Pháp luật hìnhsự Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt. (Trang 40 - 41)

Khác với pháp luật hình sự Việt Nam, pháp luật hình sự Nhật Bản không trực tiếp ghi nhận vấn đề trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự Nhật Bản chỉ quy định về những trường hợp được miễn hình phạt sau:

- Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Khoản 2 Điều 36 Chương VII – Những hành vi không cấu thành tội phạm và việc giảm hoặc miễn hình phạt);

- Miễn hình phạt do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 43 Chương VIII – Phạm tội chưa đạt);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội tự thú về hành vi chuẩn bị và bày mưu tính kế nổi loạn và hành vi giúp sức cho việc nổi loạn (Điều 80 Chương II – Các tội phạm liên quan đến nổi loạn);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội về hành vi chuẩn bị và bày mưu tính kế gây chiến tranh (Điều 93 Chương IV – Các tội liên quan đến quan hệ đối ngoại);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội là người thân thích của người phạm tội hoặc của người trốn khỏi nơi giam giữ (Điều 105 Chương VII – Các tội che giấu tội phạm và che giấu chứng cứ);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội về hành vi chuẩn bị phạm tội gây hỏa hoạn đối với công trình xây dựng, phương tiện đang có người và gây hỏa hoạn đối với công trình xây dựng, phương tiện không có người (Điều 112 Chương IX – Các tội gây hỏa hoạn và vô ý gây cháy);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội tự thú về hành vi kết án sai sự thật (Điều 173 Chương XXI – Các tội kết án sai sự thật);

- Miễn hình phạt cho người phạm tội tự thú về hành vi chuẩn bị bắt cóc tống tiền (Điều 228 Chương XXXI – Các tội về bắt hoặc giam giữ người).

Nhìn chung, chế định miễn hình phạt được ghi nhận trong cả phần chung cũng như phần các tội phạm của Bộ luật hình Nhật Bản song đa số các trường hợp được quy định tại phần riêng và được áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể. Có thể nhận thấy, trường hợp miễn hình phạt cho người phạm tội là người thân thích của người phạm tội hoặc của người trốn khỏi nơi giam giữ (Điều 105 Chương VII – Các tội che giấu tội phạm và che giấu chứng cứ) có nhiều điểm tương đồng với Điều 313 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999. Tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam chỉ coi hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tự thú là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm c, o khoản 1 Điều 46) hay trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một trường hợp miễn trách nhiệm hình sự (Điều 19) mà không phải là những trường hợp được miễn hình phạt như trong Bộ luật hình sự Nhật Bản đã quy định.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt. (Trang 40 - 41)