Đặc điểm hòa giải ở cơ sở

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hòa giải cơ sở - qua thực tiễn ở huyện Gia Lâm (Trang 25 - 27)

Với ý nghĩa là phương thức giúp các bên thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, có thể rút ra một số đặc điểm của hòa giải ở cơ sở như sau:

Một là, hòa giải ở cơ sở là hoạt động thuyết phục vận động, giúp đỡ các bên tranh chấp thông cảm hiểu nhau hơn, tự dàn xếp, thỏa thuận để xóa bỏ tranh chấp, nối lại tình cảm gắn bó từ gia đình, xóm giềng, góp phần giữ gìn ổn định, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Hai là, hòa giải ở cơ sở được tiến hành do một hoặc một số tổ viên tổ hòa giải hoặc người có uy tín đối với các bên tranh chấp tiến hành gọi chung là hòa giải viên. Đây là những người nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, ở nhiều độ tuổi khác nhau, hoạt động không có lương, phụ cấp của Nhà nước khi tham gia hòa giải.

Ba là, phạm vi của hoạt động hòa giải ở cơ sở là những tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư được giới hạn theo quy định của pháp luật.

Bốn là, hòa giải ở cơ sở không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải, không nhất thiết phải lập biên bản nếu các bên không yêu cầu. Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải không cố định, linh hoạt đảm bảo thuận lợi cho việc hòa giải hoặc phù hợp với nguyện vọng của các bên.

Năm là, hòa giải ở cơ sở thường được thực hiện linh hoạt, có sự kết hợp vận dụng quy định của pháp luật với phong tục, tập quán truyền thống, kinh nghiệm của dân gian, hiệu quả là có tính thuyết phục cao, mang lại kết quả ổn thỏa, lâu bền.

Sáu là, hòa giải ở cơ sở là một biện pháp tốt để trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý,... xây dựng lối sống văn hóa cho mọi người.

Có thể nói rằng, hòa giải ở cơ sở là một định chế xã hội mang đậm tính chất tự nguyện, là một biểu hiện của xã hội dân sự ở cơ sở. Đó là toàn bộ đời sống xã hội trong lĩnh vực tự quản của công dân tự do và các tổ chức tự quản của họ. Lĩnh vực tự quản đó nằm ngoài sự can thiệp trực tiếp của cơ quan nhà nước. Yếu tố tự quản với những giá trị nhân văn của hòa giải sẽ là một biện pháp điều hòa những lợi ích trong các tranh chấp, xích mích, làm giảm thiểu sự khác biệt trong mỗi thành viên cộng đồng, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội rộng rãi hiện nay.

Bên cạnh đó, các yếu tố lịch sử, truyền thống, tâm lý dân tộc là những tiền đề rất quan trọng, là điều kiện cho hòa giải hình thành, tồn tại và phát triển. Với bản chất và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc vì con người, hòa giải ở cơ sở vượt qua được những thay đổi của các thể chế chính trị, ngày càng khẳng định được vai trò, ý nghĩa to lớn của mình trong đời sống xã hội. Đó chính là lý do tại sao hòa giải ở cơ sở được mọi người dân chấp nhận. Đây cũng là một trong những đặc điểm của hòa giải ở cơ sở.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hòa giải cơ sở - qua thực tiễn ở huyện Gia Lâm (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)