Tổ chức việc thực thi pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật 60 38 01 (Trang 70 - 73)

- Đối tượng quản lý nhà nước về báo chí:

3- Lịch sử phát triển pháp luật báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy

2.4.1. Tổ chức việc thực thi pháp luật

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn quản lý được pháp luật quy định, góp phần tích cực vào sự phát triển vượt bậc của báo chí về số lượng và chất lượng. Báo chí làm tốt chức năng giám sát, phản ánh dư luận; thông tin, tuyên truyền; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đội ngũ phóng viên, nhà báo ngày càng đông, có bước phát triển, trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ. Có thể nói: Báo chí nước ta thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa; ngày càng làm tốt hơn chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi pháp luật về báo chí vẫn còn những hạn chế như:

- Về phía cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương mà trực tiếp là Bộ Văn hóa - Thông tin, Sở Văn hóa - Thông tin: Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thông tin về tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí tháng 6/2007:

Xét trên toàn bộ hệ thống, hiện vẫn chưa có được sự phối hợp một cách đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về báo chí giữa Bộ Văn hóa - Thông tin thông qua cơ quan đầu mối là Cục Báo chí với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thông qua cơ quan đầu mối là Sở Văn hóa - Thông tin; sự phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thông tin với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng khác ở địa phương còn chưa chặt chẽ, thường xuyên [28, tr. 16].

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố còn ít nhiều buông lỏng quản lý đối với hoạt động của các đài phát thanh - truyền hình. Việc phát hiện và xử lý các sai phạm cũng như việc kịp thời có những giải pháp thích hợp để xử lý những vấn đề nổi cộm trong hoạt động phát thanh - truyền hình đặc biệt là quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa việc sản xuất các chương trình truyền hình còn nhiều lúng túng, hạn chế. Trong khi đó, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo các đài phát thanh - truyền hình chưa qua đào tạo nghiệp vụ báo chí; chưa quan tâm đúng mức tới việc quy hoạch, định hướng phát triển nội dung thông tin cho các đài phát thanh - truyền hình, hoạt động quảng cáo... Trình độ nhận thức, sự hiểu biết về Luật báo chí, các văn bản dưới luật về báo chí của cán bộ quản lý báo chí còn yếu.

Nguyên nhân của hạn chế trên: Một là, do khối lượng công việc phải xử lý trong công tác quản lý nhà nước về báo chí ngày càng nhiều và phức tạp, trong khi đó đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu và yếu, một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý trong tình hình mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, Internet - công tác quản lý có tính đặc thù, đòi hỏi phải có kiến thức về công nghệ, kỹ thuật nhưng trên thực tế, trình

độ, năng lực của cán bộ quản lý, nhất là ở một số địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý. Hai là, Bộ chưa thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chuyên sâu mảng phát thanh, truyền hình, Internet; việc tổ chức tập huấn triển khai nội dung các văn bản pháp luật cho các cán bộ quản lý của các Sở chưa kịp thời. Ba là, một số địa phương, mặc dù có nhiều cơ quan báo chí, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tổ chức bộ máy hoặc phân công cán bộ chuyên trách giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí. Bốn là, Ủy ban nhân dân và Sở Văn hóa - Thông tin một số tỉnh, thành phố chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý các đài phát thanh, truyền hình và chưa có kinh phí đầu tư trang thiết bị đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của công tác quản lý báo chí. Năm là, tổ chức bộ máy quản lý nhìn chung chưa hợp lý, chức năng, nhiệm vụ, nhiệm vụ, quyền hạn chưa được xác định rõ ràng, rành mạch; khả năng phát hiện, đề xuất, kiến nghị xây dựng văn bản của cán bộ quản lý còn hạn chế....

- Về phía cơ quan chủ quản báo chí: Một số cơ quan chủ quản chưa phối hợp chặt chẽ, thống nhất với cơ quan quản lý báo chí trong xử lý vi phạm; chưa cụ thể hóa các quy định của Luật báo chí thành quy chế cụ thể về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí; chưa xây dựng cơ chế kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí trực thuộc. Đôi lúc, cơ quan chủ quản chưa xử lý nghiêm minh, kịp thời các báo có sai phạm; chưa kịp thời chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí trực thuộc xa rời tôn chỉ, mục đích, không tự giác chấp hành pháp luật báo chí. Ngoài ra, việc tuyển chọn, đề bạt, quản lý tổng biên tập, phóng viên thiếu chặt chẽ, để một số không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan một số báo; chưa thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên về đạo đức, nghiệp vụ, pháp luật báo chí.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đối tượng bạn đọc, phạm vi phát hành... nhiều cơ quan chủ quản đã quan tâm đến công tác quy hoạch báo chí, xác định tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí thuộc quyền. Tuy vậy, thực tế

cho thấy không phải tất cả các cơ quan chủ quản đều quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch. Mặc dù một số bộ, ngành có sắp xếp lại, rút bớt được một số đơn vị báo chí nhưng không đáng kể. Nhìn tổng thể, tình trạng trùng lặp, chồng chéo về loại hình, chức năng, tôn chỉ mục đích và nội dung thông tin của toàn bộ hệ thống báo chí đang gây nên sự bất hợp lý và lãng phí lớn trong hoạt động thông tin - báo chí ở nước ta hiện nay.

- Về phía cơ quan báo chí: Theo Báo cáo tình hình công tác quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Văn hóa - Thông tin tháng 6/2007: "Một số cơ quan báo chí thực hiện chưa nghiêm định hướng thông tin và chấp hành chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành" [28, tr.3].

Ngoài ra, hiện tượng báo chí thông tin sai sự thật vẫn tiếp diễn nhưng chậm được khắc phục, đặc biệt là trong việc thông tin về các vụ án.Thông tin xâm phạm bí mật đời tư công dân, thậm chí xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự nhân phẩm của công dân, vi phạm các quy định của Luật Dân sự và Luật Báo chí.

Một số cơ quan báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, không làm đúng chức năng tuyên truyền và phản ánh theo đúng nội dung đã được quy định trong giấy phép hoạt động báo chí. Tình trạng thông tin theo lối giật gân, câu khách, chỉ quan tâm đến việc bán báo mà thiếu chú ý đến hậu quả xấu do tác động của kiểu thông tin trên gây ra. Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, gây bất lợi cho hoạt động kinh tế, đối ngoại. Thông tin dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm suy giảm định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật 60 38 01 (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)