, như chuyện “anh chỉ giết một con gà, ngày mai cả làng này đã biết”, hay chuyện anh vừa đến đã có người nấp nom rồi. Thậm chí “các ông ủy ban với các bố tự vệ” đàn bà chửa cho là có lựu đạn giắt trong quần; và ngu đến mức đọc cái tên không phân biệt được đàn ông hay đàn bà, ít chữ mà lại hay nói chuyện chính trị “rối rít cả lên”. Hài hước nhất trong lời kể của Hoàng là tình huống anh thanh niên “nghiễu nghiện vác một bó tre”chỉ đường cho nhà văn khi đi ra chợ Huyện. Con đường đến chợ Huyện đối với anh thanh niên là thuộc làu giờ chỉ diễn đạt cho người khác hiểu mà làm không được. Anh càng cố diễn đạt càng rối như tung hỏa mù làm người nghe chẳng còn biết đường nào mà lần: “Ông cứ đi lối này, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cánh đồng, vào đường gạch làng Ngò, vòng ra đằng sau đình, rẽ về tay phải...”. Anh ta còn bày cách: đứng đợi ở đây, gặp ai gánh hàng đi chợ thì

đi theo. Đặc biệt, anh thanh niên phải vác bó tre nặng, lại đi xa đã chào nhà văn rồi mà còn dừng lại đọc một bài dài đến năm trang giấy về ba giai đoạn của cuộc kháng chiến như một con vẹt biết nói. Cái hài hước ở đây là anh thanh niên chỉ đường không nên còn đi tuyên truyền đường lối, là thằng mù chữ lại đi tuyên truyền cho một trí thức. Thật là ngược đời!. Trong đôi mắt của nhà văn Hoàng thời buổi kháng chiến là nguồn nhiên liệu lí tưởng để ra đời những tác phẩm trào phúng: “Nhưng thế nào chúng mình cũng phải viết một cái gì để ghi lại cái thời này. Nếu khéo làm thì còn có thể hay bằng mấy cái “số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Phụng nó còn sống đến lúc này phải biết”[32;69]. Hoàng thấy thời buổi đó nhố nhăng, vô nghĩa lí, như một tấn đại hài kịch và thời đại người nông dân bước lên võ đài chính trị cũng láo nháo đồi bại như xã hội Việt Nam trước cách mạng trong Số đỏ. Còn Độ, trong tác phẩm tỏ ra là người hiền hậu, rụt rè nhưng lại sắc sảo khi nhìn nhận về cuộc sống. Độ hiểu rằng, anh thanh niên đọc thuộc lòng “ba giai đoạn” của cuộc kháng chiến như một con vẹt biết nói cũng là người vác bó tre để chống quân thù. Độ cũng biết, người nông dân chân đất mắt toét, nhịn nhục, nhát sợ, gọi không đúng từ “lựu đạn”, hát “tiến quân ca” không ra hồn nhưng là người can đảm, hăng hái lắm. Trong lúc Hoàng sống một cuộc sống không ra sống thì Độ đã tìm ra chân lí của cuộc đời: Hãy đến với nhân dân. Độ hiểu, trước khi trở thành một nhà văn thì phải làm tròn bổn phận của người dân trước đã, nhất là trong hoàn cảnh cả nước đang gian lao kháng chiến.

Xung độ hài hước giữa mục đích và kết quả đạt được trong truyện ngắn Nam Cao mang một âm hưởng riêng độc đáo tạo nên sự hấp dẫn nơi người đọc.

Một phần của tài liệu Hài hước nghịch dị trong truyện ngắn nam cao (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)