Đây là hoạt động thể hiện tính dân chủ của Nhà nước ta. Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản luật sẽ có cơ hội phản ánh ý kiến, hiểu nội dung quy định và từ đó họ thực hiện đúng. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động này vẫn còn những tồn tại và khuyết điểm. Trong thời gian tới cần có những biện pháp đồng bộ để tạo ra một cơ chế lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản luật một cách có hiệu quả.
Trước hết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần quy định cụ thể hơn về cơ chế tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản như thời gian, phương thức tổ chức, nội dung lấy ý kiến đóng góp… Cần khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật là một thủ tục bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản luật nhằm khắc phục tình trạng văn bản luật được ban hành nhưng bỏ qua hoạt động này.
Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong quá trình lấy ý kiến, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự thảo luật. Nghiên cứu để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan phụ trách về công tác thông tin đại chúng trong việc công bố dự thảo, tiếp nhận và chuyển tải thông tin phục vụ cho việc lấy ý kiến.
Cần lựa chọn những nội dung còn đang vướng mắc, chưa rõ, những vấn đề cần thảo luận, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức,
cũng như nghĩa vụ của họ để tổ chức lấy ý kiến. Nội dung xin ý kiến phải đề ra các phương án để người được hỏi trả lời hoặc cho ý kiến mang tính trọng tâm tránh tình trạng lấy ý kiến mang tính hình thức.
Cải tiến phương thức lấy ý kiến về dự thảo văn bản luật. Phương thức thực hiện như lâu nay vẫn làm là quá thiên về hành chính, mở hội nghị triển khai dẫn đến hiệu quả thấp. Do vậy, đổi mới phương thức gắn liền với việc mở rộng các kênh tổ chức lấy ý kiến như thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, các ngành, các cấp, qua các cơ quan thông tin đại chúng, trên mạng… Tuỳ theo yêu cầu, phạm vi nội dung cần lấy ý kiến mà lựa chọn các kênh thông tin nêu trên cho phù hợp.
Tăng cường hiệu quả của việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp thông qua việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác này. Như vậy, cần có sự cải tiến việc tiếp thu ý kiến theo hướng phân công rành mạch về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để xây dựng và chỉnh lý dự thảo văn bản luật.
Tăng nguồn kinh phí để bảo đảm có đủ điều kiện tổ chức lấy ý kiến, khắc phục tình trạng bị động của các cơ quan khi tiến hành hoạt động này.
đ. Về hoạt động thông qua văn bản luật
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của các dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật pháp lý trong giai đoạn soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, thì cần cải tiến quy trình thảo luận và thông qua luật tại kỳ họp của Quốc hội theo hướng sau:
Tăng cường số lượng cũng như thời gian các kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt Quốc hội cần tập trung thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật để đi tới thống nhất quan điểm, đẩy nhanh quá trình thông qua một dự án nhất định.
Và để rút ngắn thời gian thông qua văn bản luật, thay vì việc thông qua theo từng điều, từng chương, Quốc hội chỉ cho ý kiến về những nội dung cơ
bản, những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau tránh tình trạng các đại biểu thảo luận về câu chữ. Muốn vậy cần đưa vào chương trình kỳ họp của Quốc hội dự thảo văn bản luật nào đã được chuẩn bị tốt về nội dung.
Cần nâng cao chất lượng công tác thư ký kỳ họp, tập hợp đầy đủ, tổng kết ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về các dự thảo luật và làm tốt công tác thông tin, tư liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội.
Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.
Đổi mới quy trình xem xét, thông qua văn bản luật theo hướng nghiên cứu áp dụng quy trình làm luật hiện đại với phương thức 3 lần trình (theo phân tích tại Báo cáo Sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Đảng đoàn Quốc hội), cụ thể là:
Bước 1, trình Quốc hội xem xét đề nghị, kiến nghị về luật để đưa vào Chương trình xây dựng văn bản luật. Quốc hội thảo luận kỹ về đề nghị, kiến nghị về luật, trong đó tập trung chủ yếu vào việc xem xét sự cần thiết ban hành, những chính sách cơ bản dự kiến được điều chỉnh và đánh giá tác động sơ bộ. Uỷ ban Pháp luật có trách nhiệm thẩm tra báo cáo với Quốc hội về việc đưa dự án luật vào Chương trình; Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội có trách nhiệm phát biểu ý kiến chính thức của mình về các đề nghị, kiến nghị này để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.
Bước 2, trình Quốc hội dự án luật để Quốc hội cho ý kiến. Ở giai đoạn này, dự án luật được trình Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra; Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, biểu quyết về những chính sách cơ bản của dự án, cơ quan của Quốc hội chủ
trì thẩm tra chủ trì phối hợp với chủ thể trình dự án và các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản.
Bước 3, cơ quan chủ trì hoàn thiện dự thảo luật thay mặt các cơ quan, tổ chức hữu quan trình dự án luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để Quốc hội xem xét, thông qua. Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt là chất lượng của dự thảo văn bản phải được bảo đảm. Do đó, trong những trường hợp nhất định, vẫn cần thiết phải có cơ chế để Quốc hội có thể thông qua dự án tại nhiều kỳ họp, tuỳ thuộc vào chất lượng chuẩn bị dự án [20].