đó không bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét khắc phục sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm.
Kháng cáo, kháng nghị là căn cứ phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm. Chỉ khi có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm mới thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm. Việc xem xét phạm vi cụ thể của nội dung kháng cáo, kháng nghị là điều hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận cũng như thực tiễn để đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
2.2. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC PHIÊN TÒA PHÚC THẨM DÂN SỰ
BLTTDS quy định về thủ tục phiên tòa phúc thẩm dân sự về cơ bản được tiến hành giống như đối với phiên tòa sơ thẩm dân sự. Sau việc chuẩn bị phiên tòa do Thư ký phiên tòa tiến hành, phiên tòa phúc thẩm phải được tiến hành theo quy định tại các điều từ Điều 267 đến Điều 274 BLTTDS, theo đó thủ tục phiên tòa phúc thẩm được tiến hành theo các bước sau đây: Thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa, nghị án và tuyên án.
2.2.1. Các quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm dân sự sự
Theo quy định tại Điều 267 BLTTDS thì chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm cũng giống như đối với phiên tòa sơ thẩm. Ngoài ra, tại Mục 3, Phần III, Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của HĐTPTANDTC cũng hướng dẫn như sau:
Việc chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm cũng được thực hiện theo quy định tại các điều 212, 213, 214, 215 và 216 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, khi chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải thi hành đúng
các quy định tại các điều luật nêu trên của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Mục 5 Phần III của Nghị quyết số 02/2006/NQ- HĐTP ngày 15-5-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao [33].
Theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì thủ tục bắt đầu phiên tòa gồm những việc như khai mạc phiên tòa; giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; xem xét quyết định hoãn phiên tòa và việc bảo đảm tính khách quan của người làm chứng.
Đối với việc khai mạc phiên tòa, Điều 213 BLTTDS quy định:
1. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Thư ký Tòa án báo cáo với HĐXX về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt.
3. Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự.
4. Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
5. Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.
6. Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không [2].
Như vậy, BLTTDS đã quy định tương đối chi tiết về phần khai mạc phiên tòa, khắc phục được những vận dụng không thống nhất các quy định
của pháp luật về vấn đề này. Trước đây, Điều 49 PLTTGQCVADS, Điều 46 PLTTGQCVAKT, Điều 48 PLTTGQCTCLĐ quy định: khi bắt đầu phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử… Do vậy, khi áp dụng có Thẩm phán do thói quen nghề nghiệp, trước khi đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa thì tuyên bố khai mạc phiên tòa, nhưng lại có Thẩm phán lại chỉ đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Theo hướng dẫn tại Mục 5, Phần III của Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC thì khi khai mạc phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa cần làm các công việc sau:
Khi khai mạc phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa như sau: "Hôm nay, ngày, tháng, năm, Tòa án nhân dân … mở phiên tòa phúc thẩm công khai (không công khai) xét xử vụ án về tranh chấp… thay mặt Hội đồng xét xử, tôi tuyên bố khai mạc phiên tòa" và Quyết định đưa vụ án ra xét xử…
Đối với trường hợp HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, thì khi mở lại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa không đọc lại Quyết định đưa vụ án ra xét xử [32].
Như vậy, không phải đối với mọi phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa đều đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử mà chỉ đối với những vụ án được đưa ra xét xử lần thứ nhất, nói cách khác là chưa hoãn phiên tòa lần nào.
Ngoài ra, thủ tục khai mạc phiên tòa phúc thẩm có điểm khác với phiên tòa sơ thẩm xuất phát từ tính chất của phúc thẩm và phạm vi xét xử phúc thẩm. Ở thủ tục khai mạc phiên tòa phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa phải tuyên bố Tòa án xét lại vụ án nào, theo kháng cáo, kháng nghị của ai đối với bản án, quyết định của Tòa án nào. Sau đó, Thư ký phiên tòa báo cáo với HĐXX về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy báo, giấy triệu tập của Tòa án và lý do vắng mặt (nếu có) và Chủ tọa phiên tòa
mới tiến hành kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự.
Theo hướng dẫn tại Mục 5, Phần III Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC thì Chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước của các đương sự có mặt tại phiên tòa như sau:
a. Chủ tọa hỏi để các đương sự khai về họ, tên, ngày tháng năm sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi cư trú); nghề nghiệp (nếu đương sự là cá nhân); tên, địa chỉ trụ sở chính (nếu đương sự la cơ quan, tổ chức). đối với người đại diện hợp pháp của đương sự phải hỏi họ để họ khai về: họ, tên, tuổi; nghề nghiệp, chức vụ; nơi cư trú; quan hệ với đương sự.
b. Trong trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các đương sự về căn cước có sự khác nhau, thì cần phải xác minh chính xác về căn cước của họ [32].
So với các quy định trước đây của pháp luật, đây là một quy định mới và có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy việc kiểm tra căn cước của đương sự chỉ xác thực các thông tin về căn cước qua lời khai của họ nhưng đảm bảo tính chính xác của hoạt động xét xử vì thông qua hoạt động này, Toà án phát hiện được sự sai sót, nhầm lẫn trong các tài liệu của hồ sơ và xét xử đúng người, đúng việc.
Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của việc kiểm tra sự có mặt của người tham gia phiên tòa và kiểm tra căn cước của các đương sự nên nếu tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa bỏ qua hoạt động này sẽ bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng.
Tiếp theo, Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Theo hướng dẫn tại Mục 5, Phần III Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC thì: "Đối với việc phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người
tham gia tố tụng khác, Chủ tọa phiên tòa phải phổ biến đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại điều luật tương ứng của BLTTDS". Ví dụ, đối với nguyên đơn phải giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 58 và Điều 59 của BLTTDS… Đối với người phiên dịch, người giám định Chủ tọa phiên tòa yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên, thì yêu cầu họ cam đoan khai báo trung thực. Đây cũng là một điểm mới vì trước đây không có hướng dẫn cụ thể về việc phổ biến quyền và nghĩa vụ tại phiên tòa nên việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự tại phiên tòa phụ thuộc vào từng Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa. Quy định này giúp cho việc áp dụng pháp luật ở các Tòa án được thống nhất.
Sau khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người giám định và hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người giám định xem họ có yêu cầu thay đổi ai hay không. Nếu có, HĐXX xem xét quyết định.
Việc yêu cầu và giải quyết yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch được thực hiện theo quy định tại các điều 50, 51, 71 và 72 BLTTDS. Theo đó, yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch phải được ghi vào biên bản phiên tòa. HĐXX sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi tại phiên tòa và thảo luận tại phòng nghị án quyết định giải quyết theo đa số. Theo Mục 4, Phần II Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của BLTTDS năm 2004 thì việc giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng tại phiên tòa như sau:
4.1. Tại phiên tòa người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng phải trình bày rõ lý do và căn cứ của việc xin thay đổi người tiến hành tố tụng.
HĐXX nghe người bị yêu cầu thay đổi trình bày ý kiến của họ về yêu cầu xin thay đổi người tiến hành tố tụng.
Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng và lời trình bày của người có yêu cầu, của người bị yêu cầu thay đổi phải được ghi đầy đủ vào biên bản phiên tòa. HĐXX thảo luận tại phòng nghị án và căn cứ vào quy định tại các Điều 46, 47, 48 và 49 của BLTTDS và hướng dẫn tại các Mục 1, 2 và 3 của Phần II của Nghị quyết này quyết định theo đa số thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng.
Trường hợp quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng thì trong quyết định phải ghi rõ việc hoãn phiên tòa và đề nghị người có thẩm quyền cử người khác thay thế người tiến hành tố tụng đã bị thay đổi trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định và thời hạn hoãn phiên tòa.
4.2. Quyết định thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng phải được HĐXX công bố công khai tại phiên tòa. Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng phải được gửi ngay cho những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLTTDS… [28]. Đối với các trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm được quy định tại Điều 266 BLTTDS. Theo đó, HĐXX phúc thẩm phải hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trường hợp Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa mà vắng mặt. Đối với trường hợp VKS đã tham gia phiên tòa sơ thẩm, kháng nghị bản
án sơ thẩm và có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án mà vắng mặt Kiểm sát viên thì HĐXX phải hoãn phiên tòa.
Trong trường hợp đương sự yêu cầu phải có mặt Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án nhưng vụ án đó lại thuộc trường hợp không bắt buộc phải có sự tham gia của VKS tại phiên tòa thì HĐXX không phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, HĐXX cần tùy thuộc vào các tình tiết của vụ án có phức tạp hay không mà quyết định.
Thứ hai, trường hợp người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng. HĐXX phúc thẩm phải ra quyết định hoãn phiên tòa nếu người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng vì xét xử phúc thẩm là theo yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Theo Mục 2 Phần III Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của HĐTPTANDTC thì nếu người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng, thì HĐXX phải hoãn phiên tòa. Trường hợp không xác định được người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử cũng phải hoãn phiên tòa. Trường hợp người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa, thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt (nếu trong vụ án không có người khác kháng cáo). Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo vắng mặt thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 266 BLTTDS, HĐXX phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với người kháng cáo có mặt tại phiên tòa. Đối với phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt, HĐXX phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm, nhưng không phải ra quyết định bằng văn bản riêng mà ghi rõ quyết định đình chỉ trong bản án, nếu phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt không liên quan đến phần khác của bản án bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án cấp phúc thẩm cũng phải hoãn phiên tòa đối với người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thuộc trường hợp đương sự đã chuẩn bị tham dự phiên tòa phúc thẩm, nhưng do sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan xảy ra đối với họ ngay tại thời điểm trước ngày Tòa án mở phiên tòa hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường tới Tòa án để tham gia phiên tòa (do thiên tai, địch họa, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết…) nên họ không thể có mặt tại Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án. Đây là những trường hợp hoãn phiên tòa được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC.
Đối với người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa, thì việc hoãn phiên tòa hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 200, 201, 202, 203, 204, 205, 206 BLTTDS và hướng dẫn tại các Mục 1, 2 Phần III Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTPTANDTC. Theo các quy định này, Tòa án chỉ hoãn phiên tòa khi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã được triệu tập hợp lệ vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng. Người tham gia tố tụng khác phải là người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm mới xem xét việc hoãn phiên tòa. Nếu họ không liên quan đến việc xét xử phúc thẩm, quyền lợi của họ độc lập với việc xem xét kháng cáo, kháng nghị của Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm không phải hoãn phiên tòa.
Thực tiễn xét xử cho thấy, việc xác định lý do vắng mặt là chính đáng hay không chính đáng là rất khó khăn cho HĐXX. Để khắc phục tình trạng hoãn phiên tòa nhiều lần, BLTTDS quy định, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, người kháng cáo được tống đạt hợp lệ vắng mặt đến lần thứ 2 (không kể có lý