Qua các văn bản pháp luật ban hành những năm qua, có thể nói rằng quan điểm về xác lập quan hệ quản lý nhà nước đối với DNNN ngày càng rõ ràng hơn theo hướng phân biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành doanh nghiệp. Nhà nước ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này ở các mặt sau:
- Xác lập các nội dung quản lý nhà nước đối với DNNN trong khuôn khổ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung. Khơng nên tạo sự khác biệt quá lớn giữa quản lý nhà nước DNNN với quản lý nhà nước doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
- Cần phải quy định thật rõ ràng các nội dung của quản lý nhà nước đối với DNNN, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý nhà nước thực chất chính là xây dựng khung pháp lý cho DNNN hoạt động và kiểm tra việc chấp hành pháp luật của DNNN. Xây dựng khung pháp lý ở đây ngoài việc nhà nước ban hành các văn bản luật thực định, còn là việc xây dựng các thiết chế để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật được ban hành.
- Cần triệt để áp dụng nguyên tắc: các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức không được tự ý thực hiện những điều mà luật không quy định. Điều này giúp hạn chế tình trạng lạm quyền vốn là một căn bệnh rất dễ xảy ra ở những cán bộ nhà nước được giao quyền.
- Cần phải thay đổi một cách căn bản quan niệm về kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp theo các mặt sau:
Thanh tra, kiểm tra phải nhằm đến mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thấy được những sai sót, hạn chế và có biện pháp khắc phục, chứ khơng phải thanh tra để nhằm “trừng trị” doanh nghiệp. Tất nhiên doanh nghiệp vi phạm thì bị xử lý, song điều quan trọng hơn là các biện pháp phòng ngừa, hạn chế sai phạm chứ khơng phải chỉ tìm sai phạm để xử lý.
Cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cơ bản đối với doanh nghiệp và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu đó. Nói cách khác, phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, yêu cầu đối với DNNN hoạt động kinh doanh là hiệu quả theo suất sinh lời trên vốn. Nhà nước chỉ kiểm tra mức độ thực hiện yêu cầu trên mà không cần phải sa vào việc kiểm tra các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.
Không nên hiểu kiểm tra, thanh tra theo quan hệ một chiều và đơn tuyến từ nhà nước đến doanh nghiệp như lâu nay vẫn làm. Doanh nghiệp có quyền tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước xã hội. Việc kiểm tra xét cho cùng là góp phần tạo ra môi trường kinh doanh an toàn cho xã hội, do vậy cũng cần phải “xã hội hoá” hoạt động kiểm tra. Thực tế, với số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh như hiện nay, nhà nước không thể nào kiểm tra hết mọi doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có một cơ chế để các tổ chức khác nhau trong xã hội cùng tham gia kiểm tra doanh nghiệp. Ví dụ, Nhà nước có thể ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện cho các Hiệp hội nghề, Hội bảo vệ người tiêu dùng, công luận tham gia kiểm tra doanh nghiệp. Đặc biệt là xây dựng quy chế kiểm tra nội bộ doanh nghiệp mà bước đầu được thực hiện có hiệu quả trong nhiều DNNN thời gian qua.