Về pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 81 - 89)

Yếu tố pháp luật, theo nghĩa rộng, là tổng thể các yếu tố tạo nên đời sống pháp luật của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định, bao gồm hệ thống pháp luật, các quan hệ pháp luật, ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật, pháp chế và hiệu quả của pháp luật… Bản thân pháp luật được sinh ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, là cơ sở để các chủ thể thực hiện pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Và như vậy, có thể nói pháp luật là môi trường, là điều kiện quan trọng nhất để xây dựng và phát triển lối sống theo pháp luật. Cụ thể ở một số vấn đề sau:

+ Sự tồn tại của hệ thống pháp luật đạt chất lượng cao với các văn bản quy phạm pháp luật có tính thực thi trong thực tế. Bên cạnh đó là sự tồn tại đầy đủ của các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật.

Trong quá trình tác động vào việc hình thành và phát triển ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật của con người thì hệ thống pháp luật có sự tác động rất lớn. Con người làm giàu tư duy pháp lý và đón nhận thông tin và tri thức pháp lý của mình thông qua kênh quan trọng nhất đó là hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật thực sự phát huy được vai trò của mình trong quá trình xây dựng lối sống theo pháp luật khi nó đạt được chất lượng cao. Chất lượng của hệ thống pháp luật thực định thể hiện ở nhiều yếu tố khác nhau như tính toàn diện, đồng bộ, tính thống nhất, tính phù hợp, tính khả thi… của hệ thống pháp luật. Chất lượng của hệ thống pháp luật thực định cần được đánh giá ở cả hình thức và nội dung của nó, để có chất lượng đòi hỏi các văn bản pháp luật phải được xây dựng đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định, có tên gọi phù hợp với nội dung thể hiện, có hình thức rõ ràng, có nội dung được kết cấu chặt chẽ, logic, các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa, lời văn trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của quảng đại quần chúng nhân dân. Chất lượng của hệ thống pháp luật còn thể hiện ở mục đích, yêu cầu và định hướng được đề ra cho

pháp luật. Khi tìm hiểu những mục đích đề ra cho pháp luật cần phải quan tâm tới những điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chúng. Những mục đích đề ra cho pháp luật cần phải phù hợp với các điều kiện thực tế như điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội… của đời sống xã hội mà trong đó pháp luật được thực hiện. Mục đích đề ra cho pháp luật chỉ có thể thực hiện được khi các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước đủ khả năng để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện trên thực tế.

Chất lượng của hệ thống pháp luật là một trong những cơ sở để bảo đảm cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật đạt được kết quả cao trong thực tiễn, đồng thời cho phép dự báo được khả năng thực hiện hóa các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội. Việc thực hiện và áp dụng pháp luật đạt kết quả cao trong thực tiễn lại là vấn đề cơ bản nhất, cốt lỗi nhất để tiến hành quá trình xây dựng, phát triển lối sống theo pháp luật. Tuy nhiên, nhiều văn bản pháp luật đã đạt được chất lượng nhưng chưa được áp dụng rộng rãi, thậm chí chưa thể thực hiện được. Và thực tế cho thấy, nhiều quy định hay văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể thực hiện được khi có những văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành, do vậy, việc tồn tại đầy đủ các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành là một trong những điều kiện quan trọng để pháp luật được thực hiện. Ngoài ra hoạt động giải thích pháp luật cũng là điều kiện để pháp luật được thực hiện chính xác và thống nhất. Đặc biệt là hoạt động giải thích pháp luật chính thức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý nghĩa quan trọng khi các quy định pháp luật không rõ ràng hoặc có nguy cơ nhận thức không thống nhất hoặc sai lệch.

Như vậy, một hệ thống pháp luật chất lượng cùng những văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành một cách chuẩn xác là điều kiện đầu tiên quan trọng bậc nhất và là định hướng của việc giáo dục lối sống theo pháp luật và làm giàu tri thức pháp lý của con người. Khó có thể tưởng tượng được rằng, ý thức và lối sống theo pháp luật của con người có được

khi họ sống trong một xã hội không có pháp luật. Hơn thế nữa, nếu con người cụ thể không có tình cảm với pháp luật thì họ cũng không thể có được ý thức và lối sống theo pháp luật. Có thể nói, chất lượng của hệ thống pháp luật cùng những văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành càng cao và càng hoàn thiện bao nhiêu thì bước đường xây dựng ý thức pháp luật, hình thành và phát triển lối sống theo pháp luật trong xã hội sẽ ngày càng có hiệu quả bấy nhiêu.

+ Văn hóa pháp luật

Văn hóa pháp luật có ảnh hưởng sâu rộng tới các hình thức thực hiện pháp luật, từ tuân thủ, chấp hành, sử dụng cho tới áp dụng pháp luật. Văn hóa pháp luật cũng là nền tảng để xây dựng lối sống theo pháp luật. Được hình thành từ tổng thể các hoạt động xã hội - pháp luật trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, văn hóa pháp luật là hệ thống các giá trị, chuẩn mực pháp luật được kết tinh từ tri thức pháp luật, tình cảm, niềm tin đối với pháp luật và hành vi pháp luật. Văn hóa pháp luật được cấu thành từ các yếu tố: ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật, và các thiết chế pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật, phản ánh trình độ, kỹ năng và nghệ thuật của các chủ thể pháp luật trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, không ngừng hoàn thiện tính nhân văn của từng cá nhân và toàn xã hội. Văn hóa pháp luật được thể hiện trong đời sống pháp luật thông qua quá trình thực hiện pháp luật, mà biểu hiện cụ thể, trực tiếp là hành vi pháp luật, lối sống theo pháp luật của các chủ thể. Giữa văn hóa pháp luật và lối sống theo pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Văn hóa pháp luật là cơ sở, nền tảng, là "khuôn mẫu tư duy" và "chuẩn mực hành vi" [19] của lối sống theo pháp luật, định hướng đúng đắn cho quá trình thực hiện pháp luật của các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi và bảo vệ pháp luật cũng như của từng công dân. Ngược lại, lối sống theo pháp luật có tác dụng bổ sung, làm phong phú và sâu sắc thêm cho các giá trị, chuẩn mực của văn hóa pháp luật.

+ Vai trò của thông tin pháp luật và chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thông tin pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành, phát triển ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật của mỗi người. Bởi vậy, việc nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật không thể không nghiên cứu vấn đề thông tin pháp luật để từ đó làm sáng tỏ vai trò của nó trong việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật của các thành viên trong xã hội.

Thông tin pháp luật có tác động rất lớn đến ý thức pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật trong xã hội. Do vậy, điều có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn là nội dung của thông tin đó. Nội dung của thông tin pháp luật phải đảm bảo tính đầy đủ, tính đúng đắn và tính kịp thời.

Thông tin pháp luật thực hiện các chức năng: nhận thức; giáo dục; quản lý; hành vi. Thông tin pháp luật tạo điều kiện hình thành, làm sáng tỏ và thể hiện dư luận xã hội, ý thức về các vấn đề chính trị, pháp luật, dân chủ, quản lý, kiểm tra… Đối với ý thức pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật, thông tin pháp luật thông thường thực hiện ba chức năng:

- Tăng cường hoặc làm suy yếu ý thức pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật đang tồn tại, có nghĩa là tác động đến các quan điểm, hiểu biết, hành vi và lối sống theo pháp luật đang thống trị hoặc mới hình thành trong ý thức con người do kết quả tác động của nhiều nhân tố.

- Thay đổi ý thức pháp luật cũ, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật được hiểu là thay đổi về chất trong định hướng của con người mà định hướng đó được dựa trên những khuôn mẫu phổ biến.

- Hình thành ý thức pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật là quá trình tạo ra có ý thức và có định hướng mục đích, tạo ra hành vi pháp luật mới đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của tiến bộ phát triển và xã hội.

Thông tin pháp luật không phải là nhân tố duy nhất và càng không phải là nhân tố tổng hợp tác động đến ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật trong xã hội. Thông tin pháp luật chỉ là một trong những cái quyết định cơ bản đến ý thức pháp luật và hành vi, lối sống theo pháp luật. Sự hiểu biết về văn bản pháp luật, sự kiện và các hoạt động chính trị - pháp lý quan trọng nhất tạo điều kiện cho việc phát triển ý thức chính trị và ý thức pháp luật của công dân, cho việc nâng cao trình độ văn hóa pháp luật, làm cho mọi người có thái độ tích cực và tôn trọng đối với pháp luật và tham gia đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Do vậy, để mở rộng và nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân, nhà nước phải tăng cường mức độ thông tin pháp luật cho nhân dân, còn công dân phải phát triển ý thức chính trị và ý thức pháp luật của mình.

Để đưa các thông tin pháp luật đến được với mọi công dân và để từ đó xây dựng được ý thức pháp luật, hành vi pháp luật, lối sống theo pháp luật, một vấn đề quan trọng khác là vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lối sống theo pháp luật nói riêng cho cán bộ và nhân dân để mọi người nắm bắt được nội dung, tinh thần các quy định của pháp luật, biết được những gì nên làm, những gì phải làm, những gì có thể làm được, những gì không làm được… từ đó các chủ thể chủ động và tự giác trong việc xây dựng lối sống theo pháp luật cho cá nhân, cho cộng đồng và cho toàn xã hội.

+ Trình độ, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, nhân dân và lòng tin của mọi công dân vào pháp luật là điều kiện hết sức quan trọng đảm bảo cho pháp luật được thực hiện chính xác trên cơ sở tự giác của mỗi người, mà sự tự giác thực hiện chính xác pháp luật của công dân là cốt lõi của lối sống theo pháp luật.

Các tầng lớp người dân trong xã hội sẽ không thể thực hiện pháp luật một cách nghiêm túc, đúng đắn nếu thiếu kiến thức, hiểu biết pháp luật. Tính chất đúng hay sai, mức độ sâu sắc hay hời hợt trong suy nghĩa, tình cảm đối

với các vấn đề pháp luật cũng như phụ thuộc vào trình độ tri thức, hiểu biết pháp luật của công chúng. Nếu đa số người dân có một trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật thì họ sẽ tích cực tham gia vào việc đánh giá các sự kiện pháp lý đang diễn ra dựa trên các chuẩn mực pháp luật; nhờ đó, sẽ thực hiện pháp luật đúng đắn, hợp lý. Khi các tầng lớp nhân dân có một trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật ở một mức độ nhất định thì đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, nhất là cán bộ, công chức làm công tác thực thi, bảo vệ pháp luật, buộc cũng phải nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của chính mình, nghĩa là, họ cần có ý thức pháp luật ở một trình độ cao hơn.

Ngược lại, những người dân thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật thường ít hoặc không tham gia bàn luận về các sự kiện pháp lý, bởi vì họ không có các chuẩn mực pháp luật làm cơ sở cho việc đưa ra các ý kiến, nhận xét của mình. Những người dân thiếu hiểu biết về pháp luật thường thực hiện pháp luật một cách thụ động. Thực tế chỉ ra rằng, khi người dân thiếu kiến thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật kém thì dễ dẫn đến những hành vi sai lệch, phạm pháp, phạm tội. Chẳng hạn, hành vi chống người thi hành công vụ, gây sức ép, lôi kéo những phần tử cực đoan chống đối chính quyền cơ sở, gây rối trật tự công cộng xảy ra ở một số địa phương là những ví dụ điển hình cho tình trạng này. Điều đó có ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức pháp luật và việc thực hiện pháp luật của những người khác bởi vì họ rất dễ bị phản ứng dây chuyền theo cơ chế lây lan tâm lý.

Như vậy, xây dựng lối sống theo pháp luật chỉ có được định hướng đúng và nội dung phù hợp khi mỗi công dân hiểu biết và hiểu đúng đắn tính chất của pháp luật, các mối quan hệ của pháp luật với những chuẩn giá trị và các công cụ điều chỉnh khác của xã hội. Khi đã có những tri thức pháp luật cần thiết, các chủ thể pháp luật sẽ có những hành vi pháp luật tích cực, biết sử dụng pháp luật vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình cũng như của nhà nước và xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong xã hội.

+ Công tác tổ chức và cán bộ của các cơ quan có trách nhiệm thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật.

Sự hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện pháp luật có tác động rất quan trọng đến hoạt động xây dựng lối sống theo pháp luật của mọi công dân. Trong các trường hợp cần thiết, khi các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không tự mình giải quyết được các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật nào đó thì sự can thiệp của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện.

Các cơ quan có trách nhiệm thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật phải được tổ chức một cách khoa học, có sự phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận để tránh hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau trong công việc của các cơ quan này. Sự không thống nhất, không phân định rõ ràng phạm vi, lĩnh vực hoạt động hoặc thẩm quyền của các cơ quan này thường dẫn đến có những vụ việc thì nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng lại có những vụ việc thì đùn đẩy không cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm thực hiện.

Trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật ngoài việc bảo đảm tính độc lập, chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận đồng thời phải đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng giữa các cơ quan, các bộ phận cùng tham gia áp dụng pháp luật như sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan áp dụng pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng lối sống theo pháp luật trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam (Trang 81 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)