Chương 2 QUY ĐỊNH VỀ ĐỊA DỊCH TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
2.3. Địa dịch trong Bộ luật Dân sự 2015
2.3.2. Căn cứ phát sinh và chấm dứt địa dịch theo BLDS 2015
Vì BLDS 2015 sử dụng thuật ngữ quyền đối với bất động sản liền kề thay cho thuật ngữ địa dịch nên ở đây chúng tôi sẽ phân tích căn cứ phát sinh và chấm dứt quyền đối với bất động sản liền kề.
* Căn cứ phát sinh
“Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên,
theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc” (Điều 246).
So với quy định của BLDS 1995 và BLDS 2005 (Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề được xác lập theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp
luật) thì BLDS 2015 bổ sung thêm hai căn cứ phát sinh là do địa thế tự nhiên và
theo di chúc. Điều này hoàn toàn phù hợp với các căn cứ phát sinh địa dịch
trong pháp luật La Mã. Thực ra trong các BLDS 1995 và 2005 cũng đã nói đến địa dịch theo địa thế tự nhiên tại quy định “Trong trường hợp nước tự nhiên
chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại” (Điều 277 BLDS 2005). Tuy nhiên trong các căn cứ phát sinh Quyền
sử dụng hạn chế bất động sản liền kề lại không nhắc đến căn cứ phát sinh này. Địa dịch ước định trong BLDS Pháp cũng như các bộ Dân luật trước đây ở Việt Nam đều quy định rằng: các sở hữu chủ đều có quyền tùy ý thiết lập trên mảnh đất của mình địa dịch nào đó cho người khác hưởng miễn là không trái với trật tự công. Việc thiết lập địa dịch này có thể là kết quả của một thỏa thuận hoặc là một hành vi pháp lý đơn phương như di chúc chẳng hạn. Bởi vậy trong BLDS 2015 bổ sung thêm căn cứ di chúc là hoàn toàn hợp lý.
* Căn cứ chấm dứt
Theo Điều 256 BLDS 2015, “Quyền đối với bất động sản liền kề chấm
dứt trong trường hợp sau đây:
1. Bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người;
2. Việc sử dụng, khai thác bất động sản không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền;
3. Theo thỏa thuận của các bên;
4. Trường hợp khác theo quy định của luật.”
Như vậy so với BLDS 1995 và BLDS 2005, BLDS 2015 bổ sung thêm 2 căn cứ chấm dứt Quyền đối với bất động sản liền kề là Theo thỏa thuận của các
bên và Trường hợp khác theo quy định của luật (Các BLDS cũ chỉ quy định 2
căn cứ chấm dứt là hai bất động sản đó nhập làm một và chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng hạn chế bất động sản liền kề). Đây là sự bổ sung hoàn toàn hợp lý. Theo nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, các chủ
thể đều có quyền thỏa thuận trong việc tạo lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự, nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Nếu quyền đối với bất động sản liền kề đã được thiết lập theo thỏa thuận thì các bên trong quan hệ về sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đều có thể thỏa thuận chấm dứt quan hệ đó. Ngoài các căn cứ trên, quyền đối với bất động sản liền kề có thể chấm dứt theo quy định của pháp luật, có thể thông qua một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.