pháp luật cho công chức cấp xã
Công chức cấp xã vừa có đặc điểm của công chức Việt Nam nói chung, nhưng lại có những đặc điểm riêng về văn hóa, trình độ chuyên môn, vị trí, vai trò và ảnh hưởng... Những đặc thù của đối tượng này đòi hỏi chủ thể phải lựa chọn được những nội dung, hình thức và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật tương ứng phù hợp. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này.
- Về nội dung: Những năm qua, việc định hướng nội dung pháp luật cần phổ biến, giáo dục cho công chức cấp xã đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành và chính quyền cơ sở. Từ đó các cấp, các ngành đã tập trung vào những quy định pháp luật gắn liền với các chủ trương, chính sách nói trên, lấy tiêu chí đặc điểm địa bàn và đối tượng tuyên truyền làm cơ sở để xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với thực tiễn chấp hành pháp luật. Tuỳ theo yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể và căn cứ vào nhu cầu thực tế của công chức cấp xã, trong thời gian qua, hàng ngàn văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến nhiệm vụ của công chức cấp xã đã được phổ biến, giáo dục pháp luật như các quy định pháp luật về dân sự, kinh tế (Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp...); về quyền dân chủ của công dân (Luật Khiếu
nại, tố cáo, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Quy chế dân chủ ở cơ sở...); về an ninh, trật tự (Bộ luật Hình sự, các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Luật Biên giới quốc gia, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm...); về hội nhập kinh tế quốc tế (Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, các quy định liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO...); về văn hoá - xã hội (Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Khoa học và công nghệ, Pháp lệnh Người cao tuổi, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo...).
Theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành chủ trì dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã đảm nhận trách nhiệm chính trong việc phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật đó cho cán bộ, công chức của bộ, ngành mình; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các đoàn thể ở Trung ương và chính quyền các cấp triển khai phổ biến đến cán bộ và nhân dân, trong đó có đội ngũ công chức cấp xã.
Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và tình hình cụ thể, các địa phương đã triển khai phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương phù hợp với từng đối tượng công chức cấp xã; lựa chọn nội dung pháp luật để tuyên truyền, phổ biến căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình. Các tỉnh biên giới tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia; các tỉnh miền núi tập trung triển khai Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm phổ biến pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động... Nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật có ý nghĩa trong các đợt cao điểm diễn ra sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng (bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các lễ hội lớn, hội nghị quốc tế lớn diễn ra tại Việt Nam...). Bên cạnh đó, việc lồng ghép
nội dung pháp luật với quy ước, hương ước, luật tục tiến bộ cũng được nhiều địa phương coi trọng.
- Về hình thức và phương pháp: Được sự chỉ đạo trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, pháp luật đã được đưa tới công chức cấp xã thông qua nhiều hình thức. Để đảm bảo hiệu quả cao khi tuyên truyền pháp luật, các ngành, các cấp đều có sự lựa chọn các hình thức phù hợp với một hoặc một số đối tượng nhất định của công chức cấp xã. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền truyền thống tiếp tục được vận dụng sáng tạo bên cạnh các hình thức tuyên truyền mới.
Tuyên truyền miệng được sử dụng như một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chính,gắn bó chặt chẽ với nhiều hình thức tuyên truyền khác và là một bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời trong tổng thể các hình thức tuyên truyền pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền chiếm ưu thế, hiện được tất cả bộ, ngành, địa phương sử dụng thường xuyên thông qua việc học pháp luật, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, các lớp tập huấn và một số hoạt động khác cho công chức cấp xã. Trong nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm, lớp tập huấn cho công chức cấp xã đã tăng cường thảo luận, trao đổi, đối thoại để nắm bắt vướng mắc, nhu cầu của người nghe và giải đáp đúng những vấn đề mà họ yêu cầu.
Các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã thực hiện tuyên truyền miệng cho công chức cấp xã theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại; chủ thể tuyên truyền đã tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng khi nói, sử dụng phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền, đồng thời nắm vững đối tượng được tuyên truyền (về thành phần, trình độ, tâm lý) và nắm vững những vấn đề liên quan tới lĩnh vực văn bản điều chỉnh. Do vậy, trong thời gian qua, hiệu quả tuyên truyền miệng đã được khẳng định.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã thông qua hệ thống thông tin đại chúng ngày càng được phát huy như một hình thức đang giữ nhiều ưu thế. Nhận thức được lợi thế của hình thức này
trong giai đoạn hiện nay là phổ cập, nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp, hấp dẫn và có đông đảo bạn đọc, khán thính giả trong nước và nước ngoài, do đó, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật qua các kênh của Đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương cho mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, trong đó có công chức cấp xã. Các chuyên trang, chuyên mục trên các loại hình báo chí được củng cố và cải tiến, tăng về số lượng, cách trình bày hấp dẫn dưới nhiều hình thức (hỏi đáp, tình huống, tiểu phẩm, phóng sự, giới thiệu văn bản, nghiên cứu trao đổi...) và nội dung có ý nghĩa, thiết thực ("An toàn giao thông", "pháp luật và đời sống", "trả lời thư bạn đọc" "Truyền thanh pháp luật", "Văn bản mới", "chuyên mục phát bằng tiếng dân tộc", "tư vấn pháp luật", nêu gương người tốt việc tốt...). Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động cho công chức cấp xã thông qua đội phát thanh, đội chiếu phim lưu động đã phát huy được hiệu quả đối với những vùng, miền có nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều xã, phường, thị trấn đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.
Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã, các báo đài đã tập trung phản ánh những vấn đề thực tế bức xúc của cuộc sống có liên quan đến pháp luật như: đất đai, xây dựng, thuế, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế… Thông qua đó phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật, những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật, góp phần hoàn thiện và tăng cường hiệu lực thi hành của pháp luật.
Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã đã được biên soạn theo hướng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng,
địa bàn, đáp ứng tính thời sự và yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng giai đoạn. Ngoài sách hỏi đáp, sách chuyên đề, sổ tay pháp luật, sách nghiệp vụ, tờ gấp, đề cương giới thiệu luật, sách song ngữ Việt - Anh, tiếng Việt - tiếng dân tộc, còn có các loại tài liệu khác như băng tiếng, băng hình, trong đó thu băng các cuộc nói chuyện về pháp luật, xây dựng phóng sự, tiểu phẩm pháp luật, tình huống pháp luật, phim về đề tài pháp luật. Các loại bản tin (Tin hoạt động, Tin nội bộ, Tin tư pháp...) được xuất bản và phát hành định kỳ đã chú trọng gắn hoạt động của cá ngành với việc giới thiệu văn bản mới, câu chuyện pháp luật, gương điển hình về chấp hành pháp luật cho công chức cấp xã.
Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho công chức cấp xã diễn ra sôi nổi và ngày càng được đổi mới về cách thức tổ chức. Trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao, được sử dụng nhiều bởi ưu thế dễ dàng mở rộng phạm vi đối tượng tuyên truyền và đáp ứng được yêu cầu phổ cập pháp luật của công chức cấp xã. Bên cạnh đó, thi tìm hiểu pháp luật phát huy được tính tích cực, chủ động của công chức cấp xã và giúp họ nhận thức sâu sắc hơn nội dung pháp luật cần tìm hiểu, từ đó nâng cao ý thức pháp luật cho họ.
Ngoài thi viết truyền thống, có nơi tổ chức thi trắc nghiệm, thi vấn đáp, thi sân khấu hoá, hái hoa dân chủ, thi theo chủ đề có nội dung liên quan tới nghề nghiệp, công việc của đối tượng dự thi như: "Hòa giải viên giỏi", "Hộ tịch viên giỏi", "Tuyên truyền viên pháp luật giỏi", "Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi"...; nhiều bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức thi tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của công chức cấp xã theo nhu cầu của từng nhóm đối tượng cụ thể. Các cuộc giao lưu văn hoá, văn nghệ lồng ghép nội dung thi pháp luật được tổ chức thường xuyên giúp công chức cấp xã nắm bắt pháp luật thuận tiện, kịp thời.
Quản lý, sử dụng và khai thác tủ sách pháp luật, một hình thức phản ánh sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan tư pháp, các ban ngành liên quan trong việc đưa pháp luật đến gần dân hơn. Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ Tư pháp, đến hết tháng 8 năm 2008, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã triển khai xây dựng tủ sách pháp luật. Hiện cả nước có 11.263 tủ sách pháp luật xã/10.999 xã, phường, thị trấn, trong đó có 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng tủ sách pháp luật đến 100% đơn vị cấp xã. Nhìn chung, trong thời gian qua tủ sách pháp luật cấp xã đã trở thành chỗ dựa, là công cụ để công chức cấp xã tra cứu, tìm hiểu pháp luật, phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các hoạt động điều hành, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở, từng bước mở rộng phục vụ nhu cầu tiếp cận pháp luật của nhân dân, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức sống và làm việc theo pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở [4].
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các biện pháp khác trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã đã được quan tâm chỉ đạo sát sao hơn. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã kết nối mạng Internet, xây dựng Website, sử dụng mạng LAN trong phổ biến, giáo dục pháp luật, có có chuyên trang riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử (Bộ Tư pháp), đưa văn bản pháp luật mới ban hành trên mạng thông tin điện tử bằng tiếng nước ngoài (Thông tấn xã Việt Nam), xây dựng phần mềm giao lưu trực tuyến (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thông qua mạng misten trong nội bộ Quân đội (Bộ Quốc, phòng)... 100% Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã nối mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng Internet, nhiều huyện, xã đã ứng dụng Internet trong phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng trang chuyên đề về phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Lạng Sơn), có huyện đã xây dựng hệ thống cung cấp văn bản pháp luật qua mạng Internet ở tất cả các xã (Thái Bình) [5].