Điều 5 Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội quy định:
Hội thành lập hợp pháp phải hoạt động theo đúng điều lệ của hội và theo đúng các luật lệ hiện hành, được phép thu hội phí của hội viên, mua bán đổi chác tài sản cần thiết cho sự hoạt động của hội và thưa kiện trước tòa án. Những người chịu trách nhiệm chính của hội, tùy trường hợp, là những người sáng lập hay là những ủy viên ban chấp hành của hội [10].
Pháp nhân hội hiện nay chịu sự điều chỉnh của các văn bản luật như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội; Nghị định số 45 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội. Trong quá trình xác lập, ban hành, sửa đổi và áp dụng Điều lệ pháp nhân gặp những bất cập sau đây:
+ Bất cập do thiếu Luật điều chỉnh về Hội và điều lệ hội:
Cho đến thời điểm này, pháp nhân hội chịu sự điều chỉnh của các Nghị định được ban hành bởi Chính phủ. Nhu cầu đặt ra là cần có Luật về pháp nhân hội. Có như vậy, thành viên có cơ sở pháp lý xác lập nội dung điều lệ.
Mặt khác, sự ra đời của Luật về hội sẽ tạo sự bình đẳng giữa các hội công do Nhà nước thành lập (Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Công đoàn Việt Nam …) và các hội tư.
Từ nhu cầu đó, Dự thảo Luật về hội đã được trình Quốc hội khóa X. Tuy nhiên, cho đến nay luật này vẫn chưa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.
+ Thiếu quy định chi tiết điều chỉnh về vốn và tài sản pháp nhân hội: Xuất phát từ mục đích là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không vì mục đích lợi nhuận (Điều 3 Nghị định số 45 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội).
Do vậy, mục đích tương trợ lẫn nhau, không phải là hoạt động đầu tư vào quá trình sản xuất kinh doanh nên pháp nhân hội có tài sản và vốn hoạt động là từ nguồn kinh phí thu từ hội viên, nguồn vốn tài trợ, vốn vay… Việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản của hội cũng là vấn đề quan trọng được ghi nhận tại Điều lệ hội, được các thành viên thông qua.
Hiện nay, với cơ chế mở của nhà nước, hội có thể sử dụng nguồn tài chính của mình để tham gia với tư cách nhà đầu tư vốn vào pháp nhân khác hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tạo lợi nhuận. Vậy vấn đề đặt ra là nhà nước quản lý đối với hoạt động này của hội ra sao và căn cứ nào để chứng minh vốn điều lệ khi tham gia góp vốn thành lập pháp nhân trực thuộc hội… Đây là vấn đề đang là thực tế và thiếu quy định điều chỉnh của pháp luật.
Nguyên tắc quản lý tài sản của hội được ghi nhận tại Điều lệ để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tự chịu trách nhiệm của hội. Về quản lý tài chính, tài sản của hội được tuân thủ theo Điều lệ hội và pháp luật về quản lý tài chính của Nhà nước.
+ Bất cập do thiếu quy định của pháp luật về điều kiện người đại diện pháp luật pháp nhân hội:
Pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện (Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2005)
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người do pháp luật hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền qui định, để đại diện cho pháp nhân xác lập, thực hiện các giao dịch (ký kết hợp đồng) hay hành vi dân sự, hành chính, tham gia tố tụng nhân danh pháp nhân.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định về phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật như: Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện (Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Pháp nhân với tư cách là thực thể pháp luật tạo ra. Cho nên, người đại diện pháp nhân là do pháp luật quy định về điều kiện tư cách, nội dung, cách thức xác lập, chấm dứt đại diện…
Người đại diện của pháp nhân hội được bầu tại Đại hội hội viên. Sau khi ban lãnh đạo và người đại diện pháp nhân hội phải gửi Biên bản bầu lãnh đạo, ban kiểm tra kèm theo Điều lệ và Biên bản thông qua Điều lệ cho cơ quan ra Quyết định thành lập pháp nhân hội (Điều 12 Điều 12 Nghị định số 45 về tổ chức hoạt động quản lý hội). Tại Điều 19 Nghị định nêu rõ cơ cấu tổ chức của hội gồm: Đại hội, Ban lãnh đạo, Ban kiểm tra và các tổ chức khác do điều lệ hội quy định. Về các quyền của hội tại Điều 23, ngoài các quyền như tuyên truyền mục đích của hội; phổ biến, huấn luyện kiến thức cho hội viên; tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật...
Như vậy, pháp nhân hội hoạt động cũng thông qua đại diện của mình. Tư cách đại diện khi xác lập quan hệ, giao dịch phải được thể hiện bằng văn bản. Pháp nhân hội phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của người đại diện. Đại diện cho pháp nhân hội có thể là một người hoặc nhiều người (Ban thường trực, ban lãnh đạo). Thông qua kế hoạch, nhiệm vụ của pháp nhân hội đã được Đại hội hội viên phê duyệt, người đại diện sẽ thực hiện trong phạm vi chức năng của mình.
Ngoài ra, trong Điều lệ cũng quy định điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hội. Việc ghi nhận này có ý nghĩa rất lớn đối với pháp nhân nói chung và pháp nhân hội nói riêng:
Thứ nhất, việc quy định vấn đề đại diện của pháp nhân tại điều lệ là căn cứ pháp lý để xác lập phạm vi, quyền hạn được pháp luật cho phép đối với người đại diện. Từ đó, xác định giao dịch của pháp nhân thông qua người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền có hiệu lực pháp lý như các thể nhân khác. Pháp luật bảo đảm về tư cách đại diện của pháp nhân trong quan hệ với bất cứ bên thứ ba nào, đại diện pháp nhân trước cơ quan nhà nước, tham gia tố tụng tại các cấp Tòa án.
Thứ hai, thông qua người đại diện pháp nhân hội, cơ quan quản lý nhà nước và người khác có thể xác định được trách nhiệm của pháp nhân. Từ trách nhiệm của người đại diện sẽ xác định được trách nhiệm của pháp nhân.
Tuy nhiên, pháp luật không quy định rõ về điều kiện, cách thức, phạm vi đại diện… của người đại diện pháp nhân hội. Đây là những bất cập về quy định pháp luật điều chỉnh điều lệ hội.
Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh về pháp nhân và Điều lệ pháp nhân đang được các nhà làm luật ngày càng hoàn thiện và đáp ứng được thực tế đời sống pháp nhân. Từ đó, pháp luật góp phần thiết lập và nâng cao giá trị pháp lý của Điều lệ pháp nhân, tạo sự bình đẳng giữa các pháp nhân trước pháp luật.
Chương 3