6. Cấu trúc của luận văn
3.2. Thơ như một diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian
Diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian là một phần của diễn ngôn quần chúng đã nói đến trong chương I.
Trào tiếu là một thuật ngữ được M.Bakhtin đề xuất trong các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là công trình Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng. M.Bakhtin không đưa ra một định nghĩa chính xác về từ này trong công trình trên. Nội hàm của nó có thể được xác định thông qua nguồn gốc ngữ nghĩa của từ này. Trào tiếu là cách chuyển ngữ của từ “Smekhovoj” trong tiếng Nga. Từ này được cấu tạo trực tiếp từ từ “Smekh” với nghĩa là tiếng cười. Như vậy, ý nghĩa của trào tiếu thuộc vào phạm trù tiếng cười, phạm trù hội hè.
Trong thơ Bút Tre các thủ pháp gây cười, ngôn ngữ gây cười được quyết định bởi chiến lược giao tiếp và cùng với chiến lược giao tiếp nó chịu sự chi phối của diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian. Trong thơ Bút Tre có ba loại thủ pháp gây cười khác nhau ở cách thức tạo tiếng cười là: gây cười qua suy ý, gây cười qua sự phá vỡ chuẩn mực và gây cười qua việc dùng từ mang đến tiếng cười trong hội hè dân gian-hay ngôn ngữ trào tiếu, ngôn ngữ hội hè.
3.2.1. Chủ đề
Như phần trước chúng tôi đã trình bày, thơ Bút Tre có hai đề tài lớn là con người và quê hương. Từ hai đề tài ấy, nhà thơ triển khai hai chủ đề lớn là lãnh tụ, lãnh đạo, quần chúng nhân và khung cảnh quê hương mới. Với việc sử dụng các thủ pháp gây cười, ngôn ngữ gây cười (ngôn ngữ kí hiệu), ngôn ngữ hội hè (ngôn ngữ thế giới quan) trong việc thể hiện các chủ đề này khiến chúng trở thành chủ đề của diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian.
Diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian tác động lên Bút Tre từ đó ông sáng tạo trong cả ý thức và vô thức nên có những trường hợp Bút Tre gây cười có chủ ý nhưng đôi khi xuất hiện những trường hợp gây cười nằm ngoài chủ ý của nhà thơ. Những khi tiếng cười được tạo ra một cách ngoài chủ ý thì mạch nguồn của nó là cảm quan trào tiếu dân gian chảy rất mạnh trong Bút Tre.
Trong phần này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các chủ đề được tạo sinh bởi diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian trong thơ Bút Tre cùng với đó là thủ pháp gây cười qua suy ý và bằng ngôn ngữ gây cười.
Ở chủ đề lãnh đạo, thủ pháp và ngôn ngữ gây cười thể hiện rõ nhất trong hai câu thơ nổi tiếng của Bút Tre:
“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”
Câu thơ tạo ra tiếng cười nhờ việc sử dụng ngôn ngữ bình dân, cách diễn đạt bình dị và có khả năng gây cười. “Giáp ta” là cách nói với cấu trúc quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hàng ngày khi nói đến một người gần gũi, thân mật, không khoảng cách. Trong cuộc sống hàng ngày cách nói với cấu trúc ấy thường mang đến một sự thú vị nào đó hoặc nhiều hơn là tiếng cười. Bởi vậy có thể nhận định câu thơ bắt nguồn cảm quan trào tiếu dân gian mãnh liệt trong Bút Tre. Nói cách khác là câu thơ ra đời trong vô thức trào tiếu dân gian.
Hai câu thơ trên cũng có thể được nhìn nhận theo một cách khác. Dưới sự ảnh hưởng của diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian, Bút Tre xây dựng những nhân vật thuộc về không gian trào tiếu cũng tức là không gian của hội hè dân gian. Nhân vật trong không gian hội hè không xuất hiện như chính họ thông thường. Họ được hóa trang để trở thành một con người trong lễ hội. Nếu như Rabelais hóa trang nhân vật bằng cách thay đổi trang phục và cải
dạng thì Bút Tre hóa trang bằng cách mang đến cho nhân vật một vị thế khác nhờ sự thay đổi góc nhìn về con người. Ở những góc nhìn khác nhau ta sẽ có những có người khác nhau. Chúng ta vẫn quen với một Đại tướng uy nghiêm, vị thế. Nhưng Bút Tre đã xây dựng trong thơ một đại tướng được nhìn từ góc nhìn hội hè dân gian:
“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”
Trong ranh giới ngữ nghĩa của từng câu lục bát, cách gọi “Giáp ta” thuộc về một con người khác sống giữa mọi người và không có ranh giới của tôn ti trật tự. Với sự hóa trang thành con người khác ấy, trong thơ Bút Tre đại tướng như một người tham gia vào lễ hội dân gian. Độc giả chỉ có thể nhận ra sự hóa trang của nhà thơ khi cùng chung ngữ cảnh với nhà thơ. Tức là cả nhà thơ và độc giả đều biết về đại tướng ở ngoài đời thực để từ đó nhận ra sự khác biệt của đại tướng trong thơ nghĩa là nhận ra sự hóa trang. Nhà thơ hóa trang cho nhân vật bởi trong thế giới hội hè ai cũng cần hóa trang.
Bên cạnh chủ đề lãnh đạo, Bút Tre còn viết về quần chúng nhân dân trong lao động sản xuất. Viết về họ, Bút Tre dùng ngôn từ bình dân nhưng có những cách diễn đạt gây cười:
“Cầy bừa ngả rạ gần xa Thóc chưa vào bịch mạ ra đồng rồi
Phân chưa đủ ăn ngồi chưa ổn Bón mạ xanh, bón đòng sao?”
Câu “phân chưa đủ ăn ngồi chưa ổn” dễ bị tách khỏi ngữ cảnh của nó-vốn giúp nó được hiểu là phân chưa đủ cho lúa ăn thì người ngồi chưa ổn-bởi từ “ăn” được dùng để chỉ hoạt động của con người mang đến nhiều sức gợi. Xét về ngôn từ, “phân” có thể coi là một từ tục và hầu như không xuất hiện trong thơ ca. Như vậy, cả về từ ngữ và cách diễn đạt đều có khả năng gây cười, đều
bắt nguồn từ văn hóa trào tiếu dân gian.
Ở chủ đề về khung cảnh quê hương, Bút Tre cũng có những từ ngữ và cách diễn đạt gây cười:
“Con đường chè! Con đường chè Đường son, đất đỏ, chạy trong tre Đồi nương bát úp ngồi lổm nhổm
Bụi đỏ mù bay, dãi nắng hè”
Đường son, đất đỏ là những con đường, mặt đất có thể gặp ở bất cứ đâu nhưng con đường “chạy trong tre” thì có lẽ chỉ có trong thơ Bút Tre. Bên cạnh đó, đồi nương ngồi “lổm nhổm” cũng là một sự bất thường bởi người ta thường không cảm nhận như vậy. Chính sự bất thường được tạo ra bởi cách sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt của Bút Tre dưới sự chi phối của diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian đã mang đến tiếng cười.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định, diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian quyết định ngôn ngữ, cách diễn đạt của chủ thể diễn ngôn đồng thời quyết định nhân vật và cách thức xây dựng nhân vật, sự vật. Bút Tre đã sử dụng ngôn ngữ kí hiệu mang tính trào tiếu và cách diễn đạt gây cười qua suy ý để xây dựng các nhân vật, sự vật thể hiện chủ đề.
3.2.2. Ngôn ngữ
Diễn ngôn văn hóa dân gian vùng đất Tổ trở thành bộ khung tạo sinh ra các văn bản thơ Bút Tre. Dưới áp lực của nó, ngôn ngữ kiến tạo nên một bức tranh văn hóa dân gian với trung tâm là không gian trào tiếu, hội hè trong thơ Bút Tre. Bức tranh này được kiến tạo thông qua ngôn ngữ trào tiếu. Đây là những ngôn ngữ được sử dụng trong hội hè như hoan hô, reo, vẫy, nhảy…
Bút Tre nhìn nhận đời sống bằng con mắt của hội hè. Ngay cả những sự kiện lớn của dân tộc như chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được nhìn bằng con mắt của hội hè.
“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Cờ hoa sáng rực trời quê: Nhà nhà phấn khởi hả hê nhà nhà
Trăm năm tủi nhục đã qua Gông xiềng nô lệ nghĩ mà thêm đau”
Những hoan hô, cờ hoa sáng rực đã tạo nên một không khí lễ hội, lễ hội của chiến thắng. “Cờ hoa” gợi ra một không gian rộng lớn, không gian quảng trường, không gian kì đài nơi diễn ra những hội hè. Không gian quảng trường kì đài còn được gợi ra như hành động “giơ tay chào”:
“Bé em mắt trong như suối Giơ tay chào vẫy đò xuôi”
Đương nhiên, hành động giơ tay chào ấy cũng có thể thuộc về ngôn ngữ nhà binh kiến tạo nên không gian chiến trận, không gian quảng trường diễu binh. Không gian quảng trường vừa là không gian của hoạt động quân sự vừa là không gian của lễ hội. Như vậy, ngôn ngữ thế giới quan cho thấy sự thống nhất đan xen của hai không gian (không gian chiến trường được kiến tạo bởi ngôn ngữ nhà binh và không gian hội hè được kiến tạo bởi ngôn ngữ hội hè) thuộc về hai diễn ngôn khác nhau.
Không gian rộng lớn (không gian hội hè, không gian quảng trường) còn được kiến tạo từ những ngôn từ miêu tả những hoạt động diễn ra trong lễ hội. Đón rước gợi ra các lễ hội dân gian đồng thời gợi ra không gian và thời gian diễn ra nó bởi không một hoạt động đón rước nào kéo dài mãi mà luôn có giới hạn. Khi Bác đến, nhân dân mừng vui đón rước:
“Sáng nay lồng lộng giảng đường Cháu con mừng rước ánh dương Bác Hồ”
“Anh đi dân những rước mời Xem nhà ngói mới xem đồi tre xanh”
Khi lại đón chào gió biển bằng một tâm hồn lễ hội:
“Lá dừa ơi lá dừa ơi Gió ve vuốt ngón tay đời so le Nghiêng mình dừa mát bóng che Rước chào gió biển nhạc nghe rì rào”
Không gian lễ hội là nơi diễn ra các hoạt động mang tính trào tiếu như “reo”, “múa”. Sự rung động của cây cối, gió lay lá cành cũng được Bút Tre miêu tả bằng ngôn ngữ hội hè:
“Bấm tay nhớ lại năm nao Bác về Phú Thọ thăm đền Gập gềnh dạo gót bước lên
Thông reo, trúc múa bốn bên vẫy vùng”
Không chỉ cây reo, người reo mà “đất nước” cũng reo:
“Thông reo đầu núi vi vu
Tiếng reo đất nước ngàn xưa vẫn còn”
Trong không gian của hội hè đó, con người xuất hiện như người tham dự. Niềm vui của người dự hội được thể hiện qua những hành động như “nhảy”, “vẫy”:
“Hoan hô thủ tướng Phạm Văn Đồng Bàn tay người vẫy muôn vàn mắt theo
Bên đường người nhảy cây reo Đồng quê gặp bạn núi đèo gặp ai”
Con người với hành động nhảy vui như trong hội không chỉ xuất hiện một lần mà xuất hiện nhiều lần trong thơ Bút Tre. Có thể kể thêm ở một bài khác:
Tin vui văng vẳng tiếng loa
Bên đèn ấm tiếng nhạc hòa truyền thanh Chân đi như nhảy như bay
Mỗi ngày Phú Thọ đổi thay trăm lần”
Hội hè là nơi gặp gỡ. Bởi vậy, với nhãn quan hội hè mọi sự tiếp xúc đều được nhìn nhận như một cuộc gặp gỡ. Trong bài thơ trên, “đồng quê gặp bạn” và
“núi đèo gặp ai” là sự tiếp xúc của con người với con người. Ở một bài thơ khác, “Bấy lâu gan dạ bồn chồn/ Nay mừng anh gặp sáng…con người” là sự tiếp xúc của con người với con người.
Trong không gian hội hè, tất cả thoát khỏi sự ràng buộc, dẫn đến sự tùy tiện mang tính trào tiếu.
“Đồi nương bát úp ngồi lổm nhổm Bụi đỏ mù bay, dãi nắng hè…”
Đồi nương, bát úp lổm nhổm như một sự tùy ý, không khuôn khổ, tạo ra một không gian lễ hội nơi mọi khuôn khổ, ranh giới bị phá vỡ.
Ngôn ngữ hội hè kiến tạo nên bức tranh thế giới như một lễ hội. Không gian của lễ hội là không gian của quảng trường với những con người hân hoan nhảy múa, nói cười… Đó là không gian của sự trào tiếu dân gian. Kiến tạo không gian hội hè bằng một ngôn ngữ hội hè, thơ Bút Tre là sản phẩm tạo sinh của diễn ngôn văn hóa dân gian.
Cùng với việc sử dụng ngôn ngữ hội hè, Bút Tre còn sử dụng những những cách diễn đạt thuộc về không gian hội hè để tạo tiếng cười trào tiếu. Mà những hoạt động trong không gian này mang đặc điểm chung là sự suồng sã, không khuôn khổ nên những cách diễn đạt trong không gian gian ấy cũng mang đặc điểm suồng sã, không khuôn khổ. Bên cạnh cách diễn đạt suồng sã, thì cách diễn đạt thuộc về không gian hội hè còn là sử dụng những từ ngữ mang đến tiếng cười trong không gian này-tức là dùng ngôn ngữ kí hiệu.
Bút Tre sử dụng nhiều cách diễn đạt thuộc về không gian trào tiếu để tạo tiếng cười trào tiếu. Theo Ngô Quang Nam Bút Tre có một số “lối thơ”
[44; 32-39] như:
- Lối vắt dòng gẫy câu. - Lối viết tắt hay lối chặt từ.
- Lối để lửng từ hay bỏ trống vị trí của từ. - Lối hoan hô.
- Lối tiếp từ.
- Lối lục bát đột ngột chêm thất ngôn. - Lối cưỡng ép thanh vận.
Theo chúng tôi đây là những cách diễn đạt chịu sự chi phối của diễn ngôn văn hóa trào tiếu dân gian. Hầu hết các cách viết này (cách hoan hô là một ngoại lệ) đều phá bỏ đi những khuôn khổ đã có từ trước tạo nên sự suồng sã. Chúng tôi sẽ lần lượt nói về sự phá vỡ khuôn khổ của các cách diễn đạt kể trên.
Thứ nhất, cách vắt dòng gẫy câu, khước từ ranh giới ngữ nghĩa của mỗi câu thơ như một chuẩn mực thông thường. Câu thơ “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về” là một ví dụ điển hình cho điều này. Ranh giới ngữ nghĩa của câu sáu tiếng nằm trong câu tám tiếng.
Thứ hai, cách viết tắt mà thực chất là “chặt từ” như cách nói của Ngô Quang Nam. Đó là sự phá vỡ cấu trúc ổn định của một từ nhiều tiếng. Tác giả chỉ sử dụng trong thơ một tiếng của từ đó. Chẳng hạn, Bút Tre viết:
“Cuối cùng xin nhắc một câu Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta”
Chữ “đầu” được chiết ra từ “hàng đầu”. Câu thơ có thể được viết đầy đủ là “Văn hóa cơ sở là hàng đầu chúng ta”. Tác giả đã sử dụng đảo ngữ để nhấn mạnh công tác văn hóa bằng cách đưa” văn hóa cơ sở” lên đầu câu. Do đó, câu thơ có thể được viết lại như sau “Chúng ta là hàng đầu văn hóa cơ sở”.
Cách chặt từ không phải là sự sáng tạo mới của Bút Tre mà là sự kế thừa cách chơi chữ “chiết tự” trong dân gian22. Chơi chữ kiểu “chiết tự” là tách các tiếng cấu thành từ. “Chiết tự là tách các yếu tố cấu tạo thành chữ trong chữ quốc ngữ hoặc chữ Hán. Chiết tự được vận dụng trong câu đố, câu đối, câu thơ”
[22; 200]. Chẳng hạn từ “đế vương” được tách thành “đế” và “vương” trong thơ của Cao Bá Quát:
“Một chiếc cùm lim chân có đế Ba vòng xích sắt bước thì vương”23
Kiểu chiết tự này có thể thấy trong thơ Bút Tre ở câu thơ: “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”. Dù không phải là người sáng tạo mới nhưng với việc sử dụng “chiết tự” thì Bút Tre đã mang đến tiếng cười từ sự phá vỡ khuôn khổ của “tự”.
Thứ ba, cách bỏ trống tiếng ở vị trí gieo vần của câu tám tiếng của thể lục bát. Thể lục bát có quy định cụ thể về số tiếng, thanh, vần của từng câu sáu tiếng, tám tiếng. Việc bỏ trống vị trí của một tiếng trong câu tám tiếng khiến thực tế câu thơ chỉ còn bảy tiếng. Điều đó có nghĩa là phá bỏ khuôn mẫu của thể lục bát vốn đã ổn định từ trước. Theo cách này, Bút Tre viết
“Bây lâu gan dạ bồn chồn Gặp anh nay được sáng…con người”
Thứ tư, cách tiếp từ. Giống như cách để trống vị trí của tiếng gieo vần, hiệp thanh trong câu tám tiếng của cặp lục bát, cách này cũng tạo ra sự phá vỡ mô hình ổn định của thể thơ lục bát. Tiếp từ là cách thêm tiếng vào câu tám