Pháp luật hìnhsự Thụy Điển

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt. (Trang 45 - 48)

Chế định miễn trách nhiệm hình sự được các nhà làm luật ghi nhận tại một chương riêng - Chương 24 – “Miễn trách nhiệm hình sự”, và được chia thành 4 nhóm trong đó mỗi nhóm lại có những quy định cụ thể tương ứng:

- Do sự đồng ý (hòa hoãn) giữa người phạm tội và người bị hại (mục 7 Chương 24);

- Phòng vệ chính đáng (mục 4 Chương 24); - Tình thế cấp thiết (mục 4 Chương 24);

- Thẩm quyền do luật định (mục 2 Chương 24).

Nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì các trường hợp đã nêu trên thực chất mang bản chất pháp lý là các trường hợp (tình tiết) loại trừ trách nhiệm hình sự mà không đúng với tên gọi “miễn trách nhiệm hình sự”.

Các trường hợp miễn hình phạt được quy định rải rác trong các chương của Bộ luật hình sự Thụy Điển. Tuy nhiên, do tất cả các hành vi phạm tội đều không được đặt tên tội mà tội danh lại được ghi nhận trong nội dung điều luật, nên khái quát lại có thể ghi nhận các trường hợp miễn hình phạt như sau:

- Miễn hình phạt cho người tự nguyện chấm dứt việc chuẩn bị phạm tội lừa đảo hoặc lừa đảo trong trường hợp nghiêm trọng (đoạn 2 Điều 11 Chương 9 – Tội lừa đảo và các tội gian dối khác);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội khai báo gian dối trước tòa, phạm tội khai báo sai sự thật, phạm tội trình bày sai sự thật do vô ý (Điều 4 Chương 15 – Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp);

- Miễn hình phạt cho người ăn năn hối cải (Điều 14 Chương 15 – Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội giả mạo chứng cứ (Điều 15 Chương 15 – Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội che giấu tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 11 Chương 17 – Các tội xâm phạm hoạt động công cộng);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội vô ý vi phạm bí mật nghề nghiệp (nghiệp vụ) trong trường hợp ít nghiêm trọng (Điều 30 Chương 20 – Các tội phạm chức vụ);

- Miễn hình phạt cho người phạm một tội về không thể có lý do để tin rằng hành vi đó được theo các công ước về chiến tranh trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ (Điều 8 Chương 22 – Tội phản bội Tổ quốc).

Ngoài ra, tại phần chung Bộ luật hình sự Thụy Điển cũng quy định một số trường hợp miễn hình phạt khác:

- Điều 2 Chương 23: “Trường hợp đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hoặc đồng phạm mà nếu khả năng thực hiện tội phạm đến cùng là rất ít thì được miễn hình phạt”;

- Điều 6 Chương 29: “Nếu xét thấy một hoặc nhiều tình tiết nói tại Điều 5 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) mà việc áp dụng hình phạt rõ ràng là không hợp lý, thì Tòa án quy định miễn hình phạt cho bị cáo”. Có thể nhận thấy rằng quy định này có nhiều điểm tương đồng với Điều 54 của Bộ luật hình sự Việt Nam, song điều kiện để được áp dụng chế định miễn hình phạt của pháp luật hình sự nước ta khắt khe hơn, đòi hỏi người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 (các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự); đồng thời phải đáp ứng thêm điều kiện “đáng được hưởng khoan hồng đặc biệt nhưng chưa tới mức được miễn trách nhiệm hình sự”;

- Điều 6 Chương 30: “Miễn hình phạt trong trường hợp người phạm tội do ảnh hưởng của bệnh tâm thần, suy nhược thần kinh hoặc tình trạng không bình thường về thần kinh khác mang tính chất trầm trọng được liệt kê vào dạng bệnh thần kinh”. Nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự nước ta (Điều 13) thì đây là trường hợp mà các nhà làm luật coi là “không có năng lực trách nhiệm hình sự” hay là “tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự” mà không phải là một trường hợp miễn hình phạt.

Nhìn chung, chế định miễn trách nhiệm hình sự cũng như miễn hình phạt được các nhà làm luật Thụy Điển ghi nhận tương đối rõ ràng, cụ thể trong cả phần chung và phần riêng của Bộ luật hình sự. Như đã trình bày ở trên khái niệm miễn trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Thụy Điển có nội hàm hoàn toàn khác so với quy định của nước ta, và xét về bản chất nó là các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự của pháp luật hình sự Việt Nam. Chế định miễn hình phạt trong pháp luật hình sự Thụy Điển được quy định đối với từng hành vi phạm tội cụ thể; trong đó có một số trường hợp có nhiều điểm tương đồng với chế định miễn hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, song cũng có trường hợp cùng bản chất với các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự của pháp luật hình sự Việt Nam.

Chương 2

MỐI QUAN HỆ GIỮA MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ MIỄN HÌNH PHẠT THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 VÀ THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ NÀY Ở NƯỚC TA

TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

2.1. MỐI QUAN HỆ GIỮA MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ MIỄN HÌNH PHẠT THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt. (Trang 45 - 48)