3.1 .Nhân vật xấu xí, dị biệt về nhân dạng
3.2. Nhân vật méo mó, lệch lạc về nhân cách, tâm hồn
Trong hoàn cảnh, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, phát xít Nhật kéo vào Đông Dương gieo rắc bao thảm họa. Kinh tế khủng hoảng trầm trọng “Cả xã hội bị xáo trộn trong cơn điên đảo như con tàu tròng trành trước khi đắm”[5;9]. Trong hoàn cảnh ấy đã làm nảy sinh bao “kiểu người mới lạ”. Trong truyện ngắn Nam Cao, nhân vật hài hước nghịch dị ở nhiều phương diện: từ ngoại hình, ăn mặc đến suy nghĩ, lời nói, hành động. Nhà văn Nam Cao thường xây dựng kiểu hình tượng nhân vật đánh mất nhân cách để trở thành những con người khác bị tha hóa, méo mó, lệch lạc, những “con vật người”. Theo Vương Trí Nhàn thì “cái kỳ quái có được miêu tả thì cũng là một thứ kỳ quái còn nhiều dây dưa với những hình hài những kích thước con người hàng ngày”[7;456]. Nghĩa là, cái hài hước nghịch dị trong truyện ngắn của Nam Cao gắn với những mong muốn tầm thường của con người. Ngòi bút hiện thực của Nam Cao có lúc dùng tiếng cười hài hước để miêu tả tính cách, tâm hồn nhân vật. Tác giả có hẳn một truyện ngắn Cười miêu tả tâm lý
của một nhà văn không tên. Anh ta sống nhờ vợ. Dưới mái tranh nghèo, vợ chồng thường lục đục cãi lộn. Đói nghèo, bệnh tật tàn phá cuộc đời anh. Ý thức được sự sống vô dụng của mình, anh ta thường mượn tiếng cười để giải nỗi u uất của cuộc đời “Hắn thích tìm ra những ý nghĩ ngộ nghĩnh để cười một mình. Nhất là khi hắn vừa gặp việc gì cáu kỉnh”[6;273]. Mỗi khi thấy con “hơi một tí là nhè mồm ra khóc”, vợ thì “động thấy con khóc đã quát tháo. Rủa con và rủa luôn cả khiếp mình” thì hắn lại thấy mình “khổ hơn bị người ta chặt cổ”. Nhưng hắn lại nghĩ hơi đâu mà tức vì “trong thời buổi khó khăn này tức chỉ hại người”. Bởi thế, mỗi lần tức giận“hắn nhìn trăng mà cười” và tìm ra giải pháp khi nằm xuống giường tự thôi miên mình. Hắn tự bảo “Tôi khỏe lắm, tôi vui lắm. Tôi sung sướng lắm.Vợ tôi thật đáng yêu”. Sự hài hước nghịch dị ở nhân vật này là khi nghĩ đến người vợ nghiền cãi nhau thì anh lại cười khanh khách “Anh cười rũ rượi, cười ngặt nghẽo" bởi anh nghĩ “nếu không được cãi nhau thì đời thị sẽ buồn lắm.Vì vậy anh yêu thị cũng nên”[6;291]. Tiếng cười của anh là bi kịch tinh thần của kiếp sống "đời thừa" của đời trí thức tù túng không có hướng đi.Tiếng cười chứa đựng bao nước mắt, vừa là
tiếng cười của một tính cách vừa là tiếng cười của một lớp người đang hờn giận trước cuộc đời. Trước cuộc đời đầy uất hận anh phải mượn tiếng cười như một liều thuốc giải khuây. Nhân vật “hắn” trong truyện ngắn Cười hiện lên với một tính cách đầy hài hước nghịch dị.
Hộ trong Đời thừa cũng là một nhà văn vì miếng cơm manh áo mà làm cho
nhân cách méo mó, lệch lạc đi. Hộ vốn là nhà văn có hoài bão, lí tưởng văn chương chân chính và có nguyên tắc sống cao đẹp. Anh luôn coi tình thương là nguyên tắc sống của mình nhưng vì gánh nặng áo cơm đã khiến anh chà đạp lên tình thương ấy. Từ một người yêu vợ, yêu con, Hộ trở nên “cau có” và “gắt gỏng”. Hắn gắt gỏng với vợ, với con, với bất cứ ai, với chính mình. Nhiều khi không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, “Hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn”[6;256]. Và người nghệ sĩ ấy đã rơi vào cuộc sống buông thả bê tha và hận đời. Men rượu làm anh trở thành một con người khác với đôi mắt “gườm gườm”, đôi môi “mím chặt”“quắc mắt nhìn Từ” và “gõ gõ một ngón tay trỏ vào trán Từ” và dọa như dọa trẻ con: “Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi nhà này... Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ mày nữa... cũng đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn rồi ngồi ôm con như nhện ôn khư khư bọc trứng, không chịu làm thêm việc gì cho có tiền. Chỉ khổ thằng này thôi!”[6;257]. Giọng điệu giễu nhại của Hộ có phần hài hước phù hợp với sự lè nhè thường gặp ở người say. Tiếng chửi của Hộ có hai tầng nghĩa: vừa phản ánh sự tuyệt vọng của một người muốn sống theo nguyên tắc tình thương mà không được; vừa đặt ra một vấn đề cần suy nghĩ: muốn viết cho nhân đạo phải sống cho nhân đạo đã. Ở nhà văn chân chính, cây bút đi liền với nhân cách, không thể nhân danh cây bút để vứt bỏ nhân cách. Nhưng Nam Cao không để cho nhân vật của mình rơi xuống vũng bùn của cái ác mà luôn đứng vững trên lẽ sống làm người mà chuẩn mực của nó là tình thương. Cảnh Hộ ngắm nhìn Từ trong lúc ngủ trên võng là một trang văn đầy xúc động. Đó là một cuộc sàng lọc tâm hồn để trở về cái “tính bản thiện” của con người. “Chao ôi, Từ nằm thật đáng thương...”, anh hối hận và
“nước mắt giàn giụa”, anh ôm chặt bàn tay nhỏ bé của Từ vào ngực và khóc. Đó là giọt nước mắt của sự xám hối nhận tội và anh đã nói ra được cái lỗi lầm đau xót của mình “Anh... Anh... chỉ là...một thằng ... khốn nạn!”. Song chính Từ lại là người nâng đỡ anh, an ủi anh để anh còn có thể tự tin đủ sức trở lại với chính mình. Đó chính là giá trị nhân văn sâu sắc, độc đáo, mới mẻ của tác phẩm.
Viết về người nông dân, Nam Cao bị ám ảnh bởi tính méo mó lệch lạc về nhân cách tâm hồn. Ngòi bút Nam Cao đặc biệt sắc sảo khi miêu tả những con người từ hình thù đến hành động có một cái gì cỏ cây cầm thú. Có những con người méo mó nhân cách bởi miếng ăn và cái đói, có thể do định kiến xã hội làm cho nhân cách con người xệch xạc đi. Trong truyện Đòn chồng, chỉ vì không đủ tiền, chị vợ Lúng đã ăn quỵt cái bánh dầy ngoài chợ. Hành động vợ Lúng nhặt lên một tấm bánh đưa lên miệng “ngoạm một miếng hết già nửa tấm. Còn non nửa tấm nữa, y ném tọt vào miệng nốt” đã làm cho ta bật cười. Nhưng câu chuyện phát triển khi người bán bánh nhảy ra bóp cổ chị ta cho cái bánh văng ra để vạch mặt cái tội mua một ăn hai của chị trước mọi người. Đỉnh điểm câu chuyện là trận đòn nên thân của anh chồng để trị cái tội hay “ăn vụng, ăn trộm, ăn cắp, ăn nhặt” của chị ta. Mặc dù bị chồng đánh nhưng chị ta vẫn ngấu nghiến vét sạch nồi cháo trai. Cái đói ăn đã khiến con người mất dần nhân cách. Hay bà cái đĩ trong Một bữa no đang đi dần tới cái chết vì đói thì lại bị đưa đẩy tới cái chết vì no. Câu chuyện bi hài lẫn lộn, đằng sau tiếng cười là giọt nước mắt đau thương.
Nhà văn Nam Cao luôn nhìn vào chiều sâu bản chất vấn đề. Nhiều khi hoàn cảnh sống cũng tác động sâu sắc đến nhân cách con người. Nói cách khác, hoàn cảnh góp phần xô đẩy con người đến bước đường của sự méo mó, khiếm khuyết về tâm hồn, tính cách. Nhân vật anh cu Lộ trong Tư cách mõ là minh chứng tiêu biểu. Anh cu Lộ vốn là một người hiền lành, không rượu chè, cờ bạc, anh chưa từng ăn cắp, ăn trộm của ai, lúc nào cũng chăm chỉ làm ăn nuôi vợ nuôi con. Bởi vậy “kẻ trên, người dưới, hàng xóm láng giềng ai cũng mến”. Nhưng anh đã thay đổi hoàn toàn khi ra làm mõ. Chỉ trong một thời gian ngắn, cu Lộ đã trở thành một thằng mõ thực thụ với tính tham lam, đê tiện. Hễ thấy nhà nào có cỗ bàn, hắn đều mò đến
ngay. Người ta phải bê riêng cho hắn một mâm. Hắn “trơ tráo” ngồi ăn, còn thừa bao nhiêu gói lại đem về cho vợ con. Có khi hắn còn “lấy cắp hoặc xin thêm” một đùm nữa. Sự nghịch dị, méo mó về nhân cách còn được thể hiện qua hành động của hắn. Trước tết, cu Lộ ba toong đi trước, vợ đội thúng theo sau đến từng nhà xin gạo. Tết đến, chỉ một bao chè và năm quả cau, bố con hắn đến từng nhà xin cỗ ăn và kiếm phong bao. Ra tết, hai vợ chồng một lần nữa xin bánh chưng thừa”[5;244]. Nam Cao đã chỉ ra rằng “lòng khinh trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến nhân cách của người khác nhiều lắm”. Cũng bởi từ ngày ra làm mõ thì cách ứng xử của mọi người đối với anh cũng khác: bạn bè lảng dần, người ít tuổi hơn thì gọi anh bằng thằng, người khinh khỉnh không thèm bắt chuyện, kẻ nói xấu. Lúc đầu, Lộ tấm tức với người đời, xấu hổ với vợ và hắn muốn bỏ việc, trả lại vườn nhưng lại thấy tiếc. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ “mặc chúng nó”. Cái tặc lưỡi đã thú nhận sự đầu hàng và đánh dấu sự nhận thức, lựa chọn của nhân vật. Mỗi lần bị nói xấu, hắn lập tức hắn bê cỗ ra sân, đặt lên phản, “ung dung” ngồi, nhai “nhồm nhoàm” và vênh vênh nhìn người ta ra vẻ bất cần. Tiếng cười bật ra trước những hành động nghịch dị của nhân vật . Từ đó, nhân cách anh cu Lộ trở nên méo mó, lệch lạc.
Có khi những định kiến xã hội và nguồn gốc xuất thân cũng vùi dập nhân cách con người làm con người khiếm khuyết, xộc xệch: Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò), Đức (Nửa đêm), tiêu biểu là Chí Phèo (Chí Phèo). Trạch Văn Đoành trong truyện ngắn Đôi móng giò có những hành động phản ứng lại những vị chức sắc
trong làng cũng chỉ vì hắn bị họ khinh thường vì nguồn gốc xuất thân thấp kém. Những người cho rằng mình có nguồn gốc đàng hoàng không thể chấp nhận cái “thằng bạch đinh, con một ông lão đi câu chết mất xác dưới sông, bỏ làng đi chán đi chê, rồi đột nhiên trở về nhảy tót lên bao lan ngồi làm một kì mục”[6;224]. Từ đó, Trạch Văn Đoành sống không nể ai, không danh dự, không lòng tự trọng. Trong
Nửa đêm, Nam Cao tập trung miêu tả tính méo mó, xệch xạc về nhân cách tâm hồn
của Đức. Ngay từ khi sinh ra Đức đã mồ côi cha mẹ. Được sự yêu thương, chăm sóc của bà Quản Thích, Đức là một đức trẻ “hiền lành như những con nhà thiếu ăn”. Vừa mới sinh ra, Đức đã mang một nỗi nhục lớn bị cả làng khinh bỉ: con của
Trương Rự, một con thú đội lốt người. Bị bọn trẻ con trong xóm trêu nghẹo, Đức chỉ biết lẳng lặng quay về ôm bà mà khóc. Lớn lên, Đức lặng lẽ, ngờ nghệch nhưng hiền lành, chăm chỉ “ham việc hơn ham sống”, cứ “hì hục từ sáng đến chiều như con trâu”. Ở tuổi mười tám, Đức bị “đàn bà chạm đến”. Đó là Nhi – một con nhà nghèo, làm con nuôi một nhà giàu vẫn thuê Đức làm. Tình cảm của Nhi đã đánh thức ở Đức những cảm xúc rất người, những cảm xúc tưởng như tê liệt trong hắn. Nhưng tình cảm đó chỉ lướt qua trong cuộc đời Đức. Nhi bỏ đi, khi ông cửu Hòa không đồng ý cho Nhi lấy Đức. Và Đức cũng uất ức bỏ vào Sài Gòn, nơi mà “bọn cố cùng đem máu của mình ra để mà sống”. Những định kiến xã hội và môi trường sống mới đã giết chết phần tốt đẹp trong con người Đức. Từ một người hiền lành, nhút nhát Đức đột ngột trở về với “một con vợ và một cái hòm thật to” thì không ai nhận ra hắn nữa. Từ ngoại hình đến tính cách của Đức đều khiếm khuyết, dị mọ. Mắt hắn “sâu hoắm xuống trông dữ dội”, má “hõm” làm lưỡng quyền nổi bật lên, mấy chiếc răng vàng “nhe ra tỏ ra bây giờ hắn cũng là tay du”. Khi tức giận, Đức trông dữ, khi hắn cười “tiếng cười sằng sặc, nức nở như tiếng khóc, tiếng cười của một kẻ vừa hóa điên”[5;139]. Đức đã trở thành một tên du côn, một thằng ăn cướp thật sự. Hắn cũng táo tợn, gan góc “trông thấy người chết cũng như một con mèo chết”. Vợ hắn cũng chẳng tốt đẹp và nhân hậu gì. Hạnh phúc của hai vợ chồng Đức chẳng được bao lâu. Chỉ vài hôm chúng đã đánh đập, chửi bới nhau như thường. Cứ như thế “chúng ngấu nghiến nhau suốt ngày ấy sang ngày khác. Cuộc đời chẳng khác gì cuộc đời trong địa ngục...”. Và khi vợ hắn bỏ đi, hắn trở thành kẻ lang thang, ngớ ngẩn, áo quần thì xộc xệch, đầu tóc thì rũ rượi, hành động như thằng điên: “giơ tay lên múa may, kêu choe chóe bắt chước giọng đàn bà: – Cho nó chết! Cho nó chết! Aha! Thật là tan nát!”[5;143]. Từ đó, Đức sống điên dại trong một xã hội đầy định kiến, thiếu vắng tình người.
Tiêu biểu cho những định kiến xã hội đã làm nhân cách con người trở nên méo mó, lệch lạc đi là truyện ngắn Chí Phèo – một kiệt tác của Nam Cao và của nền văn xuôi trước Cách mạng. Chí Phèo là “hiện tượng đột xuất” đã kết tinh những thành công của nhà văn viết về đề tài người nông dân. Trong đó, Chí Phèo là một nhân vật
điển hình độc đáo. Với nhân vật này, tác giả đã đề cập đến một vấn đề thẩm sâu và xót xa của con người qua một kiếp người. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao xuất hiện khi trong thôn xóm làng quê Vũ Đại đã xuất hiện những loại người như thế. Như những kẻ ăn mất phần con trong Trẻ con không được ăn thịt chó, có kẻ tham ăn lầy là như anh cu Lộ trong Tư cách mõ, hay những kẻ cờ bạc rượu chè như anh cu Thiêm trong Thôi, đi về, Thai trong Làm tổ. Và Chí Phèo là cái cột mốc cuối
cùng đi tới những số phận đó. Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện. Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, Chí được lớn lên trong cái nôi lương thiện của những người lao động nghèo: anh đi thả ống lươn, bà góa mù, bác phó cối. Môi trường này đã làm nảy sinh những phẩm chất tốt đẹp ở Chí. Năm hai mươi tuổi Chí làm canh điền cho Lí Kiến – một tên địa chủ cường hào khét tiếng độc ác gian hùng. Tuy bị đè nén bóc lột thậm tệ nhưng đã có một thời Chí Phèo là người nông dân lương thiện: hắn hiền như đất, giàu lòng tự trọng. Chí đã từng có mơ ước bình dị về một cuộc sống gia đình hạnh phúc “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải...”. Chỉ vì cơn ghen vu vơ, Bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Nhà tù thực dân tàn độc tiếp tay với bọn địa chủ cường hào thâm hiểm, tàn ác đã giết chết phần người trong Chí, biến Chí từ người nông dân hiền lành lương thiện thành tên lưu manh. Chí đi tù không biết bao nhiêu năm, chỉ biết bảy, tám năm sau trở về làng hắn đã mang một hình hài quái dị: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”[6;12]. Chân dung của Chí Phèo đích thực là chân dung của một thằng du côn, một thằng lưu manh. Nhà tù thực dân đã tạo ra ở hắn sự liều lĩnh, gan lì mà còn khiến hắn đánh mất vẻ bề ngoài của một thằng vốn “lành như đất”. Trở về làng, Bá Kiến tiếp tục đẩy Chí từ tên lưu manh trở thành “con vật lạ”. Cái thâm hiểm của Bá Kiến là ở chỗ không chỉ giết chết cái lương thiện ở Chí mà còn làm sống dậy một cái ác, biến Chí thành kẻ đâm thuê chém mướn. Từ đây đời Chí gắn với tiếng chửi, cơn say vào hành động bản năng thô bạo. Tiếng chửi của Chí rất lạ: vừa đi vừa chửi” vừa nguyền rủa. Hắn