Chương 1 : KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỪA KẾ
2.2. Hàng thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam
2.2.2. Hàng thừa kế thứ hai
Thứ tự ưu tiên hưởng di sản thừa kế của người chết trước hết phải thuộc về những người được quy định ở hàng thừa kế thứ nhất. Chỉ khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối hưởng di sản thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai mới được hưởng di sản của người chết để lại. Theo quy định tại Điều 676 BLDS năm 2005, hàng thừa kế thứ hai bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định ông bà nội, ngoại thuộc hàng thừa kế thứ hai của các cháu và các cháu cũng thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông bà nội, ngoại. So với Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và BLDS năm 1995 thì BLDS năm 2005 đã bổ sung thêm “cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại” vào hàng thừa kế thứ hai. Việc bổ sung thêm trường hợp “cháu ruột” vào hàng thừa kế thứ hai là hoàn toàn hợp lý. Pháp luật HNGĐ năm 2000 quy định: “Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu” [24]. Nếu như ông, bà có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu thì cháu cũng có nghĩa vụ yêu thương, kính trọng ông, bà nếu ông, bà già yếu không có người nuôi dưỡng thì cháu cũng có nghĩa vụ nuôi dưỡng ông bà bởi ông bà còn là bề trên của các cháu. Pháp luật không phân biệt đối xử giữa bên nội và bên ngoại vì vậy ông bà nội, ngoại đều thuộc hàng thừa kế thứ hai của cháu ruột mình và ngược lại cháu ruột cũng thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông bà nội, ngoại.
Thông tư 81 ngoài việc quy định anh, chị, em ruột thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau còn quy định anh, chị, em nuôi thuộc hàng thừa kế này. Quy định này của Thông tư 81 là chưa phù hợp bởi anh, chị, em nuôi không có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng nhau nên không thể xếp vào hàng thừa kế thứ hai để được hưởng di sản thừa kế của nhau. Pháp lệnh thừa kế năm 1990, BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 đã khắc phục nhược điểm này của Thông tư 81 bằng cách loại bỏ người thừa kế là anh nuôi, chị nuôi, em nuôi ra khỏi hàng thừa kế thứ hai.
chị em ruột của người chết là những người có cha mẹ chung hoặc là anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với người chết. Như vậy, một người mẹ sinh ra bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đều là anh chị em ruột của nhau không phụ thuộc vào các con đó là cùng cha hay khác cha. Tương tự, một người cha sinh ra bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đều là anh chị em ruột của nhau không phụ thuộc vào việc các con đó cùng mẹ hay khác mẹ.
Con riêng của vợ và con riêng của chồng không phải là anh chị em ruột của nhau. Con đẻ của một người và con nuôi của người đó không phải là anh chị em ruột của nhau vì vậy pháp luật dân sự không quy định những người này thuộc diện và hàng thừa kế của nhau.