Về hoàn thiện quy định về giá trị văn bản công chứng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị pháp lý của văn bản công chứng trong pháp luật việt nam (Trang 76 - 80)

a) Hoàn thiện các quy định về giá trị chứng cứ của văn bản công chứng

Như đã phân tích tại mục 2.1.1 nêu trên, việc quy định "văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu" có thể dẫn đến cách hiểu chỉ trong trường hợp không bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu thì các tình tiết, sự kiện có trong văn bản công chứng mới được coi là không phải chứng minh. Trên thực tế, không ít trường hợp khi giải quyết một tranh chấp có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, Tòa án yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ quá trình thực hiện công chứng của công chứng viên, xem công chứng viên có thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định hay không, có vận dụng đúng quy định của pháp luật hay không... Như vậy, vô hình chung giá trị không phải chứng minh của văn bản công chứng đã bị vô hiệu hóa. Việc xem xét lại của Tòa án là không cần thiết, gây mất thời gian, công sức.

Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải sửa quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Công chứng theo hướng bỏ cụm từ "trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu". Việc yêu cầu Tòa án xem xét lại văn bản công chứng cần được quy định theo hướng chỉ được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc công chứng hợp đồng, giao dịch không thực hiện đúng quy định của pháp luật, các thỏa thuận trong hợp đồng, giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc một bên trong hợp đồng bị nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe dọa. Quy định như vậy cũng là phù hợp, theo đó trường hợp muốn tuyên bố một văn bản công chứng vô hiệu thì người có yêu cầu cần thực hiện theo một trình tự, thủ tục riêng theo quy định tại các Điều 398, 399 và 400 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cùng với việc xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, cần phân biệt rõ giá trị pháp lý của từng loại văn bản này tương ứng với bản chất và chế độ trách nhiệm. Theo đó, đối với văn bản công chứng, những tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì không phải chứng minh; đối với văn bản chứng thực thì chỉ những tình tiết, sự kiện được cơ quan có thẩm quyền chứng thực mới có giá trị này. Như vậy, quy định về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh tại điểm c, khoản 1 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, cũng cần rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định của Bộ luật Dân sự để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Công chứng và Bộ luật Tố tụng dân sự về giá trị chứng cứ của văn bản công chứng trong mối quan hệ với văn bản tư chứng khác.

b) Hoàn thiện quy định về giá trị thi hành của văn bản công chứng

Để khắc phục tính hình thức trong quy định về giá trị thi hành của văn bản công chứng, đã đến lúc cần mạnh dạn quy định một cách cụ thể hơn về giá trị thi hành của văn bản công chứng, theo đó cần xác định trách nhiệm của các bên trong việc thi hành các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng như

thế nào; trong trường hợp một bên không tự nguyện thi hành thì bên còn lại được làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình, cũng như phương thức xử sự của nhà nước ra sao... để trên cơ sở đó hình thành cơ chế đảm bảo cho việc thi hành văn bản công chứng một cách hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, trước hết cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Công chứng theo hướng khẳng định giá trị "thi hành đối với các bên liên quan" của văn bản công chứng, đồng thời bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng cơ chế bảo đảm giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng. Tuy nhiên, việc xác định phạm vi văn bản công chứng hay nói cách khác là loại hợp đồng, giao dịch được áp dụng cơ chế bảo đảm này cần cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án sau đây:

Phương án 1: Đối với tất cả các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành theo đúng các cam kết trong hợp đồng đã được công chứng. Phương án này có ưu điểm là sẽ bảo đảm giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng một cách gần như tuyệt đối và hiện nay, pháp luật của các nước như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Tây Ban Nha đều quy định theo phương án này. Tuy nhiên, để có quy định như vậy, đòi hỏi mức độ chuyên nghiệp của nghề công chứng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ công chứng viên cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của xã hội ở mức cao và một cơ chế bảo đảm thực hiện thực sự đồng bộ, hiệu quả.

Phương án 2: Việc cho phép một bên trong hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành đối với bên còn lại, tuy nhiên không đặt ra đối với tất cả các hợp đồng, giao dịch mà chỉ giới hạn trong phạm vi một số loại hợp đồng, giao dịch nhất định. Theo đó, pháp luật thường quy định đối với các hợp đồng

vay, hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như thế chấp, cầm cố, bảo lãnh đã được công chứng, nếu một bên không tự nguyện thi hành nghĩa vụ đã cam kết của mình trong hợp đồng, giao dịch thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành hoặc cưỡng chế thi hành. Phương án này được cho là thận trọng và phù hợp với một số nước đang trong quá trình chuyển đổi, trong đó có Trung Quốc.

Ở nước ta, trong bối cảnh trình độ đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, việc chấp hành đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên còn nhiều bất cập, một số ý kiến cho rằng nếu quy định cứng việc áp dụng biện pháp thi hành ngay đối với tất cả các văn bản công chứng thì e rằng chưa khả thi, đó là chưa tính đến việc các bên có thể lợi dụng việc này để hợp thức hóa các hành vi vi phạm như thỏa thuận phân chia tài sản giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản... Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn việc áp dụng cơ chế bảo đảm thi hành đối với văn bản công chứng là các hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì chưa phát huy hết được giá trị của văn bản công chứng như đã phân tích tại mục 1.3.2. Mặt khác, việc quy định về cơ chế thực hiện hợp đồng bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình đã được pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu luận văn này, tôi nhận thấy việc áp dụng cơ chế bảo đảm giá trị bắt buộc thực hiện của văn bản công chứng mà không phụ thuộc vào loại hợp đồng theo phương án 1 có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của chế định công chứng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, thì cùng với việc khẳng định văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện, cần xác định cơ chế chặt chẽ, khả thi để bảo đảm giá trị thi hành của văn bản công chứng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giá trị pháp lý của văn bản công chứng trong pháp luật việt nam (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)