của một số đối tượng dân cư
2.2.2.1. Thực trạng lối sống theo pháp luật của đội ngũ công chức
Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở nhận thức, quan điểm về pháp luật cũng như ở trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng và thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới ấy, Đảng, Nhà nước ta vẫn chưa lường hết tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nên lúng túng trong việc chuẩn bị tư tưởng, khả năng tự đề kháng trong cán bộ, công chức. Vì vậy, sự suy thoái đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức diễn ra ngày càng phức tạp. Hạn chế này có thể được minh chứng qua các nhận định mang tính tổng quát.
Về chất lượng của cán bộ, công chức so với số lượng cán bộ công chức thì số lượng người có bằng cấp nhiều nhưng không có sự tương đương giữa văn bằng với chức danh và với yêu cầu của thực tế. Tri thức và năng lực về quản lý kinh tế thị trường, về pháp luật, về hành chính…ở đại bộ phận công chức tương ứng chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới. Trình độ lý luận của cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là điều cần đặc biệt quan tâm. Chúng ta dựa vào số lượng, chất lượng và hiệu quả của pháp luật thì có thể thấy rằng, công tác đề xuất chính sách còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các vấn đề mang tính chiến lược, đòi hỏi độ bao quát và tầm nhìn.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm; phong cách làm việc chậm đổi mới; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân tiếp tục diễn ra nghiêm trọng trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Những đặc điểm trên của đội ngũ công chức được phản ánh rõ nét qua các thông tin sau:
- Chương trình xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước giai đoạn I (2003-2005) tổng kết: Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, còn bất cập, hẫng hụt về nhiều mặt: tri thức và năng lực quản lý nhà nước về xã hội, kinh tế thị trường, pháp luật, hành chính, kỹ năng thực thi công vụ… Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới; tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân chưa được ngăn chặn…
- Năm 2004, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Khóa X nêu: Đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về bằng cấp, học vị, chất lượng không cao…Không ít chức năng lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp còn yếu về kiến thức, năng lực. Hội nghị chỉ ra: Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) chưa đạt được yêu cầu… Tệ tham ô, bòn rút tài sản công, sách nhiễu, lãng phí vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở mức độ và hình thức khác nhau trong đội ngũ cán bộ, bộ máy lãnh đạo và quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản, doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu ngân sách..; nơi này, nơi khác vẫn còn hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp…Và tình trạng đó "làm nhân dân bất bình, lo lắng và giảm niềm tin", "là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và nhà nước ta" [10].
- Với mục đích đánh giá thực trạng ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp đã khảo sát 6 tỉnh, thành phố có dự án điểm về giáo dục pháp luật (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định, Vĩnh Long, Lào Cai, Gia Lai). "70/201 người được hỏi, chiếm 34,82% cho rằng pháp luật là công cụ của Nhà nước để trừng trị ai đó đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của xã hội" [3].
- Kết quả điều tra, khảo sát lấy ý kiến cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về cơ chế "một cửa" và cải cách hành chính được tiến hành tại 09 tỉnh, thành phố vào năm 2005 cho những con số như sau:
11% số cán bộ thừa nhận đã có yêu cầu người dân, doanh nghiệp xuất trình hoặc nộp thêm các loại giấy tờ ngoài quy định; trong khi chỉ 6,4% cán bộ được hỏi cho rằng đã chậm trễ khi giải quyết công việc thì 24,9% người dân và 21,1% doanh nghiệp lại cho rằng bị chậm trễ khi giải quyết công việc; 23,7% người dân và 29,7% doanh nghiệp trả lời có "tiếp xúc" với cán bộ các phòng, ban chuyên môn khi thực hiện các công việc theo cơ chế một cửa, 23,1% cán bộ thừa nhận điều này [3]
Vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức không chỉ gây ra sự không hài lòng của cá nhân, tổ chức mà còn dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Với bức tranh chung như trên, có thể nêu một số nhận xét như sau: - Mặc dù đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và quản lý nhà nước là nội dung được quan tâm, song do các nguyên nhân khác nhau mà nhận thức, trình độ hiểu biết về pháp luật của cán bộ, công chức còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ quả là công tác tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế. Những vấn đề mang tính lý luận chưa thể coi là thế mạnh ngay cả của cán bộ, công chức các cơ quan trung ương tham gia trực tiếp vào công tác lập pháp, lập quy.
- Bản thân cán bộ, công chức trong các cơ quan xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật còn chưa thực sự có niềm tin sâu sắc vào pháp luật, vào sức mạnh của pháp luật, chưa nói đến việc truyền niềm tin đó cho người dân, doanh nghiệp. Không những thế, còn có sự bất chấp pháp luật và các giá trị đạo đức để đạt được mục đích cá nhân, kể cả từ việc tuyển dụng, thăng tiến và còn các biểu hiện tiêu cực khác trong quan hệ với nhân dân. Nói cách khác, hành vi bất hợp pháp của cán bộ, công chức, trong một số trường hợp, không
phải chỉ do yếu kém về trình độ mà đôi khi là biểu hiện coi thường, lợi dụng hay cố ý làm trái pháp luật. Mà như vậy thì không thể nói tới việc xây dựng và phát triển lối sống theo pháp luật, lối sống có văn hóa trong xã hội được.
- Kỹ năng, trình độ xây dựng và áp dụng pháp luật của cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này thể hiện ở chất lượng của các văn bản pháp luật là sản phẩm có sự tham gia của cán bộ, công chức, ở mức độ hài lòng của người dân vào các dịch vụ do Nhà nước cung cấp và tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân.
- Tình trạng tham nhũng cũng như các vi phạm pháp luật khác trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc và tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Chúng ta dễ dàng nhận thấy hiện tượng tham nhũng, sách nhiễu, vòi vĩnh, gây khó dễ cho dân diễn ra một cách phổ biến. Tham nhũng bao trùm tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi cấp, mọi ngành, ở đâu người ta cũng thấy có tham nhũng. Những hành vi tham nhũng phổ biến là: lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của người đưa hối lộ; lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; vượt quá giới hạn của mình, làm trái công vụ vì vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can
thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi… Điển hình cho các vụ tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi trên thực tế là: vụ 4 cán bộ Kiểm toán nhà nước tại Quảng Ngãi nhận hối lộ 290 triệu đồng, hay vụ 8 quan chức cao cấp ở Đồng Xoài phải hầu tòa về tội lợi dụng thời điểm giao thời về việc tính giá đất để gây thất thoát gần 900 triệu đồng; hay vụ giám đốc BIDV xảy ra gần đây…"To ăn to, bé ăn bé", càng chức trọng quyền cao càng dễ có điều kiện tham nhũng lớn. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong bộ máy nhà nước mà cả trong các cơ quan của đảng cũng như các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập. Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến, gây nhức nhối trong nhân dân, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, đe dọa sự tồn vong của nhà nước và chế độ, ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến uy tín và sự lãnh đạo của Đảng.
2.2.2.2. Thực trạng lối sống theo pháp luật của đội ngũ thanh thiếu niên
Vấn đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội đã và đang được tất cả các nhà nước trên thế giới quan tâm, lo lắng. Liên hợp quốc đã ban hành một số Công ước, Quy tắc liên quan đến công tác phòng chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên; các cơ quan của tổ chức lớn nhất hành tinh này cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo có tính chất toàn cầu và khu vực để bàn về vấn đề này.
Ở nước ta, công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và phạm tội của người chưa thành niên thuộc về trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân. Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em và người chưa thành niên. Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cũng như áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng và chống vi phạm pháp luật nói
chung trong đó có vi phạm pháp luật của người chưa thành niên nói riêng. Tuy nhiên, tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ta hiện nay vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt có một bộ phận thanh thiếu niên đã tham gia vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn; thực hiện các hành vi giết người, cướp của, chống người thi hành công vụ, bảo kê, đâm thuê, chém mướn gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Theo thống kê của Vụ Thống kê Tổng hợp - Tòa án nhân dân tối cao, số bị cáo là người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự là rất cao:
- Năm 2007 thụ lý 2.980 vụ với 3.704 bị cáo là người chưa thành niên, trong đó xét xử 2.898 vụ với 4.087 bị cáo là người chưa thành niên.
- Năm 2008 thụ lý 3.161 vụ với 4.555 bị cáo là người chưa thành niên, trong đó xét xử 2.907 vụ với 4.174 bị cáo là người chưa thành niên.
- Năm 2009 thụ lý 2.953 vụ với 4.055 bị cáo là người chưa thành niên, trong đó xét xử 2.879 vụ với 3.955 bị cáo là người chưa thành niên.
- Năm 2010 thụ lý 2.759 vụ với 3.704 bị cáo là người chưa thành niên, trong đó xét xử 2.712 vụ với 3.632 bị cáo là người chưa thành niên.
Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê mới nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm
và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong đó tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.
Về địa bàn hoạt động, các vụ vi phạm pháp luật và phạm tội do người chưa thành niên thực hiện không chỉ xảy ra ở các thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể trên phạm vi toàn quốc thì tại các thành phố lớn, nơi kinh tế phát triển mạnh thu hút nhiều lực lượng lao động, nhiều thành phần xã hội sinh sống, thì tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn. Theo thống kê của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì năm 2002 có 385 người chưa thành niên bị đưa ra xét xử, đến năm 2006 con số này là gần 700 người (tỷ lệ tăng gần 100% sau 4 năm). Tại các thành phố lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thì tỷ lệ này cũng cao hơn và tăng nhanh hơn các tỉnh khác.
Từ thực trạng nêu trên, chúng ta có thể thấy trong những năm gần đây, số vụ và số lượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm hình sự do người chưa thành niên thực hiện ngày càng nghiêm trọng. Nếu như những năm 2000 trở về trước, người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn, thì những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn vượt quá giới hạn của độ tuổi người chưa thành niên như: hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, có cơ cấu chặt chẽ. Thực hiện các hành vi phạm tội: giết người (con giết cha mẹ, cháu giết ông bà); cướp tài sản có sử dụng vũ khí nóng; hiếp dâm; mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy. Sự gia tăng về số lượng, mức độ vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có sự khác nhau giữa các địa phương, theo đó tỷ lệ tăng nhiều nhất chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.