Giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu xét xử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) (Trang 80 - 82)

3.3. Những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định

3.3.2. Giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, pháp luật hoàn thiện cũng chỉ phát huy được tính hiệu quả của nó khi có những người áp dụng luật tốt. Vì thế, xây dựng pháp luật hình sự tốt chưa đủ mà còn cần cả việc thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật hình sự, áp dụng pháp luật hình sự thống nhất, công bằng mới đạt được mục đích. Nếu một Nhà nước có hệ thống pháp luật hình sự tốt nhưng lại có đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật hình sự yếu thì hiệu quả pháp luật vẫn không đạt được. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung, đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, đặc biệt là Thẩm phán và Hội

thẩm nhân dân càng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm và có bản lĩnh, đạo đức chính trị vững vàng để đáp ứng được yêu cầu đặt ra đó [55, tr. 260].

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp hiện nay, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đều đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp; đa số cán bộ, công chức Toà án có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Đội ngũ Hội thẩm đều là những người có trình độ hiểu biết pháp luật, được tập huấn về nghiệp vụ Tòa án, nhiều người nguyên là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu, một số người nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Hội thẩm và đều có điều kiện để tham gia công tác xét xử. Đây chính là những điều kiện quan trọng tạo ra sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác của ngành TAND trong những năm qua, đặc biệt là trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, Thẩm phán còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác chưa cao; cá biệt còn có những cán bộ, Thẩm phán có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự…Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án thực sự trong sạch vững mạnh, trong đó việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công tác cho cán bộ, công chức Tòa án các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm được xác định vừa là yêu cầu và vừa là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án. Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm đó thì ngành Tòa án cần triển khai các giải pháp cụ thể như:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; bồi dưỡng thẩm phán, cán bộ toà án; rèn luyện phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ

chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ thẩm phán và cán bộ Toà án vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và yêu cầu của nhân dân.

- Ngành tòa án cần tổ chức Hội nghị chuyên đề hướng dẫn công tác xét xử về các tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội trộm cắp tài sản nói riêng, đặc biệt chú ý đến vấn đề định tội danh, các căn cứ cụ thể để quyết định hình phạt, các nguyên tắc áp dụng các hình thức hình phạt, các nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bảo đảm việc xét xử các vụ án về các tội xâm phạm sở hữu nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng được đúng đắn [44, tr. 95].

- Ngành Tòa án cần có sự phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, các cơ quan tổ chức có nhiệm vụ thi hành án hình sự bảo đảm bản án quyết định hình sự của Tòa án về các vụ án phạm tội trộm cắp tài sản đã có hiệu lực pháp luật đều được thực hiện trên thực tế. Vì đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuất phát từ chức năng chấp hành của pháp luật thi hành án hình sự. nếu bản án quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không được thực hiện hoặc được thực hiện không triệt để, thì toàn bộ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử sẽ không có ý nghĩa và sẽ không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân [44, tr. 96].

- Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các cán bộ Tòa án có hành vi thiếu trách nhiệm hay vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu xét xử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) (Trang 80 - 82)