3.2. Những điểm khác biệt cơ bản về đăng ký kiểu dáng công nghiệp
3.2.3. Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đưa ra yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp một cách chi tiết:
- Đơn đăng ký cho một đối tượng kiểu dáng công nghiệp duy nhất; - Đơn đăng ký cho các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm;
- Đơn đăng ký cho một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là các biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó.
Như vậy, nguyên tắc chung của hệ thống bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong nước là một đơn chỉ đăng ký cho một kiểu dáng công nghiệp. Hai ngoại lệ cho phép người nộp đơn nộp nhiều hơn một kiểu dáng công nghiệp trong một đơn ở hệ thống trong nước là đơn có thể bao gồm các phương án của kiểu dáng công nghiệp hoặc bộ sản phẩm. Trên thực tế, bộ sản phẩm trong đăng ký kiểu dáng công nghiệp là tập hợp nhiều kiểu dáng công nghiệp của các sản phẩm khác nhau, được tạo ra theo cùng một ý tưởng sáng tạo chung và được sử dụng cùng nhau theo cùng một mục đích. Rõ ràng, bộ sản phẩm thường bao gồm nhiều kiểu dáng công nghiệp khác nhau và có thể được chấp nhận đăng ký trong trong một đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở hệ thống trong nước.
Thỏa ước La-Hay cho phép một đơn đăng ký quốc tế có thể bao gồm đến 100 kiểu dáng công nghiệp, miễn là các kiểu dáng công nghiệp đó đều thuộc về cùng một nhóm sản phẩm của Bảng phân loại quốc tế kiểu dáng
công nghiệp theo Thỏa ước Locarno. Việc cho phép nhiều kiểu dáng công nghiệp được nộp trong một đơn quốc tế như vậy có thể gây xung đột với yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Văn kiện Geneva 1999 đưa ra hướng giải quyết xung đột này bằng việc cho phép quốc gia thành viên có thể thông qua một yêu cầu đặc biệt để thông báo cho Tổng Giám đốc của WIPO rằng, quốc gia thành viên có thể từ chối hiệu lực của đăng ký quốc tế nếu yêu cầu về tính thống nhất của đơn không được đáp ứng. Quốc gia thành viên có thể yêu cầu chủ sở hữu đăng ký quốc tế tiến hành tách đơn, đồng thời nộp các khoản phí cần thiết cho việc tách đơn (cao hơn phí đăng ký quốc tế ban đầu). Các khoản phí này được thu trực tiếp từ chủ chủ sở hữu đăng ký quốc tế và không được quy định trong Văn kiện Geneva 1999 hoặc Quy chế thi hành của Văn kiện này, mà được từng quốc gia thành viên liên quan quy định.
Rõ ràng là, với quy định về nộp đơn cho bộ sản phẩm thì việc cho phép đăng ký nhiều kiểu dáng công nghiệp trong một đơn quốc tế theo quy định của Thỏa ước La-Hay cũng có thể chấp nhận được tại Việt Nam. Điểm yếu của việc cho phép đăng ký nhiều kiểu dáng công nghiệp trong một đơn là ở chỗ kết quả xử lý đơn bị phụ thuộc vào hiện trạng của tất cả các kiểu dáng công nghiệp có trong đơn, mà theo đó cho dù chỉ một kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng một điều kiện nào đó thì tất cả các kiểu dáng công nghiệp còn lại trong đơn đều phải chịu chung số phận với kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng bởi lẽ đơn quốc tế sẽ bị trì hoãn xử lý các công việc tiếp theo cho đến khi điều kiện không đáp ứng được loại bỏ.
Trong trường hợp Việt Nam không cho phép đăng ký nhiều kiểu dáng công nghiệp trong một đơn thì Việt Nam cần tuyên bố với Tổng giám đốc của WIPO để qua đó thông báo cho người nộp đơn biết là phải tiến hành tách các
kiểu dáng công nghiệp trong đơn quốc tế có nhiều kiểu dáng công nghiệp khi chỉ định vào Việt Nam. Tuyên bố này đương nhiên gây nhiều khó khăn cho người nộp đơn bởi lẽ quy định cho phép đăng ký nhiều kiểu dáng công nghiệp trong một đơn là một trong những lợi thế mà hệ thống La-Hay đem lại cho người nộp đơn: đăng ký một lần để giành được quyền bảo hộ cho nhiều kiểu dáng công nghiệp.