Các nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Tác động của biến động dòng tiền đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. (Trang 51 - 54)

CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU

2.2 Bằng chứng thực nghiệm về tác động của BĐDT đến CTV

2.2.2 Các nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam

Các nghiên cứu về CTV tại Việt Nam cũng là một chủ đề thu hút các học giả tài chính. Hầu hết các nghiên cứu tập trung tìm kiếm yếu tố tác động có ý nghĩa thống kê lên CTV, nhưng một số ít nghiên cứu đưa sự BĐDT như một yếu tố ảnh hưởng.

Nguyen and Ramachandran (2006) đi tìm các yếu tố ảnh hưởng đến CTV của các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam. Nguyen and Ramachandran (2006) căn cứ vào lý thuyết kiệt quệ tài chính cho rằng rủi ro kinh doanh càng cao sẽ làm tăng khả năng xảy ra kiệt quệ tài chính vì DN phải đánh đổi giữa lợi ích về thuế và chi phí phá sản. Do đó, các tác giả kỳ vọng rằng rủi ro kinh doanh sẽ có tương quan âm với ĐBTC. Khi đó, rủi ro kinh doanh được đại diện bằng sự BĐDT 6. Bên cạnh đó, do đặc thù các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu có xu hướng sử dụng nợ ngắn hạn nhiều nợ dài hạn, sử dụng tín dụng thương mại nhiều hơn so với nợ vay, nên tác giả sử dụng nhiều thước đo để đại diện cho CTV của DN. Đồng thời, các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam lúc đó không được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán để huy động vốn. Vì vậy, các giá trị nợ nghiên cứu là giá trị sổ sách. Bằng việc sử dụng mẫu ngẫu nhiên gồm 558 DN vừa và nhỏ tại Việt Nam trong giai đoạn từ 1998- 2001. Kết quả cho thấy các DN có BĐDT cao sẽ có xu hướng tăng sử dụng nợ và đặc biệt là nợ ngắn hạn. Kết quả này đi ngược lại những lập luận ban đầu là do trong suốt giai đoạn 1998-2001, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại chịu sự kiểm soát và quy định chặt chẽ của ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, các DN có dòng tiền biến động cao vẫn có thể được vay nợ với mức lãi suất thấp.

Tran (2015) sử dụng mẫu quan sát gồm 183 DNNY tại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2013 để xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến CTV. Tác giả sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính với hiệu ứng cố định, sau đó lọc ra những yếu tố tác động đến ĐBTC đáng tin cậy nhất. Một trong sáu yếu tố đáng tin cậy nghiên cứu tìm được là rủi ro kinh doanh – được đại diện bằng BĐDT của DN. BĐDT được đo lường bằng độ lệch chuẩn của tỷ số lợi nhuận sau thuế chia tổng tài sản trong 3 năm (Harris and Roark, 2019). Với bốn cách đo lường ĐBTC khác nhau, kết quả nghiên cứu đồng nhất BĐDT tác động thuận chiều đến CTV. DN có BĐDT càng cao thì càng nhiều nợ được sử dụng. Trong giai đoạn nghiên cứu bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính 2010-2012, các DN Việt Nam đối mặt với mức độ biến động và rủi ro cao khiến mức

độ bất cân xứng thông tin tăng lên. Do đó, các DN khó huy động vốn trên thị trường chứng khoán, và có xu hướng gia tăng sử dụng nợ nhiều hơn.

Đoàn Ngọc Phi Anh (2010) xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính của các DNNY tại Việt Nam trong ba năm từ 2007 đến 2009. Theo đó, cấu trúc tài chính là tỷ lệ các nguồn vốn DN huy động để bổ sung nguồn vốn tài trợ cho các tài sản hoạt động trong DN của mình. Cấu trúc tài chính được đo lường bằng tỷ lệ tổng nợ phải trả chia cho tổng tài sản, tỷ lệ nợ phải trả chia cho vốn chủ sở hữu và tỷ lệ vốn chủ sở hữu chia cho tổng tài sản. Dựa vào phương pháp đường dẫn, tác giả đã tìm ra bốn yếu tố tác động đến cấu trúc tài chính bao gồm rủi ro kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, cấu trúc tài sản và quy mô DN. Trong đó, rủi ro kinh doanh được đại diện bởi sự BĐDT trong các DN. Nghiên cứu cho thấy BĐDT có tác động tỷ lệ nghịch đến cấu trúc tài chính của các DN Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu.

Trong nghiên cứu của Le and Tannous (2016) về cấu trúc sở hữu và CTV của các DNNY tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2007 đến 2012 có sử dụng biến động lợi nhuận như một biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu. Biến động lợi nhuận được xem như một biến đại diện cho mức độ rủi ro kinh doanh tác động đến CTV. Lúc này, biến động lợi nhuận được đo lường bằng độ lệch chuẩn của sự thay đổi theo năm của lợi nhuận hoạt động trước lãi vay, thuế và khấu hao trong 3 năm trước đó. Với các cách tiếp cận hồi quy khác nhau (GMM – 2 bước, fix-effect và random effect, pools), nghiên cứu đều đi đến một kết luận chung. BĐDT tác động âm đến CTV có ý nghĩa thống kê. Điều này hàm ý rằng khi BĐDT tăng DNNY tại Việt Nam có xu hướng sử dụng ít nợ vay trong giai đoạn nghiên cứu.

Tương tự như Le and Tannous (2016), Thach and Oanh (2018) sử dụng BĐDT như một biến kiểm soát khi nghiên cứu tác động của khủng hoảng kinh tế đến CTV của 82 DNNY tại Việt Nam từ quý 1/2007 đến quý 2/2016 với tổng số 3116 mẫu quan sát. Sử dụng mô hình PVAR, nghiên cứu cho kết quả BĐDT tác động ngược chiều đến việc sử dụng nợ của DN. Trong đó, BĐDT được tính bằng độ lệch chuẩn của tỷ lệ giữa lợi nhuận hoạt động trước thuế, lãi vay chia cho tổng tài sản. Đồng thời,

Le and Tannous (2016) và Thach and Oanh (2018) đều sử dụng tỷ lệ tổng nợ vay chia tổng tài sản làm đại diện cho ĐBTC.

Ngoài những nghiên cứu đã đề cập ở trên, theo tìm hiểu của các giả không còn tác giả nào khác xem xét BĐDT khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến CTV tại Việt Nam. Kết quả các nghiên cứu chưa có sự đồng nhất. Những nghiên cứu thời gian gần đây cho rằng BĐDT tác động ngược chiều đến việc sử dụng nợ của DN. Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đó cho rằng BĐDT tác động thuận chiều đên việc sử dụng nợ của DN. Sự khác biệt này có thể do sự khác biệt về thời gian, bối cảnh nghiên cứu. Trong khi Le and Tannous (2016) tập trung vào cấu trúc sở hữu khác nhau trong DN, Thach and Oanh (2018) tập trung vào thời gian các DN Việt Nam gặp phải khủng hoảng kinh tế. Đoàn Ngọc Phi Anh (2010) nghiên cứu trong giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam mới thành lập. Tran (2015) tiếp nối khoảng thời gian tiếp theo khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động tích cực hỗ trợ cho quá trình cổ phần hoá các DNNN và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào DN Việt Nam. Nguyen and Ramachandran (2006) xem xét các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam trong giai đoạn đầu của quá trình cổ phần hoá. Bên cạnh đó, các nghiên cứu sử dụng phương pháp khác nhau để nghiên cứu. Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu tập trung tìm kiếm kết quả, thiếu kiểm tra tính vững của mô hình nghiên cứu để củng cố thêm sự chắc chắn cho kết quả nghiên cứu ngoài nghiên cứu (Le and Tannous, 2016). Ngoài ra, các nghiên cứu tập trung vào xem xét rủi ro kinh doanh tác động đến CTV như một biến kiểm soát trong mô hình hoặc là một trong những nhân tố tác động, mà chưa xem xét mối quan hệ BĐDT- CTV là trọng tâm nghiên cứu. Cuối cùng, cách đo lường biến động hiện tại của các nghiên cứu tại Việt Nam là trung bình trượt mẫu của độ lệch chuẩn lợi nhuận hoạt động của DN, chưa có nghiên cứu nào sử dụng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hay dòng tiền cơ sở và chưa có nghiên cứu nào sử dụng phần dư hồi quy của tốc độ tăng trưởng DTHĐ đại diện cho BĐDT. Đây là một trong những điểm đáng chú ý để tác giả tiến thành thực hiện nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Tác động của biến động dòng tiền đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(157 trang)
w