Trình tự tiến hành đối thoại

Một phần của tài liệu Đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính từ thực tiễn tỉnh vĩnh long (Trang 26 - 27)

1.2 Đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính theo quy định của pháp luật

1.2.5 Trình tự tiến hành đối thoại

Phiên họp đối thoại sẽ do Thẩm phán chủ trì với các trình tự được quy định tại khoản 4 Điều 138 của Luật TTHC. Theo đó, mở đầu phiên họp, Thẩm phán phổ biến cho đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, để đương sự hiểu được ý nghĩa, vai trò của đối thoại, Thẩm phán phân tích hậu quả pháp lý của việc đối thoại để họ tự nguyện thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án. Sau đó, các đương sự sẽ lần lượt trình bày về các yêu cầu của mình cũng những căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Người khởi kiện trình bày bổ sung về yêu cầu khởi kiện, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm của mình về hướng giải quyết vụ án. Người bị kiện trình bày bổ sung ý kiến về yêu cầu của người khởi kiện, những căn cứ ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện và đề xuất hướng giải quyết vụ án. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày bổ sung và đề xuất ý kiến giải quyết phần liên quan đến họ. Ngoài ra, trong trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người khác tham gia phiên họp đối thoại nếu có, các chủ thể này sẽ có ý kiến phát biểu. Bên cạnh đó, tuỳ từng trường hợp, Thẩm phán yêu cầu đương sự nêu

văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, đồng thời kiểm tra hiệu lực pháp luật của văn bản đó. Thẩm phán có thể phân tích để các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án. Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất. Thẩm phán sẽ kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất.

Như vậy, trình tự đối thoại được Luật TTHC năm 2015 quy định khá chi tiết. Trong đó, Thẩm phán với vai trò là người điều hành phiên họp. Đối thoại diễn ra giữa các bên đương sự thông qua việc trình bày bổ sung các yêu cầu, những chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình, từ đó đề xuất hướng giải quyết vụ án theo quan điểm cá nhân. Trong trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia, các chủ thể này chỉ phát biểu ý kiến mà không trực tiếp đối thoại. Quy định này nhằm đề cao sự tự nguyện, ý chí của các bên đương sự tại phiên họp đối thoại. Ngoài ra, tại phiên họp đối thoại, Thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng. Là người chủ trì, qua nội dung trình bày của các đương sự, Thẩm phán là chủ thể xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất từ đó đưa ra kết luận về kết quả đối thoại.

Một phần của tài liệu Đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính từ thực tiễn tỉnh vĩnh long (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)