Điều lệ pháp nhân là sự ghi nhận thỏa thuận của các thành viên pháp nhân trên cơ sở khung pháp lý điều chỉnh pháp nhân. Vậy nên, nhu cầu cần thiết để xây dựng và áp dụng Điều lệ pháp nhân hiệu quả chính là khung pháp lý điều chỉnh pháp nhân.
Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phát triển của Nhà nước ta. Và pháp nhân của nền kinh tế năng động cần phải có hệ thống pháp luật đồng bộ và thích hợp. Mặc dù quan điểm nhà làm luật là xây dựng một Luật Doanh nghiệp điều chỉnh chung cho toàn bộ các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nguồn vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, xây dựng một luật chung là đúng đắn nhưng phải đảm bảo đồng bộ khung pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Gợi ý một khung pháp luật thích hợp mà đa số các quốc gia có nền kinh tế thị trường áp dụng:
Thứ nhất, cần xây dựng các luật chung (hay luật gốc) mang tính ổn định cao như: Luật điều chỉnh về tổ chức doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, luật hợp tác xã; Luật điều chỉnh hành vi kinh doanh hay thương mại như luật thương mại, luật hợp đồng, luật kinh doanh chứng khoán; Luật điều chỉnh về các quyền sở hữu như luật dân sự; Luật về tài phán và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh như luật tố tụng dân sự, luật trọng tài; Luật điều chỉnh các hành vi quản lý nhà nước đối với kinh doanh như luật cạnh tranh, luật tiêu chuẩn và chất lượng, luật bảo vệ người tiêu dùng, luật hải quan v.v...
Đối với pháp nhân Hội: cần xây dựng Luật điều chỉnh riêng về pháp nhân Hội như về tổ chức, các quyền của hội, các ràng buộc pháp lý của người
đại diện Hội, cơ chế điều chỉnh các tổ chức trực thuộc hội, các nghĩa vụ về tài chính...
Đòi hỏi của các đạo luật thuộc nhóm luật chung cần được xây dựng một cách bài bản, có tính chuyên nghiệp và ổn định cao. Liên quan đến các chế định về Điều lệ pháp nhân, phải đảm bảo tính mềm dẻo, tự do thỏa thuận, tự do cam kết các quyền và nghĩa vụ của các thành viên pháp nhân. Hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các thỏa thuận nội bộ pháp nhân như quy định về tỷ lệ, phương thức biểu quyết...
Giá trị của Điều lệ pháp nhân cần phải thể hiện rõ trong các văn bản luật. Ngoài ra, cần ghi nhận các thỏa thuận cổ đông, thỏa thuận thành viên trước và sau khi hình thành pháp nhân.
Hiện nay, trong Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã không có quy định về cơ quan phê duyệt Điều lệ pháp nhân là tổ chức kinh tế. Việc đăng ký thành lập pháp nhân cần phải có Điều lệ trong hồ sơ và không hề có văn bản của cơ quan quản lý về phê duyệt Điều lệ. Nếu nhà làm luật không quy định về cơ quan phê duyệt Điều lệ của pháp nhân là tổ chức kinh tế thì trong quy định của Luật cũng cần ghi nhận vấn đề này.
Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời, sự chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành Công ty một thành viên, Luật Doanh nghiệp nhà nước không còn hiệu lực kể từ ngày 01/07/2010 thì vấn đề đặt ra là: sẽ có hai loại doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi là doanh nghiệp công ích hay đặc thù và doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực công ích, đặc thù. Xuất phát từ mục đích hoạt động của doanh nghiệp công ích. Vậy nên chăng có đạo luật điều chỉnh loại hình doanh nghiệp công ích, nắm hay chi phối những lĩnh vực độc quyền cao điều chỉnh theo luật riêng (gọi là luật công). Còn lại doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thông thường có vốn nhà nước sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chung (hay luật tư) và cùng cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp có nguồn vốn tư nhân.
Thứ hai, xây dựng nhóm các luật điều chỉnh kinh doanh đặc thù như luật xây dựng, luật hàng không, luật bảo hiểm, luật các tổ chức tín dụng hàng, luật hàng hải, luật xuất bản v.v... Các luật này có tính chất là luật riêng, không điều chỉnh toàn diện mà chỉ đề ra các điều kiện đặc thù mang tính ngành, có thểchi phối theo hướng bổ sung, thậm chí thay thế các quy định liên quan của các luật chung (bao gồm cả các quy định về tổ chức và hành vi của pháp nhân).
Thứ ba, nhóm các Luật thể chế hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước như: các luật thuế, luật khuyến khích đầu tư, xuất khẩu, luật sử dụng đất đai…
Thứ tư, các văn bản hướng dẫn luật (nghị định, thông tư) phải đảm bảo hướng dẫn rõ ràng và đúng phạm vi và tinh thần của luật.
Xuất phát từ hoạt động của pháp nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau và được điều chỉnh bởi từ nhiều nguồn luật. Vậy các nội dung của Điều lệ pháp nhân cũng chịu chi phối của luật chung và luật đặc thù. Vậy nên pháp nhân, cũng như thỏa thuận tại Điều lệ cần phải được điều chỉnh bởi khung pháp lý đồng bộ và chi tiết.
Vì pháp nhân ngoài chịu sự điều chỉnh của luật chung (Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp), còn chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành như (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giáo dục, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xuất bản, Luật Dầu khí, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Báo chí, Luật Dầu khí, luật kế toán...) về vấn đề hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thì khi có xung đột pháp luật của các văn bản thì giải quyết ra sao. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/CP thì đương nhiên phải áp dụng Luật Doanh nghiệp. Điều này khiến cho những quy định về thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý trong các đạo luật chuyên ngành trên sẽ không còn tác dụng nữa. Quy định tại Điều 3 Nghị định 139/CP sẽ làm rắc rối hơn cho nhà đầu tư và cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, để giải quyết điều này cần quy định theo Điều 2 Luật Doanh nghiệp năm 1999, là "trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 với các quy định của luật chuyên ngành sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật chuyên ngành đó".
Ngoài ra, các nhà làm luật cần ghi nhận và thể chế hóa các quy định của luật về các thỏa thuận pháp nhân, các nguyên tắc hình thành thỏa thuận, cách thức áp dụng và công khai các thỏa thuận pháp nhân.
Đây là thực tế xảy ra phổ biến trong pháp nhân, đặc biệt là pháp nhân là tổ chức kinh tế. Các cổ đông, thành viên có những thỏa thuận như về vấn đề vốn, về cách thức phát hành cổ phiếu, về đại diện, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật, cách thức phân chia lợi nhuận. Phần lớn các tranh chấp xảy ra là từ các thỏa thuận cổ đông, thành viên vì Điều lệ không đáp ứng đủ phạm vi điều chỉnh hoặc các đặc thù của các thỏa thuận phát sinh từ trước hoặc sau khi pháp nhân hình thành.
Vậy nên, pháp nhân cần có một Điều lệ hoàn thiện, khả thi và các thỏa thuận đúng luật. Có như vậy, Điều lệ mới thực sự là hiến pháp của doanh nghiệp.