Thực trạng giải quyết tại Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.002 (Trang 66 - 73)

Chương 1 : KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỪA KẾ

3.2. Thực trạng giải quyết tại Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa

Huế, Thành phố Đà Nẵng

Từ năm 2007 đến năm 2011, số lượng án phúc thẩm về thừa kế tại Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng và Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế tăng, giảm theo từng năm. Các án sơ thẩm của Tòa án cấp Huyện bị kháng nghị hầu hết là giữ nguyên án sơ thẩm hoặc sửa án. Trong số các án phúc thẩm về thừa kế có một số án liên quan đến diện và hàng thừa kế như sau:

Thứ nhất: xác định sai hàng thừa kế. Chúng ta xem xét vụ án sau:

Ngày 05/10/2006 chị Thoa có đơn xin chia thừa kế di sản của cha, mẹ mình là ông Đỗ Văn Túy và bà Hồ Thị Gái.

Tại bản án dân sự sơ thẩm do Tòa án nhân dân Huyện PĐ xét xử đã quyết định

Chấp nhận đơn kiện xin chia thừa kế của bà Thoa.

Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của ông Đỗ Văn Túy là bà Hồ Thị Gái, anh Đỗ Văn Thùy, Đỗ Văn Cảm, chị Đỗ Thị Thoa và anh Đỗ Văn Nam. Tòa án nhận định do anh Đỗ Văn Thùy chết trước ông Đỗ Văn Túy nên 02 người con là Đỗ Nga Thu và Đỗ Nga Thy được hưởng thừa kế thế vị phần di sản mà đáng ra anh Thùy sẽ được hưởng. Phần di sản

Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của bà Hồ Thị Gái là anh Đỗ Văn Thùy, Đỗ Văn Cảm, chị Đỗ Thị Thoa và anh Đỗ Văn Nam. Tòa án nhận định do anh Đỗ Văn Thùy chết trước ông Hồ Thị Gái nên 02 người con là Đỗ Nga Thu và Đỗ Nga Thy được hưởng thừa kế thế vị phần di sản mà đáng ra anh Thùy sẽ được hưởng từ mẹ mình là bà Hồ Thị Gái.

Anh Đỗ Văn Cảm, chết năm 2002 nên vợ là chị Nguyễn Thị Kệ và con là Đỗ Đức Thanh thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Cảm.

Trên cơ sở diện và hàng thừa kế xác định như đã nêu trên, quyết định của bản án sơ thẩm đã phân chia di sản thừa kế của ông Đỗ Văn Túy và bà Hồ Thị Gái để lại cho các đồng thừa kế căn cứ vào kỷ phần mỗi người được hưởng.

Không đồng ý với quyết định bản án sơ thẩm, bà Thoa và ông Nam cùng có đơn và nộp dự phí kháng cáo theo qui định của pháp luật. Theo đơn kháng cáo ông bà cho rằng việc anh trai mình là Đỗ Văn Thùy đã chết trước cha mẹ nghĩa là chết trước thời điểm mở thừa kế nên anh mình là ông Thùy không có quyền hưởng di sản mà cha mẹ để lại, hai cháu con anh Thùy không thể được hưởng thừa kế thế vị phần tài sản mà ông bà để lại.

Tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Về diện và hàng thừa kế, cấp sơ thẩm căn cứ vào quan hệ huyết thống xác định hàng thừa

kế thứ nhất của ông Đỗ Văn Túy là bà Hồ Thị Gái, anh Đỗ Văn Thùy, Đỗ Văn Cảm, chị Đỗ Thị Thoa và anh Đỗ Văn Nam. Hàng thừa kế thứ nhất của bà Hồ Thị Gái là anh Đỗ Văn Thùy, Đỗ Văn Cảm, chị Đỗ Thị Thoa và anh Đỗ Văn Nam là có căn cứ, đúng pháp luật.

Vì anh Đỗ Văn Thùy chết năm 1996 (chết trước thời điểm người để lại di sản là cha mẹ mình chết nên căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án sơ thẩm đã xác định 02 người con của anh Thùy là Đỗ Nga Thu và Đỗ Nga Thy được hưởng thừa kế thế vị) là có căn cứ và đúng pháp luật.

Tại án phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Huyện PĐ, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

* Nhận xét: BLDS năm 2005, cũng như BLDS năm 1995 đều xác định diện và hàng thừa kế theo mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng của những người thừa kế với người để lại di sản. Tại Điều 677 BLDS năm 2005, đã quy định về trường hợp hưởng thừa kế thế vị của con, cháu người để lại di sản khi cha, mẹ chúng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Với những quy định của pháp luật hiện hành thì thừa kế thế vị là một trong những căn cứ phản ánh sâu sắc nhất diện thừa kế theo quan hệ huyết thống.

Thứ hai: Chưa xác định đúng thừa kế thế vị, thừa kế hàng thứ hai. Chúng ta xem xét vụ án sau đây

Ông Nguyễn Đình Ân và bà Hoàng Thị Cần kết hôn hợp pháp năm 1978, ông bà có ba người con là Nguyễn Nhân, Nguyễn Nghĩa, Nguyễn Trí.

Năm 1985, ông Ân và bà Cần xảy ra mâu thuẫn, bà Cần vào Bình Định và lấy chồng khác là ông Hồ Văn Nam. Năm 1986, ông Nguyễn Đình Ân chung sống như vợ chồng với bà Đặng Tố Tâm không đăng ký kết hôn. Ông Ân và bà Tâm có hai người con chung là Nguyễn Thị Tố Nguyệt và Nguyễn Thị Tố Nga.

Ông Ân và bà Tâm tạo lập được một khối tài sản chung là một căn nhà hai tầng trên diện tích đất là 635 m2, một chiếc ô tô trị giá 500 triệu đồng.

Năm 2004, ông Ân chết không để lại di chúc. Năm 2008, bà Tâm khởi kiện nộp tại Tòa án nhân dân Huyện HV yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế mà ông Ân để lại.

Tại bản án dân sự sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện HV đã quyết định: Bác đơn yêu cầu chia thừa kế của bà Đặng Tố Tâm đối với di sản mà Ông Nguyễn Đình Ân để lại vì việc bà Đặng Tố Tâm chung sống như vợ chồng với ông Nguyễn Đình Ân là bất hợp pháp, quan hệ giữa bà Tâm và ông Ân không được coi là quan hệ vợ chồng hợp pháp nên bà Tâm không thuộc diện và hàng thừa kế được hưởng di sản thừa kế mà ông Ân để lại.

Ngày 24/10/ 2008, bà Tâm làm đơn kháng cáo và nộp dự phí kháng cáo. Tại Tòa án cấp phúc thẩm, bà Tâm cho rằng mình mặc dù không đăng ký kết hôn với ông Ân nhưng vì ông bà sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, có con chung, có tài sản chung vì vậy quan hệ giữa bà và ông Nguyễn Đình Ân phải được coi là hôn nhân hợp pháp và bà phải thuộc hàng thừa kế, được hưởng di sản thừa kế mà ông Ân để lại.

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

Căn cứ vào Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc "Hướng dẫn thi hành Luật HNGĐ năm 1986" có qui định: Đối với các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn "tuy có vi phạm về thủ tục kết hôn, nhưng không coi là việc kết hôn trái pháp luật, nếu việc kết hôn không trái với các điều 5, 6, 7 Luật HNGĐ năm 1986". Như vậy, "hôn nhân thực tế" được hiểu là nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, họ có đủ điều kiện để đi đăng ký kết hôn, nhưng họ không đi đăng ký kết hôn, quan hệ hôn nhân của họ được xác lập từ thời điểm họ về chung sống với nhau như vợ chồng.

Căn cứ vào Nghị quyết số 35/ 2000/ QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội "Về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000"; Mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/ 2000/ QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội, quy định nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) nếu họ không đi đăng ký kết hôn thì họ vẫn là vợ chồng của nhau. Quan hệ hôn nhân giữa họ được xác lập kêt từ thời điểm họ về chung sống với nhau như vợ chồng (pháp luật chỉ khuyến khích họ đi đăng ký kết hôn chứ không bắt buộc).

Tòa Phúc thẩm nhận định, bà Tâm sống chung với ông Ân trước ngày 03/01/1987 nhưng tại thời điểm đó, ông Ân là người đang có vợ hợp pháp là bà Cần. Bà Cần và ông Ân chưa xin ly hôn và cũng chưa có bản án của Tòa án giải quyết cho ly hôn nên quan hệ hôn nhân của ông Ân và bà Cần là hôn nhân hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Việc bà Tâm chung sống với ông Ân là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, không thể xác định là hôn nhân thực tế được. Vì thế, bà Tâm không đượcpháp luật thừa nhận là vợ ông Ân, nên không được hưởng di sản của ông Ân để lại.Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, bác yêu cầu xin chia thừa kế của bà Tâm đối với di sản của ông Ân để lại.

Nhận xét: Khái niệm hôn nhân thực tế mà pháp luật quy định chỉ áp dụng cho trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 chưa đi đăng ký kết hôn nhưng không thuộc một trong những trường hợp pháp luật cấm kết hôn (như không rơi vào trường hợp đang có vợ hoặc đang có chồng), không vi phạm điều kiện kết hôn thì quan hệ hôn nhân giữa họ mới được coi là hôn nhân thực tế. Trường hợp một trong hai người hoặc cả hai người vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì

quan hệ hôn nhân giữa họ không thể được coi là hôn nhân thực tế do vậy họ không thể là vợ chồng hợp pháp, họ không thuộc diện và hàng thừa kế theo pháp luật của nhau.

Thứ ba: Nhầm lẫn giữa thừa kế thế vị và thừa kế theo pháp luật. Chúng ta xem xét vụ án cụ thể sau:

Năm 1946, cụ Nguyễn Thị Năm kết hôn với cụ Lê Bảy sinh được 02 người con là ông Lê Ba và ông Lê Bốn.

Năm 1952, cụ Lê Bảy chết không để lại di chúc. Năm 1958, cụ Nguyễn Thị Năm lấy cụ Nguyễn Văn Đăng, sinh được 03 người con là Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Thị Hoa. Năm 1989, cụ Nguyễn Thị Năm chết, không để lại di chúc.

Năm 2001, cụ Nguyễn Văn Đăng chết không để lại di chúc.

Cụ Nguyễn Văn Đăng và cụ Nguyễn Thị Năm có một căn nhà 3 gian trên diện tích đất 435 m2 và 20 cây vàng. Hiện do ông Nguyễn Văn Đức quản lý, sử dụng.

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Hoa nộp đơn xin chia di sản thừa kế của cha, mẹ mình là cụ Nguyễn Văn Đăng và cụ Nguyễn Thị Năm.

Tại bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Huyện QĐ quyết định: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện xin chia di sản thừa kế của bà Hoa. Xác định thời điểm mở thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Năm là năm 1989. Thời hiệu quyền khởi kiện thừa kế đối với di sản của cụ Nguyễn Thị Năm được tính đến hết ngày 10/3/2003. Bà Nguyễn Thị Hoa nộp đơn xin chia di sản thừa kế tại Tòa án nhân dân huyện QĐ vào năm 2008 nên thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị Năm đã hết thời hiệu. Phần di sản của cụ Nguyễn Thị Năm tiếp tục giao cho ông Nguyễn Văn Đức quản lý.

Xác định thời điểm mở thừa kế di sản của cụ Nguyễn Văn Đăng là năm 2001. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Đăng bao gồm:

Ông Nguyễn Văn Đức, ông Nguyễn Văn Bình, bà Nguyễn Thị Hoa, ông Lê Ba, ông Lê Bốn. Mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Huyện QĐ, bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Đức nộp đơn kháng cáo tại Tòa án nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nội dung trong đơn kháng cáo Bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Đức cho rằng: Ông Lê Ba và ông Lê Bốn không phải là con đẻ của cụ Nguyễn Văn Đăng nên không thể được hưởng thừa kế di sản mà cụ Đăng để lại.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại phiên tòa nhận thấy: Cụ Lê Bảy đã chết năm 1952 nên đến năm 1958, cụ Nguyễn Thị Năm đã lấy cụ Nguyễn Văn Đăng. Hai ông Lê Ba, Lê Bốn là con riêng của cụ Nguyễn Thị Năm với cụ Lê Bảy. Sau khi cụ Nguyễn Thị Năm lấy cụ Nguyễn Văn Đăng thì ông Lê Ba về chung sống với dì ruột của mình chỉ có ông Lê Bốn ở với mẹ và cha dượng. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định giữa cụ Nguyễn Văn Đăng và ông Lê Bốn là có quan hệ chăm sóc lẫn nhau như cha con vì sau khi kết hôn với cụ Nguyễn Thị Năm, cụ Đăng và cụ Năm đã nuôi dạy ông Lê Bốn và cụ Đăng coi ông Lê Bốn như con đẻ vì vậy Tòa phúc thẩm nhận định ông Lê Bốn được hưởng di sản thừa kế mà cụ Đăng để lại. Về trường hợp của ông Lê Ba, Tòa phúc thẩm nhận định, ông Lê Ba về chung sống với dì ruột ngay từ khi mẹ là cụ Nguyễn Thị Năm lấy cụ Nguyễn Văn Đăng nên không hề có mối quan hệ nuôi dưỡng với cụ Đăng vì vậy ông Lê Ba không thuộc diện thừa kế di sản của cụ Đăng để lại. Tòa án phúc thẩm đã quyết định sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Đức.

Nhận xét: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Tòa án xác định sai những người trong diện thừa kế theo quan hệ nuôi dưỡng giữa cha mẹ

nuôi với con nuôi, giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng là còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhận con nuôi đang phổ biến trong xã hội hiện nay. Pháp luật dân sự đặt ngang bằng mối quan hệ nuôi dưỡng với quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân chính vì vậy diện thừa kế theo quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng cần phải được quy định cụ thể hơn nữa nhất là mối quan hệ giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, của chồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.002 (Trang 66 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)