Sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 134 - 137)

b. Phương pháp thực chất

3.2.2 Sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể

Theo Điều 9 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã giải thích một số từ ngữ về người nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, công dân nước ngoài, người không quốc tịch: “1. Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch. 2. Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam. 3. Công dân nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài; quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài”; khoản 2, Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ- CP: “Người nước ngoài” là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch. Căn cứ vào định nghĩa này, người mang cả hai quốc tịch Việt Nam và nước ngoài sẽ không được coi là “người nước ngoài”. Do vậy, khi quan hệ ly hôn xảy ra với một công dân Việt Nam tại Việt Nam thì sẽ không được coi là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 758 Bộ luật dân sự năm 2005. Nhưng nếu một người chỉ có quốc tịch Việt Nam mà chưa nhập quốc tịch nước ngoài lại đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài thì được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP. Theo đó, khi quan hệ ly hôn xảy ra với một công dân Việt Nam thì lại được xem là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài theo

Điều 758 Bộ luật dân sự năm 2005. Điều này đã thể hiện sự bất cập. Để thống nhất áp dụng pháp luật được đúng đắn thiết nghĩ cần sửa đổi khái niệm “người nước ngoài”.

Về khái niệm “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” cũng chưa được quy định rõ ràng trong Luật quốc tịch năm 2008, Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị định 138/2006/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 4 Luật quốc tịch 2008: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Khái niệm “cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài” trên còn có cách hiểu khác nhau do chưa được giải thích, hướng dẫn. Thực tế cho thấy có nhiều người sở hữu nhiều bất động sản ở nhiều nước khác nhau và do điều kiện công việc, kinh doanh nên họ thường hay phải đi lại, di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau. Vậy khái niệm “cư trú” trên được hiểu như thế nào, là nơi người nước ngoài đăng ký tạm trú hay thường trú. Còn nơi mà người nước ngoài “làm ăn” có phải là địa điểm có trụ sở chính của Nhà máy, Công ty hay cả địa điểm có trụ sở của văn phòng giao dịch hoặc chi nhánh của Công ty. Mặt khác, “sinh sống lâu dài” được hiểu như thế nào? Thời hạn bao lâu thì được xác định là “lâu dài”? Việc xác định một đương sự trong vụ việc ly hôn có phải là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” hay không sẽ dẫn đến vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài hay không theo đó vụ việc này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam hay không và nếu có thì cấp Tòa án có thẩm quyền là cấp nào? Cần quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm xác định và trả lời cho Tòa án vấn đề “định cư” của người Việt Nam ở nước ngoài để Tòa án có căn cứ xác định đúng thẩm quyền giải quyết vụ án. Thiết nghĩ, cần bổ sung điều kiện, tiêu chí cụ thể hơn để xác định một người có phải là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” hay không? Chẳng hạn, người đó phải có thời gian tối thiểu 05 năm sinh sống hoặc lao động ở nước ngoài mới được coi là “lâu dài”. Việc quy định cụ thể như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật

được thống nhất, tránh sự lúng túng không cần thiết cho Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ việc.

Khoản 2 Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 sửa đồi, bổ sung năm 2010: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam”. Về thuật ngữ “nơi thường trú chung” được hiểu như thế nào cho đúng?, có yêu cầu ở cùng chung một nhà hay chỉ cần ở cùng một địa phương (phường, quận, thành phố...) hay ở cùng một quốc gia.

Như đã phân tích ở các phần trước, cùng một hoàn cảnh ly hôn nhưng căn cứ vào Luật hôn nhân và gia đình thì Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vì đây là ly hôn có yếu tố nước ngoài còn nếu căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ việc này lại thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện vì không có đương sự ở nước ngoài, không có tài sản ở nước ngoài, không cần ủy thác tư pháp. Điều đó có nghĩa Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật tố tụng dân sự có mâu thuẫn. Cùng một vấn đề ly hôn, theo Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết còn theo Luật hôn nhân gia đình thì thẩm quyền thuộc Tòa án cấp tỉnh. Thiết nghĩ,

cần rà soát lại các quy phạm pháp luật giữa Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hôn nhân gia đình- luật chuyên ngành để tránh những điểm mâu thuẫn bất cập như tại

đoạn 1, khoản 3 Điều 102 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và khoản 1, 2 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Với trật tự bố cục của Điều 410 Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay thì chưa thật rõ ràng, chuẩn xác dẫn đến nhiều cách hiểu, áp dụng pháp luật không thống nhất. Theo quan điểm tác giả luận văn nên chăng chúng ta cần thay đổi vị trí khoản 1 và khoản 2 trong Điều luật 410 này. Có nghĩa khoản 1 đổi thành khoản 2 và ngược lại và thêm một từ “cũng” vào khoản 2 mới. Theo đó, Điều 410 Bộ luật tố tụng dân sự có thể viết lại thành: Khoản 1: “Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây...”. Tiếp theo là khoản 2: “Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

cũng được xác định theo quy định tại Chương III của Bộ luật này, trừ trường hợp Chương này có quy định khác”.

Những vấn đề nêu trên còn có cách hiểu khác nhau và gây khó khăn không nhỏ trong việc áp dụng pháp luật, cũng như xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam hay Tòa án nước ngoài đối với một số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Do vậy, cần phải có sự hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)