3.4. Phương pháp nghiên cứu
3.4.3. Nghiên cứu một số triệu chứng lâm sàng trên chó bệnh
Tiến hành theo phương pháp chẩn đoán lâm sàng của Chu Đức Thắng (2007) [11]. Hàng ngày quan sát, theo dõi các triệu chứng lâm sàng trên chó bị gãy xương, sau đó ghi chép lại số liệu, ghi lại những hình ảnh bất thường, các kết quả thu nhận được đều ghi vào bệnh án.
- Đo nhiệt độ (oC): dùng nhiệt kế điện tử đặt vào trực tràng rồi bấm nút đo, sau khoảng 2 – 3 phút nhiệt kế sẽ có tín hiệu kết thúc và đưa ra kết quả. Đọc kết quả hiển thị trên nhiệt kế.
- Tần số hô hấp (lần/phút): Dùng ống nghe, nghe vùng phổi, đếm số lần hít vào và thở ra của chó trong vòng 1 phút, mỗi lần hít vào và thở ra được tính là một nhịp hoặc đếm số lần lên xuống của hõm hông trong vòng 1 phút.
- Tần số tim mạch (lần/phút): Dùng ống nghe, nghe vùng tim rồi đếm số lần tim đập trong 1 phút.
- Quan sát trạng thái thay đổi bất thường hoặc tiến triển có lợi cho điều trị theo thời gian: Quan sát tư thế đi lại, vị trí nghi ngờ gãy xương, các biểu hiện đau.
Biểu hiện đau: để cho chó đi lại tự do dưới sàn kết hợp với sờ nắn tại vị trí vết gãy sau khi đã chụp X – Quang. Quan sát biểu hiện đau của con vật: quay lại cắn, kêu la.
Biểu hiện sưng: sờ nắn và quan sát vị trí gãy so với vị trí không gãy tương ứng thấy phần gãy có kích thước lớn hơn, chỗ sưng mềm hơn vị trí không gãy tương ứng.
Bị hạn chế di chuyển: thả cho chó đi tự do dưới sàn nhà, chó có biểu hiện bất thường trong di chuyển như: đi tập tễnh, không thể di chuyển, di chuyển bằng 2 chân…
Sợ hãi: quan sát trực quan biểu hiện của con vật, con vật run sợ, ánh mắt coi chừng và trạng thái phòng vệ khi người lạ sờ vào người hoặc vết gãy.