Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 29 - 31)

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này. Muốn vậy, cần phải chuẩn bị nội dung cho phù hợp với đặc điểm từng đối tượng của đội ngũ công chức cấp xã. Điều đó có nghĩa là cần trả lời được câu hỏi: Đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật cần hiểu biết về những vấn đề gì? Cần được trang bị kiến thức về lĩnh vực nào? Cần đến mức độ ra sao? Trong phạm vi cung cấp thế nào?... Chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật trả lời được những câu hỏi nêu trên để chuẩn bị nội dung cần thiết phải truyền tải cho đối tượng là công việc quan trọng và cần thiết. Nhu cầu về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể cần được phổ biến cho các loại đối tượng là khác nhau và trong từng thời điểm cũng không giống nhau.

Chính vì vậy, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định trên cơ sở mục đích, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hình thành ở đối tượng phổ biến, giáo dục hệ thống tri thức pháp luật, tình cảm, lòng tin và thói quen hành động phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã bao gồm việc cung cấp một cách thường xuyên, có hệ thống các loại thông tin về pháp luật và thực tiễn thi hành, bảo vệ pháp luật, qua đó bồi dưỡng cho đội ngũ công chức này những nhận thức, tình cảm đúng đắn, lòng tin với pháp luật, rèn luyện khả năng sử dụng những tri thức đó để phân tích, phê phán, lý giải một cách có căn cứ khoa học về những vấn đề thực tiễn, làm cơ sở định hướng và lựa chọn cách xử sự phù hợp trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Phạm vi của nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:

- Các thông tin về pháp luật, các thông tin này rất đa dạng như thông tin về hệ thống pháp luật thực định (phổ biến, giải thích quy phạm phạm pháp luật, hậu quả pháp lý của việc không tôn trọng các quy định pháp luật...). Cũng cần lưu ý việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã tùy thuộc đối tượng, trong đó cần phổ biến cho họ hệ thống pháp luật ở Trung ương và các quy định của pháp luật do địa phương ban hành.

- Thông tin về thực tiễn pháp luật (hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động thực hiện và bảo vệ pháp luật, việc xử lý các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật...). Những thông tin này đòi hỏi chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật cung cấp những vấn đề điển hình, có liên quan trực tiếp đến tình hình chính trị và nhiệm vụ của công chức cấp xã.

- Thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể (các quy trình, thủ tục đơn giản để công chức cấp xã thực hiện công vụ hiệu quả và người dân có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình). Việc hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể cần được các cơ quan có thẩm quyền phổ biến thường xuyên cho nhiều đối tượng công chức cấp xã và người dân, giúp cho họ nắm và vận dụng tốt những quy trình, thủ tục pháp luật quy định khi xử lý công việc có liên quan.

- Thông tin pháp luật chuyên ngành (các kiến thức về lý luận nhà nước và pháp luật, các quan điểm, học thuyết, các nghiên cứu về nhà nước và pháp luật). Nội dung này gồm những ngành luật cơ bản như: Luật Nhà nước, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự,....

Căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm của đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật cần phân định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã ở mức độ phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhu cầu ngành nghề từng chức danh công chức cấp xã đang đảm nhiệm. Họ cần những hiểu biết và kỹ

năng sử dụng pháp luật ở mức độ cao, mang tính định hướng nghề nghiệp; ngoài những khái niệm pháp lý cơ bản thường gặp trong thực tiễn, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo ngành nghề còn bao gồm một số luật thực định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của đối tượng, các quyền và nghĩa vụ công dân trong lĩnh vực hoạt động và các trình tự giải quyết các tranh chấp phổ biến liên quan trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ của phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là những thông tin, kiến thức về nhà nước và pháp luật, gồm cả kiến thức pháp luật cơ bản và văn bản pháp luật thực định, thông tin về việc thực hiện pháp luật, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, việc xử lý các vi phạm pháp luật, thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể của công dân, thông tin khoa học pháp lý, kinh nghiệm của các nước trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Đối với mỗi loại đối tượng cụ thể, mức độ, yêu cầu, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật có sự khác nhau căn cứ vào nhu cầu, đặc điểm của từng loại hình đối tượng. Qua các mức độ nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã nêu trên có thể nhận thấy trong phổ biến, giáo dục pháp luật khó có một hình thức hay một chủ thể phổ biến, giáo đục pháp luật riêng biệt nào có thể đáp ứng được việc truyền tải toàn bộ nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với phạm vi rộng rãi và nhiều cấp độ cho từng loại đối tượng công chức cấp xã. Vì vậy, cần phải áp dụng phương thức phối hợp hợp lý các hình thức, phương tiện, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của các chủ thể khác nhau để bổ sung, hỗ trợ các mặt mạnh và giảm bớt những hạn chế của mỗi hình thức, phương tiện phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm được nội dung, mục đích phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng công chức cấp xã.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)