Lối sống theo chuẩn mực phong tục, tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 42 - 45)

Phong tục là những thói quen, nề nếp lâu đời đã được lan truyền, phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn xã hội hay trong một cộng đồng xã hội, một nhóm xã hội nhất định.

Tập quán là những quy ước, quy tắc giao tiếp, ứng xử giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng xã hội hoặc giữa các cộng đồng xã hội với nhau trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt xã hội, được lặp đi, lặp lại nhiều lần rồi trở thành thói quen, nề nếp của cộng đồng người.

Cả phong tục và tập quán đều có quá trình hình thành, tồn tại và phát triển lâu dài về mặt lịch sử, đều phản ánh các mặt, các khía cạnh trong hoạt động giao tiếp, sinh hoạt của các cộng đồng người dưới dạng thói quen, nề

nếp. Vì vậy, phong tục và tập quán thường được sử dụng song hành với nhau, tạo thành thuật ngữ "phong tục, tập quán".

Lối sống theo phong tục, tập quán là lối sống mà ý thức và hành vi của các cá nhân dựa trên các chuẩn mực của phong tục tập quán, tức là dựa trên hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi được xác lập nhằm củng cố những mẫu mực giao tiếp, ứng xử trong các cộng đồng người, các quy tắc sinh hoạt công cộng lâu đời của con người, được hình thành qua quá trình lịch sử lặp đi, lặp lại nhiều lần, trở thành thói quen trong lao động, cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của các cộng đồng xã hội.

Lối sống theo phong tục tập quán thể hiện ý chí chung của một cộng đồng xã hội, được biểu hiện ra trong hành vi, hoạt động của mỗi thành viên xuất phát từ sự thừa nhận, tôn trọng và tuân thủ các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi chung. Lối sống của cộng đồng này thường được hình thành một cách tự phát, được khẳng định dần qua một quá trình lịch sử nhất định và gắn liền với các điều kiện địa lý, hoàn cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội nơi cộng đồng xã hội tổ chức hoạt động sống, lao động, sinh hoạt. Chính vì vậy, lối sống theo phong tục tập quán thường ít biến đổi và mang tính cục bộ. Lối sống theo phong tục tập quán thường được thể hiện ra trong nề nếp giao tiếp, ứng xử, cách đối nhân xử thế giữa mọi người, trong cách sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian, lễ hội cổ truyền, nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng hoặc trong lao động, sản xuất, sinh hoạt của các cộng đồng xã hội. Và lối sống này đã góp phần giữ gìn và lưu truyền những giá trị văn hóa, ngôn ngữ, những kinh nghiệm quý báu về lao động, sản xuất, sinh hoạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần củng cố khối đại đoàn kết bên trong cộng đồng xã hội.

Lối sống theo phong tục tập quán và lối sống theo pháp luật có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Phong tục, tập quán xuất hiện từ khi chưa xuất hiện nhà nước và pháp luật, vì vậy nhiều phong tục tập quán trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ rất bền chặt trong nhân dân và có sức mạnh hơn cả những đạo luật.

Nhiều thuần phong mỹ tục rất cần thiết cho đạo lý làm người, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội. Khi nhà nước xuất hiện, nhà nước đã tìm cách vận dụng các phong tục, tập quán để phục vụ cho lợi ích của mình, thay đổi nội dung của chúng cho phù hợp, thừa nhận và nâng cấp chúng thành các quy phạm pháp luật. Như vậy, lối sống theo phong tục, tập quán là một nguồn quan trọng để hình thành lối sống theo pháp luật.

Lối sống theo phong tục tập quán thể hiện ý chí chung của cộng đồng xã hội, được các thành viên của nó thừa nhận, tuân thủ và thực hiện một cách tự nguyện. Nó là một trong những nhân tố tạo nên sự đồng thuận xã hội. Với ý nghĩa đó, lối sống theo phong tục tập quán đã góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống cộng đồng xã hội một cách thuận lợi. Ngược lại, lối sống theo pháp luật cũng tác động quan trọng đối với các chuẩn mực của phong tục tập quán. Lối sống theo pháp luật có thể góp phần khẳng định, phát huy các phong tục tập quán; hoặc có thể can thiệp, cưỡng bức để loại bỏ chúng ra khỏi đời sống cộng đồng. Trong mối liên hệ này, cần lưu ý hai khía cạnh sau:

Một là, đối với những phong tục, tập quán có giá trị truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành thuần phong mỹ tục, có tác dụng tích cực đối với cộng đồng xã hội thì pháp luật cần thừa nhận, củng cố, giữ gìn và phát huy vài trò của chúng trong đời sống xã hội; vận dụng chúng vào trong nếp sống, suy nghĩ, hành vi pháp luật của mỗi người.

Hai là, đối với những phong tục tập quán đã lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục, thậm chí mang màu sắc mê tín dị đoan (đồi phong bại tục), thì bên cạnh việc tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ; trong những trường hợp cần thiết, nhà nước, chính quyền các cấp phải dùng tới sức mạnh cưỡng chế của pháp luật nhằm loại trừ chúng ra khỏi đời sống của cộng đồng; góp phần xây dựng lối sống văn minh, phù hợp với tiến bộ xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)