1.2 Đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính theo quy định của pháp luật
1.2.4 Thành phần tham gia đối thoại
Theo khoản 1 Điều 137 của Luật TTHC, thành phần tham gia phiên họp đối thoại gồm có Thẩm phán chủ trì phiên họp. Thông thường, đó là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Ngoài ra, phiên họp còn có Thư ký phiên họp với vai trò ghi biên bản phiên họp. Phiên họp có sự tham gia của đương sự hoặc người đại
diện hợp pháp của đương sự. Trong trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền tham gia phiên họp. Đối với đương sự không sử dụng được tiếng Việt hoặc là người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói hoặc người khuyết tật nhìn bắt buộc phải có người phiên dịch tại phiên họp đối thoại. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp. Như
vậy, phiên họp đối thoại không có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân. Quy định này phù hợp với mục đích của đối thoại trong tố tụng hành chính. Đó là việc gặp gỡ, trao đổi giữa các đương sự nhằm làm rõ tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện và yêu cầu khởi kiện.
Nhằm bảo đảm hiệu quả của đối thoại, các đương sự phải có mặt khi được Toà án triệu tập tham gia đối thoại. Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật TTHC, trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp và thông báo bằng văn bản việc hoãn phiên họp, mở lại phiên họp cho các đương sự.