Đạo đức là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần của xã hội, nảy sinh từ thực tiễn các quan hệ xã hội giữa con người với nhau; nó bao gồm toàn bộ các quan niệm về thiện, ác, tốt, xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng…cùng với các quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội trong xã hội. Ngày nay, khái niệm đạo đức còn được các nhà nghiên cứu mở rộng hơn, không chỉ trong phạm vi các quan hệ xã hội, mà còn cả trong hành vi ứng xử của con người với tự nhiên, như vấn đề đạo đức sinh thái - cách ứng xử của con người với môi trường sống tự nhiên xuất phát từ vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay. Đạo đức là cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội và là kết tinh của đời sống tinh thần của con người. Lối sống theo đạo đức là lối sống theo các chuẩn mực của đạo đức, đó chính là lối sống theo hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cái thiện và cái ác, về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức tinh thần của xã hội.
Lối sống theo đạo đức là lối sống theo các quy tắc, yêu cầu không được ghi chép thành văn bản, nghĩa là các quy tắc, yêu cầu của nó không được ghi chép thành văn bản dưới dạng một "bộ luật đạo đức" nào cả, mà nó tồn tại dưới hình thức là những giá trị đạo đức, những bài học về luân thường đạo lý, phép đối nhân xử thế giữa con người với nhau trong xã hội. Lối sống
theo đạo đức thường được củng cố, giữ gìn và phát huy thông qua con đường giáo dục, truyền miệng, thông qua quá trình xã hội hóa cá nhân; được củng cố, tiếp thu và lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong lịch sử xã hội, lối sống theo đạo đức đã được hình thành từ rất sớm trong xã hội nguyên thủy, khi mà các hiện tượng nhà nước và pháp luật còn chưa xuất hiện. Trong xã hội này, cùng với tập quán, chuẩn mực đạo đức là nhân tố chủ yếu chi phối và điều chỉnh hành vi của con người.
Lối sống theo đạo đức được thực hiện trong thực tế xã hội là nhờ vào hai nhóm các yếu tố: Các yếu tố chủ quan như: các thói quen, nếp sống trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người; sự tự nguyện, tự giác; đặc biệt là sức mạnh nội tâm, chịu sự chi phối bởi lương tâm của mỗi người. Và các yếu tố khách quan đó là sự ảnh hưởng của thuần phong mỹ tục, hành vi hợp đạo đức của những người xung quanh; là sức mạnh của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người.
Đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật. Vì vậy lối sống theo đạo đức và lối sống theo pháp luật cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mặc dù lối sống theo pháp luật chịu sự tác động của lối sống theo đạo đức nhưng ngược lại lối sống theo pháp luật cũng có thể loại bỏ một số dạng lối sống theo đạo đức nếu lối sống đó theo các chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời, cải tạo lối sống theo đạo đức đó góp phần tạo nên những lối sống theo các chuẩn mực đạo đức mới, phù hợp hơn với tiến bộ xã hội.
Chuẩn mực đạo đức là cơ sở của lối sống theo đạo đức và pháp luật là cơ sở của lối sống theo pháp luật tuy khác nhau về phạm vi tác động, cơ chế tác động tới các quan hệ xã hội, nhưng chúng có chung mục đích điều tiết, điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và pháp luật là mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau và bổ sung cho nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người. Trong mối quan hệ này chuẩn mực đạo đức có phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội
rộng hơn, còn pháp luật có phạm vi điều chỉnh sâu hơn. Trong một số trường hợp, định hướng đạo đức muốn được thực hiện một cách phổ biến trong xã hội thì phải thông qua các quy phạm pháp luật để thể hiện. Và như vậy, trong một số trường hợp, lối sống theo pháp luật đã lại là công cụ, phương tiện bảo vệ lối sống theo đạo đức một cách hữu hiệu bằng các biện pháp, chế tài cụ thể. Lối sống theo pháp luật có vai trò to lớn trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển lối sống theo đạo đức phù hợp, tiến bộ trong xã hội. Ngược lại, lối sống theo đạo đức là nền tảng tinh thần để thực hiện các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân trong xã hội thực hiện một hành vi pháp luật hợp pháp không phải vì họ hiểu các quy định của pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ các quy tắc đạo đức. Nhiều quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của lối sống theo đạo đức được nhà nước sử dụng và nâng lên thành quy phạm pháp luật.
Khủng hoảng xã hội thường được biểu hiện ở lối sống trong xã hội. Một xã hội được coi là phát triển ổn định, bền vững bao giờ cũng phải đạt tới chỗ các giá trị, chuẩn mực đạo đức, pháp luật được tôn trọng và thực hiện một cách rộng rãi, phổ biến trong đời sống của mọi tầng lớp xã hội.