Vấn đề “người kể chuyện” trong văn học

Một phần của tài liệu Trần thuật phi hư cấu trong lời nguyện cầu từ chernobyl của svetlana alexievich (Trang 25 - 27)

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Vấn đề “người kể chuyện” trong văn học

2.1.1. Khái niệm “người kể chuyện”

Người kể chuyện là một trong những phạm trù cơ bản của trần thuật học. Ở bất cứ tác phẩm truyện kể nào, hình tượng người kể chuyện cũng tồn tại và giữ chức năng điều khiển các tình huống, dẫn dắt câu chuyện. Đây là hình tượng hư cấu của nhà văn để tổ chức văn bản và xuất hiện cùng bậc giao tiếp với người nghe chuyện. Trong xu hướng đổi mới truyện kể, người ta đề xuất nhiều ý tưởng táo bạo như thủ tiêu nhân vật, xóa bỏ cốt truyện…, song dù đổi mới như thế nào đi chăng nữa thì một câu chuyện khi được kể ra sẽ không thể nào thiếu được hình tượng người kể chuyện, nói cách khác, chừng nào loại hình tự sự còn tồn tại, chừng đó vấn đề người kể chuyện còn được đặt ra.

Người kể chuyện là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Trong khi kể miệng, người trần thuật là một người sống sinh động. Trong trần thuật viết phi văn học (như báo chí, lịch sử), người trần thuật nói chung đồng nhất với tác giả. Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật lại khác, nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự.

Cách thức thực hiện các chức năng trên ở người trần thuật miệng, trần thuật phi văn học và trần thuật văn học hoàn toàn khác nhau. Nắm vững thực chất, chức năng của người trần thuật sẽ giúp người đọc phận tích nghệ thuật tự sự được khoa học hơn, tránh những ngộ nhận không cần thiết.

2.1.2. Phân loại người kể chuyện trong truyện kể

Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại người kể chuyện trong truyện kể. Căn cứ vào việc người kể chuyện có hoặc không tham gia câu chuyện, Gérard Genette chia làm bốn kiểu người kể chuyện: người kể chuyện bên trong/intradiegetic narrator và người kể chuyện bên ngoài/extradiegetic narrator

(dựa vào sự xác định nơi truyện bắt đầu), người kể chuyện đồng sự/homodiegetic narrator và người kể chuyện dị sự/heterodiegetic narrator (dựa vào mức độ can dự của người kể chuyện vào câu chuyện). Sự phân chia này được làm sáng rõ khi đặt trong mối quan hệ với tiêu cự hóa (focalization). Kiểu truyện kể có tiêu cự bằng không (zero focalization): người kể chuyện đứng bên ngoài nhưng biết hết mọi chuyện. Kiểu truyện kể có tiêu cự bên trong (internal focalization): người kể chuyện là nhân vật trong câu chuyện. Kiểu truyện kể có tiêu cự bên ngoài (external focalization): người kể chuyện nằm ngoài câu chuyện, kể lại một cách khách quan, không thấu hiểu tâm lý nhân vật.

W.Booth đề cập đến người kể chuyện trong giới hạn tác phẩm hư cấu. Ông phân tách người kể chuyện thành người kể chuyện ẩn tàng/implied narrator và người kể chuyện tường minh/real narrator. Dù người kể chuyện không hiện diện thì về bản chất, anh ta vẫn hiện hữu như một lực lượng trung gian có chức năng biến đổi trong toàn bộ câu chuyện. Kiểu người kể chuyện này gần gũi với tác giả hàm ẩn. Trường hợp người kể chuyện “hiện diện” ở ngôi thứ nhất, anh ta có thể là nhân vật chính hoặc nhân vật phụ, là một hoặc nhiều nhân vật. Theo Booth, sức hấp dẫn của một tác phẩm có được chính từ khoảng cách giữa người kể chuyện với các yếu tố khác của truyện kể, tức vấn đề điểm nhìn. Quyền năng của người kể chuyện phụ thuộc vào việc anh ta là kiểu người kể chuyện không tin cậy hay tin cậy, nói cách khác, phụ thuộc vào việc anh ta được hay không được hạn chế.

Như vậy, có thể thấy, dù nghiên cứu về người kể chuyện trong mối quan hệ với các yếu tố cấu trúc tác phẩm như Genette hay đặt người kể chuyện trong nhiều cấp độ giao tiếp như Booth thì các học giả đều khẳng định vai trò quan trọng của hình tượng nghệ thuật này. Chìa khóa mở cánh cửa bước vào thế giới bí ẩn, hấp dẫn của tác phẩm văn chương bắt đầu từ sự trả lời những câu hỏi: Ai là người kể chuyện? Anh ta đứng ở vị trí nào để kể và quan hệ với các nhân tố khác trong truyện kể ra sao? Quyền năng của anh ta đến đâu?...

Một phần của tài liệu Trần thuật phi hư cấu trong lời nguyện cầu từ chernobyl của svetlana alexievich (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(50 trang)