2.1. Khái niệm chung về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
2.1.1. Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại như hiện nay, cùng với sự thâm nhập sâu và rộng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới thì sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ có một vai trò nhất định trong việc giảm thiểu những tranh chấp và loại bỏ những rủi ro không đáng có của các chủ thể tham gia thương mại quốc tế. Một trong những đối tượng của sở hữu trí tuệ đang được quan tâm hiện nay là kiểu dáng công nghiệp do đây là một trong những tài sản trí tuệ quan trọng của doanh nghiệp, một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong phạm vi một quốc gia cũng như ở nước ngoài.
Có ba cách bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài:
* Kênh quốc gia: Các doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ thông qua
việc nộp đơn riêng tại cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia (gọi tắt là Cơ quan quốc gia) từng nước họ muốn bảo hộ kiểu dáng của mình. Quá trình này có thể khá phức tạp và tốn kém bởi thông thường đơn đăng ký kiểu dáng phải được dịch ra ngôn ngữ quốc gia sở tại cũng như phải chi trả các chi phí hành chính và chi phí dịch vụ pháp lý.
* Kênh khu vực: Nếu doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ kiểu dáng
công nghiệp tại những nước là thành viên của hiệp định khu vực cho phép doanh nghiệp có thể đăng ký kiểu dáng tại nhiều nước, doanh nghiệp có thể chỉ phải nộp một đơn duy nhất ở cơ quan sở hữu trí tuệ của khu vực đó. Các cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực bao gồm:
- Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Khu vực châu Phi (ARIPO) để đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại các nước châu Phi nói tiếng Anh;
- Cơ quan kiểu dáng Benelux (BDO) để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Bỉ, Hà Lan và Luxembourg;
- Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội địa (OHIM) để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Cộng đồng các nước thuộc liên minh châu Âu;
- Tổ chức Sở hữu Trí tuệ châu Phi (OAPI) để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp.
* Kênh quốc tế: Các doanh nghiệp muốn đăng ký quốc tế kiểu dáng
của họ ở nhiều nước có thể sử dụng các thủ tục quy định tại Thoả ước La-Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chịu trách nhiệm thực thi và quản lý. Người nộp đơn từ một nước thành viên của Thoả ước La-Hay chỉ cần nộp một đơn quốc tế duy nhất cho WIPO yêu cầu kiểu dáng công nghiệp của mình sẽ được bảo hộ tại các nước thành viên của thoả ước mà người nộp đơn mong muốn. Thoả ước La-Hay tạo cho người nộp đơn một cơ chế đơn giản về thủ tục và tiết kiệm về chi phí đối với việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại các nước khác nhau.
Như vậy đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chính là việc người nộp đơn tiến hành đăng ký tại Văn phòng quốc tế (International Bureau) của WIPO theo các thủ tục quy định tại Thoả ước La-Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Theo quy định chung, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bị giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia mà việc bảo hộ được yêu cầu và cấp văn bằng bảo hộ. Nếu muốn bảo hộ ở nhiều quốc gia, người nộp đơn phải nộp các đơn riêng biệt và phải tuân theo các thủ tục khác nhau tại mỗi quốc gia.
Thỏa ước La-Hay cung cấp một lựa chọn đơn giản liên quan đến việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước khác nhau. Thỏa ước La-Hay
cho phép công dân và cư dân, hoặc doanh nghiệp thành lập ở quốc gia thành viên của thỏa ước, có được sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước thông qua thủ tục nộp đơn tại một cơ quan (hoặc là trực tiếp tại Văn phòng quốc tế của WIPO hoặc trong các trường hợp nhất định thông qua Cơ quan quốc gia nước thành viên của thoả ước) bằng một bản đăng ký quốc tế duy nhất với một ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha) và trả một khoản phí duy nhất bằng một loại tiền tệ.
Mục đích chính của Thỏa ước La-Hay là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ một hoặc nhiều kiểu dáng công nghiệp tại các nước thành viên thông qua việc đăng ký tại Văn phòng quốc tế của WIPO. Theo Thỏa ước La- Hay, người có quyền thực hiện đăng ký quốc tế có khả năng nhận được sự bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp của mình ở các quốc gia thành viên của Thỏa ước với các thủ tục và phí tổn được tối giản. Người nộp đơn giảm nhẹ được yêu cầu phải thực hiện một đăng ký quốc gia riêng biệt tại mỗi quốc gia mà người nộp đơn yêu cầu bảo hộ, vì vậy tránh được sự phức tạp cố hữu về thủ tục khác nhau giữa các quốc gia.
Quyền đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được dành cho công dân các nước thành viên của Thỏa ước La-Hay cũng như công dân của nước không phải là thành viên nhưng có cư trú hoặc có cơ sở thương mại hay cơ sở công nghiệp thực sự và hiệu quả trên lãnh thổ của nước thành viên thỏa ước.
Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Đơn cũng có thể được nộp thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ nếu luật pháp của nước thành viên đó cho phép. Đơn đăng ký phải được thể hiện bằng tiếng Pháp theo Văn kiện 1934; tiếng Pháp hoặc tiếng Anh theo Văn kiện 1960; tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha theo Văn kiện 1999. Đơn đăng ký bao gồm tờ khai theo mẫu do Văn phòng quốc tế cung cấp miễn phí và một số tài liệu khác theo
quy định của Quy chế thi hành Thoả ước La-Hay. Người nộp đơn có thể chỉ định những nước thành viên mà mình yêu cầu bảo hộ cho một hoặc nhiều kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu bảo hộ nhiều kiểu dáng chỉ áp dụng đối với những đơn nộp theo Văn kiện 1960 và Văn kiện 1999. Hai văn kiện này cho phép một đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có thể bao gồm nhiều kiểu dáng và tối đa tới 100 kiểu dáng thuộc cùng một nhóm sản phẩm theo Hệ thống phân loại kiểu dáng công nghiệp được quy định trong Thỏa ước Locarno.
Trong quá trình nộp đơn, người nộp đơn có thể được hưởng quyền ưu tiên theo Điều 4 Công ước Paris về bảo hộ Sở hữu công nghiệp nếu người nộp đơn đòi hỏi quyền này và nếu đăng ký quốc tế được thực hiện trong vòng 06 tháng kể từ khi đăng ký quốc gia, khu vực hoặc đăng ký quốc tế đầu tiên được thực hiện hoặc có hiệu lực tại một quốc gia thành viên của Công ước Paris hoặc một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đăng ký quốc tế phải chịu thanh toán phí bằng đồng Franc Thụy Sĩ (CHF).
Các kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế được Văn phòng quốc tế công bố trên Công báo kiểu dáng công nghiệp quốc tế phát hành hàng tháng. Nội dung công bố bao gồm ngày đăng ký, số đăng ký, ảnh chụp hoặc hình vẽ kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký; các thông tin về người nộp đơn; những nước thành viên được chỉ định bảo hộ. Trong khoảng thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày đăng ký quốc tế hoặc ngày hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn có thể yêu cầu hoãn công bố đăng ký quốc tế.
Đơn đăng ký quốc tế có hiệu lực tại các nước thành viên nơi yêu cầu bảo hộ từ ngày đăng ký quốc tế. Ngày đăng ký quốc tế là ngày văn phòng quốc tế nhận được đơn đăng ký quốc tế hợp lệ.
Việc xem xét bảo hộ và việc bảo bộ đối với kiếu dáng công nghiệp tại nước chỉ định phải được thực hiện như đối với kiểu dáng công nghiệp được
nộp đơn trực tiếp tại Cơ quan quốc gia có thẩm quyền của nước đó. Do vậy, quốc gia được chỉ định có quyền từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật nước mình. Việc từ chối bảo hộ phải được thông báo cho Văn phòng quốc tế trong vòng 6 tháng kể từ ngày Cơ quan quốc gia có thẩm quyền nhận được thông báo kiểu dáng quốc tế có công bố đơn và các thông tin về kiểu dáng yêu cầu bảo hộ.
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Thoả ước La-Hay là 5 năm, có thể gia hạn ít nhất một lần với thời hạn 5 năm cho toàn bộ hoặc một phần các kiểu dáng trong đăng ký quốc tế, đối với tất cả hoặc chỉ với một số quốc gia mà tại đó đăng ký có hiệu lực. Đối với những nước thành viên mà luật pháp trong nước cho phép thời hạn bảo hộ dài hơn 10 năm đối với các đăng ký quốc gia, đăng ký quốc tế có thể gia hạn nhiều hơn một lần, mỗi lần 5 năm cho đến khi hết tổng thời hạn hạn bảo hộ tối đa theo quy định pháp luật quốc gia đó.