5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.2. Thảm họa hạt nhân và sự ảnh hưởng tới cuộc sống con người
3.2.1. Người Chernobyl trên đường biên sống và chết
Sau thảm họa Chernobyl, thế giới lại xuất hiện thêm một lớp ngôn từ mới. Đó là lớp ngôn từ định danh những con người đến từ vùng đất chết. “Thế giới đã bị tách làm hai phần: một phần là chúng tôi, những người chịu ảnh hưởng của thảm họa Chernobyl, và một phần là bà cùng những người khác. Bà có nhận thấy không? Không ai ở đây tự nhận mình là người Nga hoặc người Belarus hay
người Ukraina. Tất cả chúng tôi đều gọi mình là “người Chernobyl” [1, 203]. Chernobyl trở thành một vùng lãnh thổ mới, vùng lãnh thổ gắn với nỗi kinh hãi và sự kỳ thị. Nạn nhân của chất phóng xạ trở thành “người Chernobyl”. Con người tham gia khắc phục sự cố hạt nhân ở đây thì trở thành những con “rô-bốt”. Có một câu chuyện hài như thế này: “Một con rô-bốt Mỹ ở trên mái lò phản ứng trong vòng năm phút thì bị hỏng. Một con rô-bốt Nhật ở trên mái lò phản ứng năm phút, sau đó cũng bị haỏng. Một con rô-bốt Nga ở trên đó hai tiếng đồng hồ! Sau đó một mệnh lệnh được truyền tới qua loa phóng thanh: ‘Binh nhì Ivanov! Trong hai giờ tới anh sẽ xuống trong sự chào đón và được hưởng một chầu nghỉ hút thuốc’” [1, 304].
Ấn tượng về sự chấn thương sau vụ nổ Chernobyl được hình dung như là hậu quả chiến tranh. Cuốn sách xuất hiện dày đặc những lời lẽ thuộc trường từ vựng về chiến tranh. “Nhiệm vụ của tôi là không để bất cứ người dân nào quay trở lại nhà của họ ở những ngôi làng đã bị sơ tán. Chúng tôi lập các rào chắn trên đường, bố trí những trạm gác. Vì lý do nào đó, họ gọi chúng tôi là “du kích”. Đây là thời bình, ấy thế mà chúng tôi lại mặc quân phục đứng đó” [1, 114-115]. Những thanh lý viên tham gia khắc phục sự cố Chernobyl được ghi nhận như những người anh hùng. Họ đã phục vụ đất nước một cách quên mình, và Chernobyl trở thành một phần của bản sắc của họ, kết nối họ với các anh hùng của Thế chiến thứ hai. Nhưng từ một góc nhìn khác, họ là những nạn nhân - những con người phải gánh chịu sự mất mát,những đau đớn, những đổ vỡ cả về thể xác lẫn tâm hồn vĩnh viễn không gì có thể hàn gắn hay xóa mờ đi được. Hầu hết các giọng nói trong cuốn sách, vì thế mà , khi buồn đau, khi tức giận, khi lại chất vấn một cách đầy phẫn uất. Con người trở nên nhỏ bé, bất lực trước thực tại tàn khốc: “Từ khi sự cố xảy ra cho đến nay tôi đã đến đó nhiều lần. Và tôi hiểu mình đã bất lực tới mức nào. Tôi suy sụp. Quá khứ của tôi không bảo vệ tôi nữa. Không có câu trả lời nào ở đó” [1, 46]. Hay là những con người cam chịu sống chung với nỗi bất hạnh ấy: “Những người trở về từ chiến tranh được gọi là một thế hệ “mất mát”. Chúng tôi cũng mất mát. Điều duy nhất không thay đổi là nỗi bất hạnh của con người. Đó là vốn liếng duy nhất của chúng tôi” [1, 230]. Và im
lặng: “Những gì xảy ra ở Chernobyl luôn được so sánh với chiến tranh. Nhưng nó còn hơn cả chiến tranh. Chiến tranh thì bà có thể hiểu được. Nhưng thảm họa này bà có hiểu được không? Người dân rơi vào im lặng” [1, 234]. Có thể nói rằng, khi Alexievich tạo cơ hội để những nhân chứng Chernobyl nói lên sự bất lực, phẫn uất của mình, hoặc đơn giản chỉ là suy nghĩ về thảm họa hạt nhân Chernobyl, bà đã tạo ra động lực đầu tiên giúp họ đến gần hơn với thảm họa, để hiểu thêm, hiểu rõ, để có thể giải thích về nó. Điều mà từ khi thảm họa ập đến họ không hay không biết thứ gì đang đe dọa đến thiên nhiên, đến cuộc sống và đặc biết là tính mạng của họ. Giúp họ đưa đến cho bạn đọc thêm nhiều lăng kính vô cùng chân thực và sống động. Từ đó càng thấy cảm thông sâu sắc hơn với mọi người, thêm yêu thêm quý và trân trọng những gì mình đang có.
Khi vụ nổ Chernobyl xảy ra, nhiều người đàn ông ngay lập tức được huy động để kiểm soát, khắc phục hậu quả sự cố, và lúc ấy họ chưa biết rằng đó cũng là dấu chấm hết của một cuộc đời trai tráng khỏe mạnh. “Mười giờ sáng phóng viên nhiếp ảnh Shishenok tắt thở. Anh là người đầu tiên tử vong. Trong ngày đầu tiên. Chúng tôi được biết tin một người khác - Valera Khodemchuk - bị bỏ lại trong đống đổ nát. Họ không bao giờ tới được chỗ anh bị vùi lấp. Họ buộc phải để anh bị chôn dưới đống bê tông. Khi ấy chúng tôi không biết rằng đó mới chỉ là những người đầu tiên thiệt mạng” [1, 16]. Nhiều người phải sống để chứng kiến phạm vi và mức độ tác động khủng khiếp của phóng xạ. Người mẹ phải sống để nhận thông báo từ y tá rằng con gái của mình đã tử vong sau bốn tiếng chào đời vì gan bị nhiễm hai mươi tám rơn-gen phóng xạ. “Họ cho tôi nhìn đứa bé- một đứa con gái. "Natashenka", tôi bật ra tiếng gọi. Cha con đặt tên con là Natashenka. Con bé trông khỏe mạnh. Có đầy đủ chân tay. Nhưng con tôi bị bệnh xơ gan mãn tính. Gan của con bé bị nhiễm tám rơ-gen phóng xạ. Ngoài ra nó còn bị bệnh tim. Bốn giờ sau họ nói với tôi rằng con gái tôi đã tử vong. Họ lại nói y như trước: Chúng tôi không thể trao cháu bé cho cô được. Các người nói sẽ không trao con cho tôi nghĩa là thế nào? Chính tôi có quyền không trao nó cho các người! Các người muốn sử dụng con tôi cho khoa học. Tôi căm ghét khoa học của các người! Tôi căm ghét!" [1, 39] Người cha phải sống để nhìn
người ta mang đến cho con gái một chiếc quan tài nhỏ giống như cái hộp để đựng một con búp bê to “Ngày ấy ai cũng nói: Chúng tôi sắp chết, chúng tôi sắp chết. Đến năm 2000 sẽ chẳng còn người Beralus nào còn sống đâu. Con gái tôi mới sáu tuổi. Tôi đặt con lên giường và con bé nói thều thào bên tai tôi: ‘Bố ơi, con muốn sống, con vẫn còn bé ấy mà’. Ấy vậy mà tôi cứ nghĩ con bé chưa hiểu gì hết [...] Chúng tôi đặt con bé lên cánh cửa... lên chính cái cánh cửa mà cha tôi đã nằm. Cho đến khi người ta mnag đến một chiếc quan tài nhỏ. Nó rất nhỏ, giống như cái hộp để đựng một con búp bê to” [1, 61]…
Bằng con đường này hoặc con đường khác, những nạn nhân của thảm họa Chernobyl đều đi tới một kết cục đau thương là cái chết. “Đại tá Yaroshuk sắp chết. Ông ấy là nhà hóa học kiêm chuyên gia đo liều lượng phóng xạ. Ông ấy vốn khỏe như vâm, vậy mà giờ đây ông ấy nằm liệt giường. Bà vợ lật người ông như lật một cái gối. Bà ấy phải dùng thìa đút thức ăn cho chồng. Ông bị sỏi thận. Họ cần phải tán sỏi. Nhưng chúng tôi đâu có tiền để chi trả cho loại phẫu thuật ấy. Chúng tôi nghèo túng. Chúng tôi sống sót nhờ những gì người ta cho chúng tôi. Chính phủ hành xử như kẻ cho vay nợ. Chính phủ đã quên những người dân khốn khổ này rồi. Khi ông Yaroshuk chết, họ sẽ lấy tên ông đặt cho đường phố hoặc một ngôi trường hay đơn vị bộ đội. Nhưng đó là sau khi ông ấy chết” [1].
Nhiều ý kiến cho rằng, làm nên giá trị của văn xuôi phi hư cấu là tính chính xác và trung thực, đó là đặc trưng để phân biệt với văn xuôi hư cấu. Người viết như một nhà báo theo chân nhân vật, “sống” cùng họ, chân thành kể lại nội dung, không tô vẽ, thêm bớt với động cơ cá nhân. Tài năng nằm ở sự sáng tạo sao cho nội dung ấy được biểu đạt bằng một hình thức lôi cuốn độc giả, bao gồm cả những bình luận để làm bật ra bản chất của sự kiện, sự việc. Lời nguyện cầu từ Chernobyl của Svetlana Alexievich đã chạm đến trái tim người đọc bằng con đường ấy.