1.1. Tổng quan một số vấn đề lý luận về người khuyết tật
1.1.4.1. Phụ nữ khuyết tật
So với nam giới, nữ giới thường bị yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi hơn trong việc hoà nhập xã hội và bị phân biệt đối xử, bất kể năng lực làm việc của họ là như thế nào. Đối với nhóm phụ nữ khuyết tật, bài toán càng trở nên nan giải hơn bởi
những rào cản về mặt xã hội, sự kỳ thị của cộng đồng, vấn đề bất bình đẳng giới… ngoài ra còn có cả sự thờ ơ, ghẻ lạnh của gia đình và chính sự tự ti của bản thân phụ nữ khuyết tật. Như vậy sự phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật được nhân lên gấp đôi vì họ là phụ nữ và lại bị khuyết tật. Khi phụ nữ khuyết tật làm việc, họ thường phải đối mặt với những bất công trong tuyển dụng và khả năng thăng tiến, bất công trong đào tạo và đào tạo lại, bị trả lương thấp trong khi phải làm như mọi người và bị tách biệt với những người khác. Ở khắp nơi trên thế giới, họ ít được tham gia hơn vào các chương trình đào tạo nghề và tái thích ứng nghề nghiệp, và ngay cả khi đã qua đào tạo họ vẫn có nhiều khả năng bị thất nghiệp hơn hoặc chỉ được nhận làm một phần thời gian. Người ta vẫn thường viện ra những quan điểm cố hữu về giới và giới tính để bào chữa cho việc tuyển dụng NKT nam giới, hoặc cho hành vi tách lao động nữ ra khỏi một số loại công việc nhất định một cách không hợp lý với lý do tránh gây tổn thương. Đặc điểm này đòi hỏi trong quá trình xây dựng pháp luật, các nhà lập pháp và hoạch định chính sách quốc gia cần phải hết sức thận trọng và quan tâm đến khía cạnh giới trong vấn đề NKT, trong pháp luật và chính sách về NKT để đảm bảo mọi NKT, kể cả nam lẫn nữ, đều được hưởng công bằng từ luật pháp và chính sách này [13].