Hiến pháp năm 1959 ra đời đã ghi nhận VKSND là một cơ quan trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 1960 đã ghi nhận VKSND có nhiệm vụ: "Điều tra những việc phạm pháp về hình sự, truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan công an và của CQĐT khác; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam, giữ của các trại giam...". Điều này cho thấy, từ khi mới thành lập VKSND đã có trách nhiệm quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo cho pháp luật tố tụng hình sự được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt nam, Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND có những bước tiến và có những thay đổi căn bản về nội dung. Nhưng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của VKS vẫn được ghi nhận. Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 2002 đã quy định: "Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng những công tác sau đây:
1. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
...
3. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự;...".
Như vậy, trải qua một thời gian dài phát triển cho đến nay trong lĩnh vực tư pháp hình sự VKS vẫn có trách nhiệm, quyền hạn là kiểm sát việc tuân theo pháp luật - đây là một trong hai chức năng cơ bản của VKS và được thực
hiện thông qua các khâu công tác cơ bản là: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra (kiểm sát điều tra); kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử (kiểm sát xét xử); kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án(kiểm sát thi hành án) và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam, giữ, cải tạo(kiểm sát giam giữ cải tạo). Từ khi có BLHS và BLTTHS thì công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự được quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn để phù hợp với các giai đoạn của tố tụng hình sự. Trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự thì toàn bộ hoạt động tố tụng của CQĐT chịu sự kiểm sát của khâu công tác kiểm sát điều tra và khâu kiểm sát giam, giữ. Các khâu công tác này có quyền sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đã được pháp luật quy định để tác động đến hoạt động của các chủ thể tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự.
Từ những phân tích trên cho thấy khâu công tác kiểm sát là quá trình hoạt động nghiệp vụ của VKS trong các giai đoạn tố tụng hình sự, nhằm thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố của ngành kiểm sát.
Xuất phát từ nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho mỗi cấp kiểm sát khác nhau, cũng như nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong mỗi thời kỳ khác nhau, từ số lượng biên chế cán bộ và trình độ của các cán bộ, kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát cụ thể khác nhau, nên việc tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự ở mỗi cấp kiểm sát không hoàn toàn giống nhau. Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002, hệ thống cơ quan VKS được tổ chức thành 3 cấp: Cấp trung ương là VKSND Tối cao; Cấp tỉnh gồm VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) và cuối cùng là VKSND cấp huyện gồm VKSND các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).
Theo mô hình tổ chức đầy đủ với nghĩa mỗi khâu công tác là một đơn vị nghiệm vụ để thực hiện chức năng của ngành, thì ở VKSND Tối cao có các
vụ nghiệp vụ; ở VKSND cấp tỉnh có các phòng nghiệp vụ và ở cấp huyện có bộ phận nghiệp vụ. Theo quy định hiện nay, để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra, VKS các cấp tổ chức theo mô hình sau:
- VKSND Tối cao tổ chức 2 đơn vị nghiệp vụ gồm;
+ Vụ kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
+ Vụ kiểm sát giam, giữ và cải tạo
- VKSND cấp tỉnh tổ chức 2 đơn vị nghiệp vụ gồm:
+ Phòng kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
+ Phòng kiểm sát giam giữ và cải tạo
Tuy nhiên, ở VKSND cấp tỉnh do nhu cầu chuyên môn hóa công tác nên riêng công tác kiểm sát điều tra có thể được tổ chức thêm một phòng kiểm sát điều tra theo loại tội phạm được phân công kiểm sát điều tra, cụ thể:
+ Phòng kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm các vụ án an ninh - ma túy.
- VKSND cấp huyện được tổ chức một bộ phận chuyên môn là bộ phận hình sự - trong đó thực hiện cả kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát giam, giữ.
Việc tổ chức các đơn vị nghiệp vụ theo mô hình nói trên dựa trên cơ sở tổ chức thực hiện việc "thông khâu". Cách tổ chức thực hiện "thông khâu" kiểm sát ở đây được hiểu là mô hình tổ chức bộ máy mà theo đó một đơn vị nghiệp vụ được giao đảm nhiệm nhiều công tác kiểm sát khác nhau hoặc được giao thêm những nhiệm vụ vốn là của công tác kiểm sát khác. Theo đó thì "thông khâu" tức là thông giữa công tác kiểm sát điều tra với kiểm sát xét xử (sơ thẩm), điều này có nghĩa kiểm sát viên của phòng kiểm sát điều tra đảm
đương luôn hoạt động kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự, đồng thời thực hiện chức năng thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án đó.
Ví dụ, một kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra sơ thẩm một vụ án hình sự A thì kiểm sát viên đó tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử tại phiên toà đối với vụ án hình sự A mà mình đã kiểm sát điều tra.
Vậy, về bản chất của việc tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong tư pháp hình sự theo mô hình "thông khâu" có nghĩa là một biện pháp quy định một đơn vị nghiệp vụ thực hiện hai hoặc nhiều hoạt động của hai hoặc nhiều công tác kiểm sát khác nhau, tức là một kiểm sát viên của một đơn vị nghiệp vụ có thể thực hiện " thông" từ công tác kiểm sát điều tra sang công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
*
* *
Trên đây chúng tôi đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận về giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự và chức năng kiểm sát khởi tố - điều tra vụ án hình sự của VKS trong tố tụng hình sự.
Trình tự, thủ tục của quá trình giải quyết vụ án hình sự trong giai đoạn khởi tố - điều tra và quy định về hoạt động kiểm sát trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự của VKS đã được BLTTHS nước ta quy định khá cụ thể. Vậy, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra được pháp luật quy định như thế nào? vấn đề này cần có sự nghiên cứu làm rõ. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa việc tiếp tục nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm sát trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự là một yêu cầu mang tính khách quan để thấy được những bất cập cần đưa ra các kiến nghị sửa đổi bổ sung nhằm hoàn thiện trong xây dựng pháp luật về tố tụng hình sự. Luận văn này chúng tôi không đi vào phân tích trình tự, thủ tục trong giai đoạn khởi tố - điều tra mà tập
trung nghiên cứu các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự quy định chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khởi tố - điều tra vụ án hình sự. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ trình bày các quy định của pháp luật về kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự.
Chương 2